Thứ Tư, 30/09/2020, 19:51 (GMT+7)
.

Yêu cầu công dân chấm dứt khiếu nại vì không có cơ sở

(ABO) Thời gian qua, UBND tỉnh cùng với các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND cấp huyện đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với các trường hợp công dân khiếu nại kéo dài mà cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương đã thẩm tra, rà soát và kết luận không có cơ sở giải quyết, nhưng một số đối tượng lợi dụng việc khiếu nại nhằm gây rối, kích động, lôi kéo, yêu sách làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. UBND tỉnh đã yêu cầu công dân chấm dứt khiếu nại, cụ thể các trường hợp sau:

Phần lề đường trước nhà bà Kim Em giữ nguyên hiện trạng.
Phần lề đường trước nhà bà Kim Em giữ nguyên hiện trạng.

1. Bà Võ Thị Thu Hà (phường 1, TX. Gò Công): Tranh chấp đất với bà Trương Thị Xiếu và bà Phạm Thị Đại; yêu cầu bồi thường đất bị ảnh hưởng do mở rộng đường Võ Duy Linh (phường 1, TX. Gò Công) và các tuyến kinh 12, kinh 14, kinh Nhỏ (địa bàn huyện Gò Công Tây).

1. Tranh chấp 5.000 m2 đất với cô ruột là bà Trương Thị Xiếu: Đất tọa lạc tại xã Long Vĩnh, được cha ruột là ông Võ Văn Phát (ông nội bà Hà) cho bà Xiếu canh tác ổn định từ năm 1983. Quá trình bà Hà khiếu nại, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải quyết bác đơn khiếu nại của bà. Thanh tra Chính phủ cũng đã có Công văn 615, kết luận: Quyết định giải quyết của UBND tỉnh Tiền Giang là đúng pháp luật, yêu cầu bà Hà chấm dứt khiếu nại, nhưng bà Hà vẫn theo các đoàn khiếu kiện đông người.

2. Đòi lại 790 m2 đất (tọa lạc xã Bình Tân) do bà Phạm Thị Đại sử dụng: Đây là đất quỹ, địa phương hoán đổi cho bà Đại canh tác vì bà bị mất nhiều đất để làm công trình phúc lợi công cộng.

3. Yêu cầu bồi thường đất do thi công các tuyến kinh 12, kinh 14 và kinh Nhỏ: Thời điểm thi công các tuyến kinh này, pháp luật về đất đai chưa quy định bồi thường đất, nay bà yêu cầu bồi thường là không có căn cứ để giải quyết.

4. Đòi bồi thường 28 m2 đất do mở rộng tuyến đường Võ Duy Linh vào năm 2002: Tổ công tác của UBND tỉnh đã thẩm tra, rà soát rất nhiều lần và được Thanh tra Chính phủ khẳng định quyết định giải quyết của tỉnh Tiền Giang là đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất kết luận: Các nội dung khiếu nại của bà Hà đã được các ngành chức năng thẩm tra, rà soát cụ thể, được Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp xúc, đối thoại và có văn bản trả lời: Khiếu nại của bà đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, yêu cầu bà chấm dứt khiếu nại. Nếu bà thật sự khó khăn thì đề nghị UBND TX. Gò Công xem xét hỗ trợ chính sách an sinh xã hội, giúp bà ổn định cuộc sống.

2. Bà Phan Thị Do (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy): Tranh chấp đường nước trong phần đất 1.221 m2 thuộc quyền sử dụng của ông Phan Văn Hoại.

Vụ việc được Thanh tra Chính phủ rà soát và có Văn bản 213:“…Đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Cai Lậy mời hai bên tranh chấp hòa giải theo hướng chia đôi diện tích mương nước 171,3 m2 cho mỗi bên sử dụng 85,6 m2. Trường hợp hòa giải không thành thì hướng dẫn các bên khởi kiện tại tòa án (vì phần mương trên đã được đăng ký trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của ông Phan Văn Hoại…”. Các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh cũng đã thực hiện xong, không thụ lý giải quyết đối với nội dung khiếu nại của bà Do.

3. Bà Đinh Thị Truyền (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông): Yêu cầu xem xét lại Quyết định 1067 của UBND huyện Gò Công Đông về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Đinh Văn Sang.

