Thứ Hai, 15/06/2020, 10:36 (GMT+7)
.

Hủy bỏ biện pháp "phong tỏa tài sản" của anh Phong

Năm 2018, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Phước đưa vụ kiện “Tranh chấp tài sản sau ly hôn” giữa chị Nguyễn Thị Rồi với anh Trần Hoàng Giang (ngụ xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) ra xét xử. Tuy nhiên, trong quyết định Bản án sơ thẩm có nêu thêm: “Buộc ông Nguyễn Ngọc Phong trả lại cho bà Nguyễn Thị Rồi số tiền 148.830.000 đồng và buộc ông Lưu Văn Tâm trả lại cho bà Nguyễn Thị Rồi diện tích 440,7 m2 đất và 4.590.000 đồng giá trị đất chênh lệch…, do Nhà nước thu hồi đất khoán của 2 người để xây dựng Khu Công nghiệp Long Giang”. Phán quyết này của Hội đồng xét xử làm nhiều luật gia, luật sư có mặt tại phiên tòa rất ngạc nhiên và bức xúc.

ĐI TÌM SỰ THẬT

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Năm 1989, anh Giang với chị Rồi lấy nhau, không đăng ký kết hôn. Năm 2000, cá nhân anh Giang nhận khoán 2 ha đất trồng khóm của Nông trường Tân Lập, cùng với 1,2 công đất để cất nhà ở và làm kinh tế phụ. Đến năm 2002, anh chị đi làm “hôn thú” và năm 2004 ra tòa ly dị, chia tài sản. Sau đó, anh Giang giao trả lại cho Nông trường Tân Lập 0,66 ha đất nhận khoán và 1,2 công đất làm kinh tế phụ của gia đình...

Tại thời điểm này, Công ty Rau quả Tiền Giang ủy quyền cho Ban Giám đốc Nông trường Tân Lập ký hợp đồng giao khoán 0,66 ha đất trồng khóm của anh Giang giao trả cho anh Nguyễn Ngọc Phong và 1,2 công đất kinh tế phụ cho hộ anh Lưu Văn Tâm quản lý, sản xuất... cho đến ngày Nhà nước thu hồi đất khoán của nông trường đối với các hộ dân bị ảnh hưởng để xây dựng Khu công nghiệp Long Giang. Phần đất 0,66 ha của anh Phong được Hội đồng đền bù kê biên và UBND tỉnh ban hành quyết định chi trả cho anh tổng cộng 531,9 triệu đồng, nhưng bị TAND huyện Tân Phước ra quyết định: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giữ lại 112,2 triệu/148,8 triệu đồng mà tòa án buộc anh Phong phải trả trị giá bằng 1/2 diện tích đất anh nhận khoán cho chị Rồi. Đối với phần đất của anh Tâm không bị thu hồi nhưng tòa án buộc anh phải giao trả lại cho chị Rồi 440,7 m2/896 m2 (diện tích đo thực tế) và 4,59 triệu đồng với lý do: Chị Rồi có đơn khiếu kiện “Tranh chấp tài sản sau ly hôn” đối với anh Giang.

Luật gia Nguyễn Văn Giáp cho biết, Hội đồng xét xử không căn cứ vào cơ sở pháp lý, chứng cứ cụ thể (hợp đồng giao khoán) mà nghe theo lời trình bày của những người có liên quan để rồi kết luận vụ việc là chưa thật khách quan, chưa phù hợp theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Năm 2000, cá nhân ông Giang là người đứng tên trong hợp đồng nhận 2 ha đất khoán của Nông trường Tân Lập trước khi kết hôn với bà Rồi. Năm 2004, ông Giang giao lại 0,66 ha cho nông trường và nông trường làm hợp đồng khoán lại cho anh Phong. Do đó toàn bộ số đất này không phải là tài sản chung của ông Giang, bà Rồi.

Mặt khác, trong Quyết định bồi thường, hỗ trợ đất thu hồi, Nhà nước cũng đã giải quyết cho cá nhân ông Giang. Do đó, Hội đồng xét xử không thể chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Rồi, mà chỉ xem xét phần còn lại có phần đóng góp công sức của bà Rồi. Đồng thời, hủy bỏ Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án đã áp dụng về việc tạm giữ tiền của anh Phong. Bởi vì, phần đất 0,66 ha ông Giang giao lại cho nông trường và nông trường đã làm hợp đồng giao khoán cho anh Phong thì không thể đưa vào vụ án “Tranh chấp tài sản chung sau ly hôn” của ông Giang với bà Rồi để xét xử buộc ông Phong trả lại tiền cho bà Rồi.

Luật sư Nguyễn Văn Thận cho biết, bà Rồi yêu cầu chia đôi tài sản là hoàn toàn không có cơ sở, do ông Giang nhận đất khoán của nông trường trước khi kết hôn với bà Rồi. Ở đây, toàn bộ đất Nông trường Tân Lập là do Nhà nước thống nhất quản lý và Ban Giám đốc nông trường đã làm “Hợp đồng khoán đất trồng cây khóm, thơm” cho anh Phong là hợp đồng độc lập, hợp pháp.

Việc tòa án phong tỏa tài sản, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không có cơ sở. Đề nghị xác định hợp đồng nhận khoán 0,66 ha đất của anh Phong với Nông trường Tân Lập là hợp pháp và hủy Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã phong tỏa số tiền 112.200.000 đồng của anh Phong; bởi vì, số tiền này được UBND tỉnh ban hành Quyết định 1147 ngày 21-4-2017 hỗ trợ cho hộ anh Phong do ảnh hưởng của Dự án khu Công nghiệp Long Giang.

Luật sư Thận cho biết thêm, trước đây Nông trường Tân Lập là đất “vùng kinh tế mới”, cho nên việc giao nhận đất khoán đối với các hộ “hai chân” đến lập nghiệp một thời gian rồi “sang tay” để về quê hoặc chuyển đổi ngành nghề, đi nơi khác làm ăn là chuyện thường tình, không có tranh chấp xảy ra.

Nhưng nay Nông trường Tân Lập đã trở thành khu công nghiệp, giá trị đất cao gấp nhiều lần, việc tranh tụng giấy tờ, hồ sơ, hợp đồng giữa đôi bên không thể lường trước được. Nếu tòa án thụ lý, đưa ra xét xử không khéo như vụ ông Giang, bà Rồi (đưa đất công vào tài sản cá nhân) để giải quyết, không những không kết thúc vụ kiện mà có thể dẫn đến “giũ rối” thêm những vụ mới phát sinh có thể xảy ra sau này.

HỦY BỎ BIỆN PHÁP “PHONG TỎA TÀI SẢN” CỦA ANH PHONG

Kiểm sát viên Võ Trung Hiếu (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) nhận định: Tranh chấp tài sản chung sau ly hôn giữa anh Giang, chị Rồi là một vụ án khác. Ở đây, không thể lấy đất của Nông trường Tân Lập (đất do UBND tỉnh giao cho nông trường) đã giao khoán cho anh Phong và anh Tâm làm tài sản riêng để chia cho anh Giang, chị Rồi được…

Từ những cơ sở trên, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm (TAND tỉnh) Huỳnh Văn Ngoan quyết định: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phong và ông Tâm. Sửa bản án sơ thẩm 62 ngày 29-10-2018 của TAND huyện Tân Phước. Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ quy định tại Điều 126 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được TAND huyện Tân Phước áp dụng tại Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời  02 ngày 24-4-2017.   

TỔ CTBĐ

.
.
.