.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH: Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (tiếp theo kỳ trước)

Cập nhật: 10:09, 01/02/2021 (GMT+7)

1.7. Về giao thông vận tải: Hiện nay, nhiều người dân tỉnh Tiền Giang có nhu cầu thi lấy bằng lái xe ô tô để phục vụ nhu cầu tăng thêm khi kinh tế phát triển, tuy nhiên do Tiền Giang chưa có Trung tâm Sát hạch lái xe ô tô, phải phụ thuộc đăng ký thi tại các Trung tâm của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, học viên đăng ký học tại Trường Nghề tỉnh phải đợi đến trên dưới 1 năm mới được vào học và đi thi nên rất thiệt thòi. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm trong việc chỉ đạo các ngành có liên quan đẩy nhanh việc kêu gọi và thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ này.

Giải trình:

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng xe ô tô của tỉnh Tiền Giang đang gia tăng nhanh chóng. Trung bình hằng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 25.000 người có nhu cầu đào tạo và sát hạch lái xe các loại, trong đó nhu cầu đào tạo và sát hạch lái xe ô tô các hạng khoảng 2.500 - 3.000 người và có xu hướng tăng nhanh trong những năm tới. Tuy nhiên, năng lực đào tạo lái xe của cơ sở đào tạo trong tỉnh chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu, 2/3 số lượng còn lại phải đăng ký đào tạo, sát hạch tại các địa phương khác. Nguyên nhân là do tỉnh chỉ có 1 trường đào tạo lái xe, nhưng không thể mở rộng quy mô đào tạo do hạn chế về số lượng xe, nguồn vốn để đầu tư.

Để xây dựng 1 Trung tâm đào tạo, sát hạch loại 1 cần có diện tích đất không nhỏ (hơn 35.000 m2), có vị trí thuận tiện về giao thông. Trong năm 2019 - 2020, có một số doanh nghiệp đến tỉnh tìm hiểu và dự định đầu tư xây dựng Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, do tỉnh không có quỹ đất công, nhà đầu tư gặp khó khăn khi phải tự thỏa thuận với dân, giá đất quá cao, do đó đến nay chưa có nhà đầu tư nào triển khai được dự án.

Trong năm 2021, UBND tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ để nhà đầu tư có thể thuận lợi triển khai nhanh các dự án Trung tâm đào tạo, sát hạch, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân tỉnh nhà.

1.8. Về thương mại - dịch vụ: Đề nghị UBND tỉnh bổ sung đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị 24 ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Giải trình:

Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo cuộc vận động và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể, các ban, ngành trong tỉnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:

- Các hoạt động tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú (trực quan, tọa đàm trực tiếp, hội thảo chuyên đề, báo in, báo hình…). Việc phối hợp tốt, nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền đã tạo hiệu ứng rất tích cực trong người dân về ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào chất lượng hàng Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Tổ Giúp việc được kiện toàn. Hằng năm Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đều có kiểm tra tình hình thực hiện Cuộc vận động tại tỉnh nhà, qua đó đánh giá được những việc đã làm được, những việc cần tăng cường,…

- Đối với các doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường trong nước, quan tâm đổi mới công nghệ, tích cực tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm để người dân dễ dàng tiếp cận với hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phong phú, giá bán hợp lý, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng biết đến, lựa chọn như: Đồ gỗ, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy... Các doanh nghiệp sản xuất từng bước tạo uy tín, khẳng định thương hiệu, nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, qua đó đã góp phần phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày được nâng lên.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức xây dựng Đề án tổ chức mô hình thí điểm “Điểm bán hàng Việt Nam” với chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam” và được Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí tổ chức, tính đến nay đã thực hiện được 3 “Điểm bán hàng Việt Nam” cố định trên địa bàn tỉnh, đã góp phần tăng cường quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt, người tiêu dùng có điều kiện dễ dàng tiếp cận với hàng hóa Việt có chất lượng. Đây là mô hình được nhiều người tiêu dùng ủng hộ, cần nhân rộng trong thời gian tới.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:

- Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, một số cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động tại địa phương, đơn vị mình. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động một số địa phương chưa chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về công tác tuyên truyền, thực hiện Thông báo Kết luận 264, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị và Kết luận 107, ngày 10-4-2015 của Ban Bí thư, Công văn 1745 ngày 15-10-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Hệ thống phân phối hàng Việt về nông thôn chưa được thiết lập thành hệ thống, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa quan tâm nhiều tới thị trường tiêu thụ nông thôn... Việc tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở một số ít đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy mà chưa tạo dựng được thương hiệu Việt cho người tiêu dùng. Cá biệt, có doanh nghiệp tranh thủ cơ hội để tiêu thụ hàng tồn kho, hàng rẻ tiền nước ngoài, hàng sắp hết hạn... đã ảnh hưởng đến lợi ích, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Một số mặt hàng lưu thông trên thị trường chưa có sự kiểm soát về chất lượng, vẫn còn hàng giả, hàng kém chất lượng làm người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm.

1.9. Về giáo dục và đào tạo

1.9.1. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường mầm non và tiểu học; có giải pháp thực hiện giảng dạy bán trú đối với các trường tiểu học ở nông thôn; đồng thời, mở thêm các điểm lớp cho trẻ dưới 36 tháng tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh để an tâm lao động, công tác.

Giải trình:

- Về việc quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường mầm non và tiểu học:

Thực hiện Công văn 879 ngày 18-3-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)  về việc thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị, thành tiến hành rà soát hiện trạng cơ sở vật chất trường học, xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát hiện trạng phòng học của trường mầm non, tiểu học để có cơ sở tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng mới phòng học thay thế các phòng học tạm thời, phòng bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, cũng như dự kiến nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Song song đó, UBND các huyện, thị, thành đã lập danh mục trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đề nghị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 để tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

- Về giải pháp thực hiện giảng dạy bán trú đối với các trường tiểu học ở nông thôn: Trong thời gian qua, công tác tổ chức bán trú tại các cơ sở giáo dục tiểu học chiếm tỷ lệ rất thấp, nguyên nhân là do chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và các cơ quan có thẩm quyền về công tác bán trú cấp tiểu học; công tác bán trú trong trường học hiện nay chủ yếu mang tính khuyến khích, nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh với nội dung và hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh; nhà trường chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và con người khi tổ chức bán trú (bếp ăn, phòng ngủ cho học sinh, cấp dưỡng, bảo mẫu…); chưa được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

+ Cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của Bộ GD-ĐT và sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp về việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học.

+ Hiệu trưởng nhà trường chủ động đề xuất chủ trương với chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch lộ trình tổ chức bán trú cho học sinh theo từng giai đoạn (trong đó chú ý đến các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, con người và thời gian thực hiện tổ chức bán trú).

+ Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của phụ huynh trong việc tổ chức bán trú tại địa phương; công khai, minh bạch về các hoạt động khi tổ chức bán trú; tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hằng năm (đối với các trường đã tổ chức bán trú).

(còn tiếp)

.
.
.