Thứ Tư, 27/01/2021, 10:44 (GMT+7)
.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (tiếp theo kỳ trước)

1.6. Về tài nguyên - môi trường
1.6.1. Đề nghị UBND tỉnh giải trình: Hiện nay có bao nhiêu trường hợp đưa vào nghị quyết phải thu hồi đất quá thời gian theo quy định những dự án không thực hiện; giải pháp xử lý các dự án này như thế nào?

Giải trình:

- Thực hiện quy định Luật Đất đai năm 2013, hằng năm UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đạt tỷ lệ thấp, bình quân khoảng 40% - 50% công trình, dự án theo kế hoạch. Qua rà soát danh mục công trình, dự án thu hồi đất trình HĐND tỉnh thông qua hằng năm và đối chiếu Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện có 150 công trình, dự án đã đưa vào Kế hoạch sử dụng đất sau 3 năm chưa triển khai.

- Về giải pháp xử lý trường hợp này: Thực hiện khoản 8, Điều 49, Luật số 35/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Quy hoạch, trong đó có quy định: “Công trình, dự án ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ”, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát các công trình, dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất, danh mục thu hồi đất sau 3 năm chưa triển khai; xác định tính khả thi, sự cần thiết, nguồn vốn đầu tư, nếu không có khả năng thực hiện thì không đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; hạn chế tình trạng quy hoạch, dự án treo làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.  

1.6.2. Đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét; có giải pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng, cho thuê lại, bỏ hoang hóa gây lãng phí, thất thoát ngân sách.

Giải trình:

Ngày 14-8-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 206 về việc tổ chức làm việc, kiểm tra các khu phân lô, bán nền trên địa bàn cấp huyện tỉnh Tiền Giang. Thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 17-8-2020 đến ngày 17-9-2020; từ ngày 19-8-2020 đến ngày 26-8-2020 Đoàn công tác của UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh đã hoàn thành việc kiểm tra các khu phân lô, bán nền tại các địa phương (các huyện, thị xã và TP. Mỹ Tho). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã có yêu cầu các địa phương hoàn chỉnh phương án đề xuất xử lý cho từng khu phân lô, bán nền. Kết quả thực hiện gửi về Sở Xây dựng và UBND tỉnh trước ngày 17-9-2020. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương xử lý đối với từng khu phân lô, bán nền.

UBND tỉnh đã ban hành Công văn  6101, ký ngày 11-12-2020 chỉ đạo xử lý đối với các khu phân lô, bán nền và cho chủ trương hướng dẫn thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng theo quy định của pháp luật, cụ thể:

- UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã và TP. Mỹ Tho chịu trách nhiệm xử lý, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xử lý đối với các khu phân lô, bán nền trên địa bàn trên cơ sở phương án đề xuất xử lý cụ thể các khu phân lô, bán nền theo đề xuất của Sở Xây dựng.

- Cho phép các tổ chức, cá nhân được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng theo quy định của pháp luật tại các khu phân lô, bán nền phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã và TP. Mỹ Tho sẽ chịu trách nhiệm xử lý, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xử lý đối với các khu phân lô, bán nền trên địa bàn quản lý.

Về đề xuất giải pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng, cho thuê lại, bỏ hoang hóa gây lãng phí, thất thoát ngân sách: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó thực hiện công tác kiểm tra việc sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; trường hợp tổ chức, cá nhân không sử dụng đất, cho thuê lại, bỏ hoang hóa sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

1.6.3. Đại biểu phản ánh, thực tế nhiều trường hợp việc tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho các hộ thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội, các hộ không có đất đủ diện tích theo quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa của Quyết định 08/2020 của UBND tỉnh nên không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó không thể thực hiện. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nên tham mưu UBND tỉnh giải quyết các trường hợp đặc biệt này.

Giải trình:

Quyết định 08/2020 của UBND tỉnh Quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó có quy định cụ thể tại điểm đ, khoản 2, Điều 1 như sau: “Các trường hợp hiến, tặng quyền sử dụng đất cho Nhà nước để thực hiện các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân để xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết (trường hợp là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo quy định pháp luật)” thì không áp dụng Quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa.

1.6.4. Đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường và có giải pháp cụ thể đẩy mạnh thu hút xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung tại các địa phương với công nghệ hiện đại; xử lý nghiêm và thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư.

Giải trình:

- Quán triệt quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, điển hình là Chương trình hành động 84 ngày 31-3-2017 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 05 ngày 18-11-2016 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó đã xác định các mục tiêu và nội dung cụ thể để các sở, ngành và địa phương thực hiện.

Gần đây nhất, để giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 146 ngày 1-6-2020 về Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Kế hoạch đã xác định 12 nội dung mà các sở, ngành, địa phương phải thực hiện để cải thiện môi trường nông thôn trong thời gian tới (trong đó có các vấn đề như: Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, rác thải nông thôn, xử lý kinh rạch bị ô nhiễm, công tác kiểm tra xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường). Hiện nay, các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh đã giao theo Chương trình hành động và Kế hoạch nêu trên.

