Làm thế nào để đào tạo theo địa chỉ hiệu quả?
(ABO) Chính sách đào tạo theo địa chỉ (cử tuyển) của Nhà nước nhằm mục đích giải quyết khó khăn cho những nơi khó tuyển dụng nhân sự phù hợp. Người được cử đi học, tốt nghiệp ra trường về lại nơi gửi đi để phục vụ. Ngoài chuyện thuận lợi về nơi ăn chốn ở, còn có tình cảm gắn bó với quê hương, giải quyết được bài toán thiếu cán bộ chuyên môn ở vùng khó khăn.
Gửi người đi đào tạo để có người làm việc nơi thiếu nhân lực là giải pháp xem ra rất hợp lý. Tuy nhiên, thực tế không như mong muốn, tình trạng người được đào tạo “nhảy việc”, “bẻ kèo” thường xuyên xảy ra. Vì sao?
Trước hết tại địa bàn xã, huyện thật sự cần có cán bộ chuyên môn lại không có người đạt tiêu chuẩn tham gia cử tuyển, hoặc không được tiếp cận thông tin về cử tuyển. Còn người được cử tuyển thường cư trú tại tỉnh lỵ hay tại trung tâm một số huyện có điều kiện sống, học tập, làm việc tương đối tốt, không muốn đến làm việc nơi có điều kiện sống khó khăn.
Hai là, người được cử tuyển vốn không mong muốn phục vụ theo phân công tại vùng sâu, vùng xa. Họ tham gia cử tuyển chỉ vì không thể trúng tuyển nếu thi cử theo đường thông thường. Nếu chấp hành theo phân công cũng chỉ do không có cách khác đành phải đợi hết hạn theo cam kết.
Ba là người đã được đào tạo, dù muốn làm việc theo phân công nhưng do làm xa nhà nên khó thể an tâm cống hiến, không phát huy được bản thân đành phải “nhảy việc” “bẻ kèo” khi có cơ hội tìm vị trí công tác khác.
Để chính sách cử tuyển thành công thiết nghĩ đầu tiên phải xác định có hiệu quả không nếu cử tuyển. Nếu không thì không nên chọn người đi học cho đạt chỉ tiêu giao. Chỉ nên cử người đi học khi chắc chắn sau này họ quay về và được tạo điều kiện làm việc tốt như chỗ làm gần quê hương (nơi có thể sáng làm chiều về nhà).
Người được tuyển dụng thông thường hay được cử tuyển đều mong muốn có đồng lương tốt, ít ra đáp ứng được yêu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh, chăm sóc gia đình, con cái… Vì vậy, cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức là vấn đề bức xúc hiện nay. Có nền tảng lương bổng hợp lý cộng thêm chế độ đãi ngộ tại những nơi khó khăn, từ đó áp dụng chính sách cử tuyển một cách liêm chính mới có thể giải quyết tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn nhiều nơi như hiện nay.
NGUYỄN HUỲNH ĐẠT