Huyện Tân Phú Đông đã giải quyết đúng chức năng, thẩm quyền
(ABO) Trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (gọi tắt là Dự án), 4 hộ dân đóng đáy gần khu vực triển khai Dự án có đơn yêu cầu bồi thường, hỗ trợ do công trình ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản.
Khu vực thi công Dự án. |
Sau khi nhận tiếp nhận đơn phản ánh, UBND huyện Tân Phú Đông đã giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 được UBND tỉnh Tiền Giang trao quyết định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 1-2021.
Dự án đã được tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Dự án được khởi công vào ngày 18-3-2022.
Dự án có công suất thiết kế 100MW, cung cấp khoảng 307 triệu kWh/năm; xây dựng các trụ tuabin gió tại khu vực ven biển thuộc xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang).
Tổng mức đầu tư dự của Dự án khoảng 4.464 tỷ đồng do Công ty cổ phần Điện gió Tiền Giang trực thuộc Công ty cổ phần điện Gia Lai làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng và quản lý nhà máy sử dụng năng lượng gió để phát điện, hòa với lưới điện quốc gia; cung cấp nguồn điện bổ sung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong quá trình chủ đầu tư triển khai Dự án, ngày 6-4-2022, ông Huỳnh Kim Dũng, ông Nguyễn Văn Tèo, ông Nguyễn Văn Hưng, ông Võ Văn Trí có đơn cầu cứu với nội dung đề nghị hỗ trợ, bồi thường.
Các hộ dân cho rằng, Dự án xây dựng trụ tuabin trên các miệng đáy và không được hướng dẫn, trao đổi, thỏa thuận đền bù.
Sau khi nhận được đơn của các hộ dân, ngày 19-4, UBND huyện Tân Phú Đông chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Phú Tân phối hợp Hải đội 2, Đồn Biên phòng Phú Tân cùng đại diện chủ đầu tư họp trao đổi một số nội dung liên quan.
Đồng thời, làm việc với các ông Huỳnh Kim Dũng, Nguyễn Văn Tèo, Nguyễn Văn Hưng, Võ Văn Trí. Qua làm việc, 4 trường hợp này yêu cầu chủ đầu tư Dự án bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 52,5 tỷ đồng.
Các hộ dân cho rằng, Dự án khi triển khai không có họp lấy ý kiến và ảnh hưởng đến các miệng đáy. Nghề đóng đáy này được người dân gắn bó từ lâu.
Theo UBND huyện Tân Phú Đông, qua làm việc, ông Huỳnh Kim Dũng cung cấp giấy phép đóng đáy của cha vợ do UBND huyện Gò Công Đông cấp ngày 21-1-2019 và giá trị sử dụng đến hết ngày 31-1-2020.
Ông Nguyễn Văn Hưng cung cấp giấy phép đóng đáy do UBND huyện Gò Công Đông cấp ngày 21-1-2019 và giá trị sử dụng đến hết ngày 31-1-2020 (mua lại của ông Nguyễn Văn Minh).
Ông Nguyễn Văn Tèo cung cấp giấy phép đóng đáy do UBND huyện Gò Công Đông cấp ngày 21-1-2019 và có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-1-2020. Ông Võ Văn Trí cung cấp giấy phép đóng đáy của cha ruột do UBND huyện Gò Công Đông cấp ngày 20-8-2016 và giá trị sử dụng đến hết ngày 31-8-2017.
Như vậy, đến thời điểm triển khai Dự án, giấy phép đóng đáy của 4 hộ dân không còn giá trị sử dụng và không cấp phép.
Theo UBND huyện Tân Phú Đông, theo biên bản xác định các điểm tọa độ giao khu vực biển đối với Dự án của Tổ công tác tỉnh Tiền Giang được lập ngày 28-4-2022, vị trí 5 hàng đáy so với trụ tuabin của Dự án là không nằm trong diện tích giao khu vực biển của công trình.
Vị trí hàng đáy cách tim của trụ tuabin gần nhất là khoảng 356 m, xa nhất là 1.297 m.
Trên cơ sở đó, ngày 20-5-2022, UBND huyện Tân Phú Đông chỉ đạo các ngành huyện phối hợp Hải đội 2, Đồn Biên phòng Phú Tân thông báo kết quả định vị tọa độ và phạm vi ảnh hưởng của các trụ tuabin đến cuộc sống mưu sinh của ngư dân làm nghề đáy.
Qua làm việc, 4 trường hợp trên xác nhận việc xây dựng các trụ tuabin không có chồng lấn lên 5 hàng đáy, nhưng làm cản đường nước gây ảnh hưởng đến hoạt động nghề đóng đáy.
Ngày 26-5-2022, UBND huyện Tân Phú Đông ban hành các công văn trả lời đến các ông Võ Văn Trí, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Văn Tèo, Huỳnh Kim Dũng.
UBND huyện khẳng định các trụ tuabin của Dự án là không có chồng lấn lên 5 hàng đáy. Do đó, việc phản ánh của các hộ dân trên theo đơn cầu cứu ngày 6-4-2022 là không có cơ sở để xem xét giải quyết.
Sau đó, vào ngày 7-6-2022, có 17 người dân (ngụ ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, trong đó có 4 hộ dân trên) đến khu vực thi công yêu cầu tạm ngừng thi công với lý do các trụ điện gió làm cản dòng nước, ảnh hưởng đến hướng di chuyển của hải sản, gây mất mùa đối với nghề đóng đáy.
Lực lượng Biên phòng và UBND xã Tân Thành vận động các hộ dân có hàng đáy vào bờ để đảm bảo trật tự.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, sau khi tiếp nhận đơn của các hộ dân, UBND huyện đã thực hiện đúng theo chức năng và thẩm quyền của địa phương và có trả lời cụ thể với người dân.
Trong văn bản báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang về hướng xử lý đơn yêu cầu của người dân, các ngành chức năng và địa phương thống nhất đề nghị Công ty cổ phần Điện gió Tiền Giang xác định lại mức độ ảnh hưởng của Dự án điện gió Tân Phú Đông 1 đối với các hàng đáy (đánh giá tác động môi trường bổ sung).
Vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp để đánh giá tác động môi trường bổ sung của các tuabin điện gió đối với các hàng đáy và đang chờ kết quả.
Ý PHƯƠNG