- Về tình hình triển khai quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn (CTR) tập trung trên địa bàn tỉnh: Về quy hoạch và đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh để xem xét quyết định. Kết quả đến thời điểm hiện nay như sau:

+ Dự án Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3527, ký ngày 30-11-2020 về việc phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (quy mô xử lý 500 đến 600 tấn rác thải/ngày, diện tích đất sử dụng 2 ha).

+ Dự án Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3528, ký ngày 30-11-2020 về việc phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (quy mô xử lý 300 tấn rác thải/ngày, diện tích đất sử dụng 2,52 ha). UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

- Thực hiện Hướng dẫn liên ngành 4305 ngày 22-9-2017 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, các địa phương đã bố trí được 7.114 bể chứa bao gói thuốc BVTV qua sử dụng và đã tổ chức chuyển giao 46.837,3 kg (đạt tỷ lệ 99,1% tỷ lệ vỏ bao bì thuốc BVTV được thu gom và chuyển đi xử lý tại các bể chứa), bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.

- UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, có giải pháp đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường bị phản ánh, như trường hợp Công ty TNHH TM Đoàn Xá (ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), Trang trại sản xuất tôm giống Đăng Tín (ấp An Thái, xã An Cư, huyện Cái Bè)…

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung của tỉnh theo quy hoạch được duyệt bằng công nghệ hiện đại, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

1.6.5. Đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm soát, quản lý việc khoan giếng tự phát. Đồng thời, cần quan tâm có kế hoạch chủ động trong giữ nguồn, bảo vệ nguồn nước và có biện pháp khai thác sử dụng trong thời gian tới.

Giải trình:

* Để tăng cường công tác kiểm soát, quản lý việc khoan giếng tự phát, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị cụ thể như sau:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên nước khi thi công các giếng khoan khai thác nước dưới đất. Đối với các tổ chức, cá nhân thi công mới các giếng khoan khai thác nước dưới đất mà không có giấy phép theo quy định thì phải đình chỉ hoạt động, bị xử phạt vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm lấp hủy giếng khôi phục lại hiện trạng ban đầu đúng theo quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân thi công mới các công trình khai thác nước dưới đất nhưng chưa có giấy phép theo quy định.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn có kế hoạch nâng cấp, cải tạo trạm cấp nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt là trong mùa khô, hạn mặn hằng năm.

c) UBND các huyện, thị và TP. Mỹ Tho:

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, đơn vị cấp nước trên địa bàn kịp thời thông tin, phản ánh cho cơ quan chức năng các trường hợp thi công giếng khoan trong phạm vi vùng cấp nước của mình quản lý.

- Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước, không tự ý thi công khoan giếng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định, sử dụng nước tiết kiệm và đúng mục đích.

- Kiểm tra, thống kê, phân loại các giếng khoan, xử lý theo quy định đối với các giếng khoan trái phép trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng khai thác nước dưới đất mà không có giấy phép theo quy định.

d) Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị và TP. Mỹ Tho khẩn trương triển khai thực hiện. Trường hợp, đơn vị, địa phương nào triển khai chỉ đạo không tập trung, còn lơ là, không quyết liệt hoặc chậm triển khai, còn để xảy ra tình trạng thi công giếng khoan tự phát trong nhân dân thì Chủ tịch UBND các huyện, thị và TP. Mỹ Tho chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

* Kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước trong thời gian tới: Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện các nội dung tại Chỉ thị 10 ngày 26-4-2018 của UBND tỉnh, trong đó tập trung một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành để nhân dân nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong việc bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo Nghị định 36/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

- Tăng cường việc giám sát, theo dõi những công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất, đặc biệt phải kiểm tra chặt chẽ quy trình kỹ thuật đối với những giếng khoan công nghiệp khai thác với lưu lượng lớn. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng bền vững nguồn nước.

- Hướng dẫn các huyện, thị, thành tổ chức triển khai thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý việc khai thác nước dưới đất đối với công trình khai thác nước có lưu lượng < 10m3/ngày đêm đảm bảo đúng quy định.

- Rà soát các văn bản quy định pháp luật của địa phương, các thủ tục hành chính do địa phương ban hành hoặc công bố có liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế cho phù hợp với Luật Tài nguyên nước và các quy định hướng dẫn của Trung ương.

- Triển khai dự án điều tra, đánh giá xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được quy định tại Nghị định 167/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố; tiếp tục thực hiện các dự án “cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước”, “Xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu về tài nguyên nước”.

- Thực hiện tốt công tác quan trắc tài nguyên nước theo định kỳ. Từ đó có cơ sở dữ liệu tổng thể về nguồn tài nguyên nước, theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn để chủ động trong việc cung cấp nước sạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu.                                               

(còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.