.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (tiếp theo kỳ trước)

Cập nhật: 08:23, 23/01/2021 (GMT+7)

1.2. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp:

1.2.1. Về sản xuất nông, ngư nghiệp:
a) Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống hạn, mặn được cử tri rất quan tâm, nên đề nghị bổ sung thật cụ thể kế hoạch và giải pháp nguồn lực phòng chống hạn, mặn vào Nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; giải pháp tăng cường công tác dự báo, nạo vét kinh rạch, đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ để đảm bảo nguồn nước dự trữ đủ tưới tiêu trong những tháng khô hạn.

Giải trình:

Để thực hiện nhiệm vụ trên, ngày 2-7-2020, UBND tỉnh ban hành Phương án 174 về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Phương án đưa ra mục tiêu rất cụ thể, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho các vùng, bao gồm: Vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công với diện tích 43.700 ha; Dự án Phú Thạnh - Phú Đông với diện tích 2.984 ha; Vùng Dự án Bảo Định mở rộng sang một phần diện tích vùng kiểm soát lũ với 130.085 ha diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc Dự án Bảo Định mở rộng 2 tỉnh Tiền Giang và Long An (Tiền Giang 110.085 ha và Long An 20.000 ha), trong đó: Diện tích cây ăn trái Tiền Giang 81.785 ha và Long An 9.680 ha; diện tích lúa Tiền Giang 28.300 ha và Long An 10.320 ha.

Theo đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ; tập trung nạo vét kinh rạch, đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ; tổ chức theo dõi kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nước, tình hình khí tượng thủy văn để có biện pháp tổ chức vận hành công trình cống phục vụ cho sản xuất có hiệu quả.

b) Nghiên cứu tìm ra các loại giống lúa, cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu: Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các dự án, đề tài về nghiên cứu tạo giống, xây dựng quy trình sản xuất giống và nâng cao chất lượng giống cây trồng, đã chọn được 2 giống lúa có khả năng thích nghi tốt với điều kiện canh tác đất nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trong vụ thu đông là OM 5451 và OM 6976; đã chọn được 46 dòng thế hệ F3, 37 dòng thế hệ F4, 17 dòng thế hệ F6; tuyển chọn được 3 giống (TG2, TG7 và TG12) ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao và ổn định, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện canh tác trên địa bàn tỉnh.

Trên cây ăn trái, thực hiện lưu trữ, khai thác và bảo tồn 9/17 cây đầu dòng (có 8 cây đã bị suy thoái) đã được công nhận từ năm 2008 đến nay, gồm các giống vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu và xoài ăn xanh, sơ ri; 14 cây giống gốc (6 chủng loại); 279 cây giống mới (gồm 20 chủng loại). Tỉnh đã bình tuyển được 1 vườn cây đầu dòng (xoài cát Hòa Lộc) và 18 cây đầu dòng gồm: 4 cây khóm, 2 cây bưởi long Cổ Cò, 6 cây xoài, 3 cây sơ ri, 3 cây vú sữa làm nguồn nhân giống trong sản xuất.

c) Về áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất: Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được triển khai xuyên suốt, đạt một số thành tựu cụ thể:

- Trên cây lúa: Diện tích áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” chiếm 87,4%, tăng 0,2% so cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận 95,4%, tăng 11,6% so cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ diện tích gieo sạ với lượng hạt giống trên 150 kg lúa giống/ha ngày càng giảm, đến nay chỉ còn 7,6%, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ giới hóa khâu làm đất, bơm tát, thu hoạch bằng máy chiếm 100% diện tích, 100% sản lượng lúa được được tập trung sấy tại các cơ sở sấy. Đến nay đã có 314,78 ha lúa được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, trong đó có 220,78 ha còn hiệu lực.

- Trên cây ăn trái: Toàn tỉnh có 1.686 ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, trong đó có 1.136,9 ha còn hiệu lực. Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm ngày càng tăng (năm 2020 tỷ lệ diện tích áp dụng tưới tiết kiệm là 19,9%, tăng 9,9% so với năm 2019); bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, điều tiết nước, kìm hãm sinh trưởng… để điều khiển rải vụ thu hoạch; sử dụng các chế phẩm sinh học phòng sâu bệnh; ứng dụng công nghệ bao trái: sử dụng bao PE; bao vải không dệt; bao vi lỗ BOPP,…

- Trên cây rau: Hiện có khoảng 90% diện tích các giống rau màu lai F1 được đưa vào sản xuất. Ứng dụng trồng thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng màng phủ nông nghiệp, tưới nước tự động, tưới nước tiết kiệm... được nông dân ứng dụng nhiều hơn (toàn tỉnh hiện có khoảng 784 ha rau màu được trồng trong nhà lưới, nhà màng). Đến nay, có 209,8 ha rau được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, trong đó có 103,7 ha còn hiệu lực.

