Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh
3. Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
- Đại biểu tán thành việc ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, qua đó tạo cơ sở pháp lý để làm tốt công tác quản lý và quy hoạch trong chăn nuôi, tránh gây ô nhiễm môi trường khu vực nội thành, thị.
- Có ý kiến đề nghị xem lại tên gọi của Nghị quyết; đề nghị UBND tỉnh làm rõ khái niệm “khu dân cư”, có giải trình về tiêu chí, cách xác định khu dân cư; ban hành danh mục cụ thể các khu dân cư được nuôi chim yến, khu vực không được phép chăn nuôi. Cũng có ý kiến đề nghị vẫn cho phát loa để dẫn dụ chim yến, nhưng với mức âm lượng theo mức quy định cho phép.
- Có ý kiến đề nghị để lại Nghị quyết để tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động và ban hành Nghị quyết ở kỳ họp sau.
Giải trình:
Đối với các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh nêu trên, UBND tỉnh đã có Văn bản 6015, ký ngày 9-12-2020 về việc giải trình một số nội dung về ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến trên địa bàn gửi cho đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 14. Nghị quyết này đã được đại biểu biểu quyết thông qua và HĐND tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết 30 vào ngày 19-12-2020.
4. Nghị quyết quy định mức trợ cấp ngày công lao động cho Dân quân và mức phụ cấp hằng tháng cho Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Đại biểu thống nhất với đề nghị của Ban Pháp chế, điều chỉnh mức phụ cấp cho Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng từ 800.000 đồng/người/tháng lên 1.000.000 đồng/người/tháng cho phù hợp tính chất công việc và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Giải trình:
UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ (DQTV) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở căn cứ Nghị định 72 ngày 3-6-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DQTV về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với DQTV “quy định mức phụ cấp hằng tháng đối với Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng không thấp hơn 745.000 đồng”. UBND tỉnh đề xuất mức phụ cấp hằng tháng đối với Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng là 800.000 đồng.
Ban Pháp chế tiến hành khảo sát 4 đơn vị xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đã trao đổi với lãnh đạo và đối tượng thụ hưởng về mức phụ cấp hằng tháng đối với Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng nhiều đơn vị đề nghị thực hiện mức phụ cấp hằng tháng đối với Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng với hệ số 0,8 và 1,0 so mức lương cơ sở. Mặt khác, qua tham khảo một số địa phương trong địa bàn Quân khu 9 cho thấy, mức phụ cấp cho Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng cao hơn mức UBND tỉnh đề xuất, như: Vĩnh Long hệ số 0,8, Đồng Tháp hệ số 1,0, Cà Mau hệ số 1,0, Bạc Liêu hệ số 1,0 so mức lương cơ sở. Vì vậy, Ban Pháp chế đề nghị đại biểu HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến điều chỉnh mức phụ cấp hằng tháng cho Ấp đội trưởng, Khu đội trưởng lên 1.000.000 đồng/người/tháng cho phù hợp tính chất công việc và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đề nghị của Ban Pháp chế và ý kiến thống nhất của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp thu và sẽ chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng hướng dẫn liên ngành để hướng dẫn cho các huyện, thành, thị tổ chức triển khai, thực hiện.
5. Nghị quyết Phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
“Đại biểu cho rằng, đề nghị của Ban Pháp chế về chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) cấp xã qua đào tạo đại học và 80% Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã qua đào tạo cao đẳng, đại học chuyên ngành Quân sự cơ sở là khó thực hiện”.
“Có ý kiến đề nghị, đối với các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển thì phấn đấu từ 80% Chỉ huy trưởng qua đào tạo đại học, các xã còn lại thì 100% Chỉ huy trưởng qua đào tạo đại học”.
Giải trình:
- Hiện nay toàn tỉnh Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã có trình độ đại học ngành Quân sự cơ sở: 5/172 đồng chí (đ/c), đạt 2,9% và cao đẳng: 20/172 đ/c, đạt 11,62%; Phó Chỉ huy trưởng có trình độ đại học: 13/313 đ/c, đạt 4,15% và cao đẳng: 51/313 đ/c, đạt 16,29%. Như vậy, toàn tỉnh Chỉ huy trưởng và Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng ngành Quân sự cơ sở là 89/485 đ/c, đạt 18,35%.
- Hiện đang đào tạo 86/399 đ/c (đại học 29 đ/c, cao đẳng 57 đ/c), đạt 21,55%. Phấn đấu trong 5 năm tới, nếu chỉ tiêu của trên giao đáp ứng được nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đưa đi đào tạo trình độ cao đẳng, đại học chính quy và liên thông các đ/c đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng lên đại học ngành Quân sự cơ sở thì có thể đạt được chỉ tiêu 100% cán bộ Chỉ huy trưởng qua đào tạo đại học ngành Quân sự cơ sở, 80% Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngành Quân sự cơ sở. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu với nhiều lý do như: Chỉ tiêu trên giao không đủ số lượng theo yêu cầu của tỉnh; thực hiện luân chuyển cán bộ, điều động Chỉ huy trưởng sang công tác khác; cán bộ lớn tuổi không đủ tiêu chuẩn liên thông; có cán bộ không tham gia đào tạo… Do đó khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu như Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất.
Theo ý kiến của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên chỉ tiêu như trong Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trình HĐND tỉnh thông qua là 80% cán bộ Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngành Quân sự cơ sở.
6. Nghị quyết phê duyệt tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các Hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021
Theo Tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết, UBND tỉnh đề xuất giao số người làm việc cho các Hội giảm dần từng năm theo nguyên tắc: Khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác thì không bổ sung mới. Đề nghị UBND tỉnh giải thích cơ sở pháp lý nào đề ra nguyên tắc này. Việc quy định như vậy có phù hợp với Hướng dẫn 30 ngày 13-4-2020 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Kết luận 58 ngày 12-9-2019 của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác Hội.
Giải trình:
- Tại điểm b, khoản 2, mục III, Nghị quyết 39 ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quy định: “Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”.
- Tại điểm 2.4, khoản 2, Mục III, Nghị quyết 18 ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả quy định: “Quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao”.
- Đề án 02 của Tỉnh ủy quy định: Các Hội thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, tuân thủ pháp luật”. Các Hội được thành lập theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao thì được sắp xếp tinh gọn hoạt động hiệu quả và được Nhà nước cấp kinh phí gắn với kết quả, hiệu quả hoạt động. Từ năm 2018 đến năm 2020 giảm 138 biên chế tại các Hội.
Từ các chủ trương trên, ngày 6-3-2019 UBND tỉnh ban hành Công văn 732 quy định: Không thực hiện việc tuyển dụng bổ sung người mới để thay thế người đã nghỉ hưu, thôi việc; đồng thời khi có người nghỉ hưu, thôi việc ngân sách sẽ cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động của Hội, mức hỗ trợ cố định và bằng hệ số 2.34 thay cho 1 biên chế.
(còn tiếp)