Thứ Tư, 03/02/2021, 16:01 (GMT+7)
.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

1.9.2. Hiện nay, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm, trong đó có những trường hợp không xuất phát từ nhu cầu học của học sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Ngành chức năng đã đề ra các giải pháp nhưng chưa phù hợp và hiệu quả. Đề nghị Sở GD-ĐT có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Giải trình:

Sở GD-ĐT đã có Hướng dẫn 02, ký ngày 7-5-2020 về việc hướng dẫn tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó đã quy định: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; chỉ các trường trung học đang thực hiện dạy học 1 buổi, chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày mới được tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường. Việc tổ chức dạy và học thêm trong trường phải đáp ứng được nguyện vọng của cha mẹ học sinh và học sinh; không gây quá tải cho giáo viên và học sinh. Các cơ sở giáo dục trung học có tổ chức dạy thêm trong nhà trường thì dạy không quá 18 tiết/tuần. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Các tổ chức, cá nhân muốn tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND cấp huyện. Sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định; đồng thời, chỉ đạo hiệu trưởng, thủ trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của cán bộ, giáo viên do nhà trường mình quản lý. 

1.10. Về y tế

1.10.1. Đại biểu cho rằng, để giữ vững và thực hiện tốt chỉ tiêu xử lý chất thải y tế (chất thải rắn và chất thải lỏng) đạt 100%, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư, sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện lớn và xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở các phòng khám đa khoa.

Giải trình:

UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch Hệ thống xử lý chất thải y tế tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã đầu tư cho ngành Y tế thực hiện các công trình xử lý chất thải y tế (chất thải rắn và chất thải lỏng) qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 - 2019, tổng mức đầu tư 24.241 triệu đồng) và giai đoạn 2 (2018 - 2020, tổng mức đầu tư 34.953 triệu đồng). Đến nay, 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (từ tỉnh đến huyện, xã) đều được trang bị các hệ thống xử lý chất thải y tế đạt đầu ra cột A theo quy chuẩn về môi trường, đạt chỉ tiêu nước thải và chất thải rắn y tế được xử lý 100%. UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ chỉ đạo ngành Y tế tham mưu đề xuất đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế trong giai đoạn đến năm 2030 theo Quy hoạch đã phê duyệt.

1.10.2. Thời gian qua, việc thu hút nguồn nhân lực y tế về công tác tại tỉnh chưa phát huy được hiệu quả, vì mức thu hút còn thấp so các tỉnh khác nên kết quả không cao, chỉ thu hút được về bệnh viện tuyến tỉnh, còn bệnh viện tuyến huyện thì không thu hút được. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét trình HĐND tỉnh nâng mức thu hút bằng các tỉnh lân cận để việc thu hút đạt hiệu quả cao hơn.

Giải trình:

Thực hiện Nghị quyết 02/2019 của HĐND tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang, UBND  tỉnh đã ban hành Hướng dẫn 310/2019 về thực hiện Nghị quyết 02/2019 của HĐND tỉnh và ngành Y tế đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế về công tác tại tỉnh, với kết quả như sau: Năm 2019, 12 bác sĩ Y đa khoa (Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) tỉnh: 10, Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Cai Lậy: 2); Năm 2020,  1 bác sĩ chuyên khoa I (Bệnh viện ĐKTT tỉnh) và 34 bác sĩ Y đa khoa (Bệnh viện ĐKTT tỉnh: 22, Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy: 6, Bệnh viện ĐKKV Gò Công: 5, Trung tâm Y tế Gò Công Đông: 1; chỉ tiêu kế hoạch thu hút bác sĩ năm 2020 là 28, vượt chỉ tiêu 6 bác sĩ). Như vậy, việc thu hút nguồn nhân lực y tế về công tác tại tỉnh đã phát huy được hiệu quả.

Nguyên nhân chỉ thu hút được bác sĩ về bệnh viện tuyến tỉnh, còn bệnh viện tuyến huyện thì không thu hút được là vì ngoài mức thu hút còn thấp so với các tỉnh khác như đại biểu đã nêu, hiện nay chưa có quy định yêu cầu bác sĩ mới tốt nghiệp phải điều động về tuyến huyện, tuyến xã một thời gian nhất định trước khi phân công về tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương (căn cứ vào khả năng chuyên môn) và tâm lý các bác sĩ mới ra trường luôn muốn công tác ở thành phố hoặc ở tỉnh.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ chỉ đạo ngành Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu về vấn đề này.

1.10.3. Năm 2021 thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) tại tuyến tỉnh nên số lượng bệnh nhân sẽ tập trung về Bệnh viện Đa khoa tỉnh (1.000 giường) và gây quá tải. Vì vậy, cần giữ lại cơ sở cũ (khoảng 500 giường) để thực hiện các khu: Khu hồi sức cấp cứu trong trung tâm thành phố, khu tim mạch, khu lão khoa, khu chạy thận, khoa cán bộ. Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đào tạo bác sĩ trẻ trở thành cán bộ kỹ thuật cao để nâng chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Giải trình:

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây dựng mới với quy mô 1.000 giường bệnh, ngoài mục đích giảm quá tải cho bệnh viện, còn nâng cao năng lực KCB cho bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trên cơ sở đó, bệnh viện phải phát huy hết công suất hoạt động tại cơ sở mới và cần ưu tiên tập trung phát triển kỹ thuật y học công nghệ cao, hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Tiền Giang và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của ngành Y tế, thực kê giường bệnh tại cơ sở cũ trong năm 2020 là 1.389 (cơ sở này có quy mô 550 giường) và tiếp tục tăng theo biến động dân số cơ học cũng như liên thông KCB BHYT tuyến tỉnh. Ý kiến của đại biểu là thiết thực, UBND tỉnh ghi nhận và chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe vừa đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị của TP. Mỹ Tho.