Kết quả thẩm tra cho thấy: Quá trình sử dụng đất và trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Sang là phù hợp các quy định của pháp luật về đất đai. Phần đất này có nguồn gốc của ông Đinh Văn Bảy (nội ông Sang, cha bà Truyền) để lại. Ông Sang sống chung với hộ ông Bảy và sử dụng phần đất này từ năm 1982. Sau khi ông Bảy mất (năm 1987), ông Sang liên tục trực canh, đăng ký, kê khai hồ sơ địa chính và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2008. Lúc đó, bà Truyền biết rõ sự việc nhưng không yêu cầu chia thừa kế. Vì lẽ đó, UBND tỉnh thống nhất giữ nguyên Quyết định 1067 của UBND huyện Gò Công Đông về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Sang, yêu cầu của bà Truyền không có cơ sở giải quyết.

4. Bà Trần Thị Hoàng (xã Bình Phú, Cai Lậy): Tranh chấp 186,87 m2 đất (tọa lạc ấp 11, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) với bà Phạm Thị Kỷ sử dụng trước năm 1975.

Năm 2005, bà Ba (mẹ bà Hoàng) phát sinh tranh chấp, đòi bà Kỷ trả đất. Sau khi hòa giải không thành, vụ việc được chuyển sang tòa án giải quyết, nhưng do bà Kỷ không có tên trong sổ mục kê địa chính nên vụ việc được chuyển sang cơ quan hành chính giải quyết. Năm 2009, UBND huyện Cai Lậy và UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết bác đơn bà Ba, giữ nguyên hiện trạng đất cho bà Kỷ sử dụng. Từ nhiều năm nay, bà Hoàng thường xuyên khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương.

5. Ông Nguyễn Thanh Hồng, bà Dương Thị Ánh, ông Nguyễn Văn Tâm và bà Lê Kim Em (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè): Yêu cầu bồi thường đất hành lang lộ giới tỉnh lộ 861.

Việc nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 861 được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước đầu tư kinh phí, vận động nhân dân hiến đất, chỉ bồi thường cây trái, hoa màu, nhà ở và các vật kiến trúc khác). Theo thiết kế, có 179 hộ bị ảnh hưởng. Năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 762 phê duyệt phương án và kinh phí bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình, nêu rõ: “Không bồi thường, hỗ trợ về đất do vận động dân hiến đất để làm công trình, chỉ bồi thường cây trái, hoa màu, nhà ở và các vật kiến trúc khác”.

Qua họp dân triển khai chủ trương và tổ chức vận động, đa số các hộ thống nhất hiến đất để thi công; còn lại 17 hộ không đồng ý, khiếu nại cho rằng mặt đường tỉnh 861 trước đây rộng khoảng 3 m, nay Nhà nước thi công rộng 7 m nên không thống nhất hiến đất, yêu cầu bồi thường.

Do còn một số hộ không đồng ý hiến đất nên UBND tỉnh thống nhất cho điều chỉnh lại thiết kế: “Chỉ thi công trên những đoạn mà nhân dân đã hiến đất, những đoạn dân không hiến đất thì giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng đường”. Tuy nhiên, các hộ không chịu hiến đất vẫn tiếp tục khiếu nại, yêu cầu phải thu hồi đất của họ để làm đường và bồi thường theo quy định.

Khiếu nại của 17 hộ đã được UBND huyện Cái Bè ra quyết định giải quyết lần đầu và UBND tỉnh có quyết định giải quyết lần hai. Nội dung quyết định giải quyết khẳng định: Diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ so với diện tích đo đạc thực tế của các hộ khiếu nại không thay đổi. Đường tỉnh 861 được hình thành trước khi đo đạc cấp giấy cho các hộ, đất của các hộ chỉ được cấp đến lề đường. Việc khiếu nại yêu cầu bồi thường phần đất nằm trên đường tỉnh 861 của các hộ không có cơ sở. UBND tỉnh bác đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu của UBND huyện Cái Bè. Tuy nhiên, các hộ vẫn không đồng ý, cho rằng công trình đã thi công trên đất của họ.

Qua rà soát và báo cáo của ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức tiếp dân và kết luận khiếu nại của các hộ là không có cơ sở, yêu cầu chấm dứt khiếu nại tại các Văn bản 3216, 3217, 3218, 3219, ngày 19-7-2016: “Chấm dứt thụ lý đối với các hộ Nguyễn Thanh Hồng (vợ là Hồ Thị Ba), Dương Thị Ánh (chồng là Phạm Văn Cư), Nguyễn Văn Tâm (vợ là Nguyễn Thị Thêm) và bà Lê Kim Em”.

                                                                                                          TỔ CTBĐ




 

.
.
.