Thứ Tư, 17/02/2021, 10:07 (GMT+7)
.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

1.12.6. Đại biểu cho rằng, thời gian qua các ngành chức năng có quan tâm chấn chỉnh tình trạng dán tờ quảng cáo, phát tờ rơi nhưng chưa thật sự có hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với ngành Công an quản lý nghiêm, có hiệu quả vấn đề này.

Giải trình:

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 14, ký ngày 18-5-2018 về tăng cường xử lý các vi phạm quảng cáo, rao vặt sai quy định, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị… Trong tháng 9-2018, tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh đều tổ chức ra quân xử lý và xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn. Kết quả, có 36.064 bảng quảng cáo, rao vặt sai quy định được tháo gỡ.

Từ tháng 9-2018 đến nay, đội kiểm tra cấp tỉnh, huyện đã tổ chức kiểm tra 290 cuộc. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào nội dung quảng cáo “cho vay tín chấp”. Kết quả xử lý: Cảnh cáo, nhắc nhở 86 trường hợp; xóa bỏ và tháo gỡ trên 90.000 băng rôn, tờ rơi quảng cáo, rao vặt sai quy định; phạt tiền 2 trường hợp với số tiền 11,5 triệu đồng; chuyển ngành Công an trên 10 vụ phát tờ rơi có nội dung cho vay không cần thế chấp mang tính lừa đảo để điều tra, xử lý.

Trong thời gian tới, để tiếp tục quản lý và xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt sai quy định, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng quảng cáo, rao vặt sai quy định, chủ yếu tập trung vào nội dung quảng cáo “cho vay tín chấp”. Tổ chức đợt cao điểm ra quân xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định trên toàn tỉnh vào đầu tháng 1-2021 để đón mừng Xuân mới Tân Sửu 2021, sau đó bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Người đứng đầu UBND các cấp chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên trong việc để tái diễn tình trạng quảng cáo, rao vặt sai quy định.

1.13. Về tư pháp, nội vụ, cải cách hành chính

1.13.1. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường thủy, đê điều.

Giải trình

Ngày 9-10-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 330 về tổ chức thực hiện Nghị quyết 10 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh về biện pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021; trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tham gia.

Để tổ chức thực hiện, liên ngành Công an tỉnh - Sở Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch phối hợp 3833, ký ngày  15-12-2020 về giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, xử lý các hộ mua bán lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sẽ luôn chú trọng và thường xuyên đôn đốc, theo dõi để kịp thời chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch 330, ngày 9-10-2019 đã ban hành.

1.13.2. Đề nghị HĐND, UBND quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố và Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản.

Giải trình

- Về chế độ BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Theo quy định của Luật BHYT, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHYT. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 21/2019 quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở ấp và khu phố; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó Điều 11 quy định “Chế độ bảo hiểm xã hội, BHYT của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”.

- Về chế độ BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố: Luật BHYT không có quy định những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố thuộc đối tượng tham gia BHYT. Do đó, UBND tỉnh không có cơ sở pháp lý để xem xét cho đối tượng này được hỗ trợ BHYT như kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố là người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo; người thuộc hộ nghèo đa chiều (theo khoản 1, khoản 2, Điều 4, Nghị định 146/2018 của Chính phủ) khi tham gia BHYT sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT theo Điều 8, Nghị định 146/2018 của Chính phủ.

1.13.3. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí thực hiện chính quyền điện tử, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường.

Giải trình:

- Thực hiện Nghị quyết 39 ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công tỉnh Tiền Giang năm 2021; trong đó, bố trí vốn đầu tư công trong năm 2021 cho việc chi đầu tư CNTT là 21 tỷ đồng.

- Về ưu tiên ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý Nhà nước: Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo đầu tư các chương trình, dự án CNTT, đặc biệt là các ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước như:

+ Về hạ tầng CNTT: Nâng cấp mạng LAN, WAN trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; nâng cấp hệ thống mạng, máy chủ, hệ thống bảo mật và sao lưu dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường; nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh…

+ Về ứng dụng CNTT: Xây dựng ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình Một cửa - Một cửa liên thông tỉnh; Dự án số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh; Tin học hóa quản lý công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh; Tin học hóa công tác quản lý của Sở Tư pháp; Xây dựng hệ thống thông tin dùng chung các ngành; Xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội; Ứng dụng CNTT trong quản lý phát triển sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020… Các chương trình, dự án trên đến nay đã đưa vào sử dụng, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án thí điểm xây dựng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang, đã phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thuộc dự án hạ tầng, dịch vụ Chính quyền số, các dự án đang triển khai công tác đấu thầu, dự kiến triển khai đầu năm 2021. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thuê tư vấn lập Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang, trong đó ưu tiên ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng Chính quyền số, đặc biệt có các chương trình, dự án góp phần đảm bảo an toàn giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường…

(còn tiếp)

 

.
.
.