Về nhu cầu đào tạo cán bộ kỹ thuật cao, thực hiện theo Nghị quyết  01/2019 của HĐND tỉnh Quy định mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

1.10.4. Đề nghị ngành chức năng cho biết nguyên nhân vì sao dân số Tiền Giang có mức sinh thay thế thấp so với các tỉnh trên cả nước? Có giải pháp gì để ổn định mức sinh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, đại biểu cũng đề nghị ngành chức năng có giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Giải trình:

Mức sinh của Tiền Giang trung bình 5 năm 2014 - 2018 là 1,81 con (năm 2014: 1,75 con, năm 2015: 1,62 con, năm 2016: 2,0 con, năm 2017: 1,99 con, năm 2018 là 1,68 con). Năm 2019, mức sinh là 1,82 con (chưa đạt mức sinh thay thế là 2,1 con). Mặc dù mức sinh giảm nhưng mật độ dân số Tiền Giang ở mức cao, năm 2009 là 673 người/km2 tăng lên 703 người/km2 năm 2019; cao hơn so với cả nước (290 người/km2 năm 2019) và cao hơn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (423 người/km2 năm 2019). Tỉnh đã có điều chỉnh chính sách, thực hiện các hoạt động truyền thông theo hướng tăng mức sinh, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tăng mức sinh trở lại. Một trong những lý do là công tác truyền thông, giáo dục thực hiện chưa đồng đều giữa nhóm đối tượng; hiệu quả hoạt động truyền thông chưa cao ở một số nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng khó tiếp cận như công nhân các khu công nghiệp, đối tượng thường xuyên làm việc trên biển… Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, đã giải quyết những trường hợp mắc dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Tâm lý kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Giới tính khi sinh ở Tiền Giang trong giai đoạn 2016 - 2020 là 109 trẻ trai/100 trẻ gái. Một trong những nguyên nhân là tâm lý còn trọng nam ở một bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 249/2016 thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mục tiêu cụ thể là “Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở để đưa tỷ số này đạt dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, đạt 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025 và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103 - 107 bé trai/100 bé gái)”.

1.10.5. Đại biểu cho rằng, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố còn buông lỏng. Đề nghị ngành chức năng quan tâm vấn đề này để đảm bảo sức khỏe cho người dân. 

Giải trình:

Quản lý thức ăn đường phố là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Đến năm 2020, số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được quản lý trên địa bàn tỉnh là 2.626 cơ sở, thực hiện 43 mô hình điểm thức ăn đường phố, tỷ lệ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cập nhật về kiến thức an toàn thực phẩm đạt trên 80%. Triển khai tốt các biện pháp chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, thực hiện 4.344 mẫu giám sát mối nguy, có 4.238 mẫu đạt an toàn, tỷ lệ 97,56%.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng nâng cao năng lực giám sát, kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó có thức ăn đường phố; tỷ lệ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cập nhật về kiến thức an toàn thực phẩm đạt trên 85%.

1.10.6. Cử tri phường 2 và phường 10, TP. Mỹ Tho tiếp tục phản ánh về việc thiếu thuốc tiêm ngừa chó dại cắn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người dân phải ra cơ sở tư nhân tiêm ngừa nhưng giá rất cao. Đề nghị ngành Y tế có giải pháp khắc phục hoặc cần có chính sách trợ giá cho người dân.

Giải trình:

Vắc xin phòng bệnh dại do chó, mèo cắn là loại vắc xin nhập khẩu, phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất từ nước ngoài. Đây là loại vắc xin dịch vụ, không thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các cơ sở kinh doanh vắc xin này được nhập khẩu với số lượng cung không đủ cầu nên phần lớn các công ty tham gia dự thầu số lượng không đủ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trong năm 2020, do số lượng không đủ cung ứng cho thị trường các nước và Việt Nam nên các công ty phân phối không tham gia thầu, chỉ bán theo hình thức trực tiếp với số lượng ít. Mặt khác, do tình trạng vắc xin dại bị thiếu hụt ở các cơ sở y tế tiêm chủng công lập trong cả nước nên người dân ở các tỉnh lân cận Bến Tre, Vĩnh Long và Long An đến Tiền Giang để tiêm phòng bệnh dại rất nhiều, dẫn đến nguồn vắc xin không đủ cung cấp.

Một số loại vắc xin chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn GMP-WHO theo quy định của Thông tư 15/2019 của Bộ Y tế nên không thể tham gia thầu; vì thế vắc xin bị gián đoạn từ tháng 9 đến đầu tháng 11-2020. Vắc xin tiêm chủng gồm 2 phần: (1) Vắc xin tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của quốc gia: Được Nhà nước hỗ trợ 100%. (2) Vắc xin tiêm chủng dịch vụ là do cá nhân tự chi trả, chưa có chính sách thực hiện trợ giá. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng bảng giá vắc xin theo quy định và thống nhất ở tất cả cơ sở tiêm chủng công lập trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở tiêm ngừa dịch vụ tư nhân xây dựng bảng giá riêng (cơ sở kinh doanh theo quy định của Luật Giá) và thường cao hơn giá của cơ sở tiêm ngừa công lập. Hiện nay, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã công nhận một số cơ sở sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP-WHO theo quy định của Thông tư 15/2019 của Bộ Y tế nên đã có đủ vắc xin dại đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.

(Còn tiếp)

 

.
.
.