- Lĩnh vực chăn nuôi: Toàn tỉnh có hơn 300 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 hầm biogas. Đến nay có 874.620 con heo, gà của 24 đơn vị đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 853.110 con gà của 20 đơn vị còn hiệu lực.

- Lĩnh vực thủy sản: Hiện có 70 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 hoặc 3 giai đoạn với diện tích 292 ha, tập trung ở 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông (tăng 2 hộ/12 ha so với năm 2019). Trong năm 2020, có 11,55 ha nuôi thủy sản được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, lũy kế 67,26 ha, trong đó có 11,55 ha còn hiệu lực. Có 1 cơ sở nuôi cá tra sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất. Đối với việc ứng dụng công nghệ trong khai thác hải sản: Đến nay, ngư dân Tiền Giang đã triển khai được hàng trăm bóng đèn tiết kiệm điện công suất 200W để thay thế cho đèn cao áp (đèn siêu) công suất 1.000W trên các tàu nghề lưới vây và chong đèn dẫn dụ cá.

d) Về phương án tìm đầu ra cho nông sản: Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản của Tiền Giang, đã có nhiều sản phẩm xoài, thanh long, sầu riêng… của tỉnh được tiêu thụ tại các chuỗi bán hàng trong cả nước và kể cả xuất khẩu. Đã tổ chức các cuộc Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất - tiêu thụ trái cây, thủy sản an toàn thực phẩm với các thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản của Tiền Giang; hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thực hiện các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

1.2.2. Về Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn và cần có giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện; trong đó Đề án “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao” của tỉnh vẫn chưa được triển khai thực hiện, nên cần có giải pháp xúc tiến nhanh hơn; đồng thời kết hợp với khai thác hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch.

Giải trình:

UBND tỉnh xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát, điều chỉnh lại Đề án cho phù hợp với điều kiện thực tế kinh tế - xã hội, đất đai, môi trường, thời tiết, thích ứng biến đổi khí hậu; về Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngày 10-12-2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương và dự toán điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các bước theo quy định.

1.2.3. Đề nghị tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động thực chất, phát triển và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có bố trí hơn 800 tỷ đồng để đầu tư hệ thống đê ngăn triều cường, các công trình phòng, chống hạn, mặn, đề nghị UBND tỉnh cần định hướng đầu tư đồng bộ, hiệu quả các công trình này.

Giải trình:

- Hiện toàn tỉnh có 154 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) với 38.887 thành viên, với 152 HTXNN đang hoạt động, trong đó khá, tốt là 39 HTX, chiếm 25,66%; trung bình là 70 HTX, chiếm 46,05%; thành lập mới năm 2019 và đầu năm 2020 không được xếp loại đánh giá do chưa đủ điều kiện là 43 HTX, chiếm 26,97%; 2 HTX ngừng hoạt động (chiếm 1,32%).

Trong thời gian qua, UBND tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ HTXNN theo Quyết định 2261 ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 với các chính sách hỗ trợ: Bồi dưỡng, đào tạo (7 lớp/năm), hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc cho HTX (8 cán bộ trẻ), hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng (42 hạng mục, 33 tỷ đồng), hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ về đất đai; bên cạnh đó còn lồng ghép các chương trình của ngành để hỗ trợ HTX như: Hỗ trợ sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết tiêu thụ...

- Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 1804 ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX: Đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ cán bộ về làm việc tại HTX, xúc tiến thương mại.

Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 07/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cụ thể hóa Nghị định 98/2018 của Chính phủ; Quyết định 04/2015 của UBND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định 51/2013 của UBND tỉnh về ban hành quy định cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ HTX; Quyết định 35/2019 của UBND tỉnh về sửa đổi bổ sung một số điều của quy định cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX ban hành kèm Quyết định 51/2013 của UBND tỉnh.

1.2.4. Trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có bố trí hơn 800 tỷ đồng để đầu tư hệ thống đê ngăn triều cường, các công trình phòng, chống hạn, mặn. Đề nghị UBND tỉnh cần định hướng đầu tư đồng bộ, hiệu quả các công trình này.

Giải trình:

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) gồm 6 cống dọc sông Tiền: Cống Rạch Gầm, cống Phú Phong, cống Cây Còng, cống Hai Tân, cống Mù U và cống Cái Sơn. Dự kiến kế hoạch bố trí vốn và tiến độ thực hiện công trình phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đảm bảo đầu tư tập trung, có hiệu quả.

1.3. Về xây dựng nông thôn mới: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ, đầu tư thêm các xã ra mắt trước năm 2017 để có điều kiện duy trì, củng cố và nâng chất các tiêu chí.

Giải trình:

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất trình UBND tỉnh xem xét, quyết định về việc hỗ trợ đầu tư thêm các xã ra mắt trước năm 2017 để có điều kiện duy trì, củng cố và nâng chất các tiêu chí đúng quy định.

(còn tiếp)

.
.
.