Hãy nuôi dưỡng những dòng sông
(ABO) Đừng vứt các loại chất thải xuống sông, kinh, rạch, chúng đang âm thầm nuôi dưỡng chúng ta.
Người Việt, trừ khi ở những bản làng vùng trung du, miền núi thì hầu hết sống bám theo những dòng sông và hệ thống kinh, rạch của nó. Những dòng sông, dòng kinh, rạch đó cũng hứng lấy các loại rác thải do người sống trên bờ vứt xuống. Không có vấn đề gì lớn lao khi dân cư còn thưa thớt và nhất là các thứ vứt xuống dòng nước lớn ròng đó là các loại chất thải nhanh chóng phân hủy khi chìm dần xuống đáy.
Bây giờ lại khác rồi, các loại bao bì không còn là giấy, là lá như xưa. Xôi gói bằng ni lông thay vì lá chuối. Thịt, cá, rau, dưa.. cũng để vào túi nhựa để mang đi. Tất tần tật nếu không dùng túi ni lông thì cũng là hộp xốp, hộp nhựa…, các loại bao bì khó phân hủy. Đi dọc theo bờ kè, khắp nơi chúng ta nhìn xuống nước đều thấy bao ni lông, thùng xốp… nổi lềnh bềnh khi chưa có cơ hội trôi ra biển.
Khổ nỗi, dân cư ngày càng đông đúc, rác thải càng nhiều làm cho dòng nước bị tắc nghẽn, bốc mùi hôi thối khi từ từ trở thành tù đọng. Giải cứu kinh, rạch khắp nơi đòi hỏi tiền bạc, công sức bỏ ra rất lớn. Ngay cả dòng kinh nổi tiếng là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải tạo rồi cũng phải có lực lượng chuyên nghiệp thu gom rác dưới kinh mỗi ngày.
Bạn tôi gần 30 năm mới có dịp về Việt Nam thăm quê. Tận dụng những ngày ở Việt Nam, bạn thăm các nơi. Những chuyến đi từ Bắc vào Nam làm bạn ấn tượng với sự thay đổi của Việt Nam mấy mươi năm qua. Nhưng có một điều bạn hay than phiền về an toàn vệ sinh khi ăn uống đó đây. Đặc biệt khi được đưa đi trải nghiệm bè cá trên sông, bạn cứ thắc mắc sao người ta có thể bắt cá lên từ sông, rửa đồ ăn bằng nước sông; rồi tắm giặt, bài tiết cũng ngay xuống sông.
Không thể để hệ thống sông ngòi chết tức tưởi nên có nhiều dự án giải tỏa, xây bờ kè và nạo vét sông ngòi, kinh, rạch được quan tâm thực hiện khắp nơi. Những dự án ấy đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc, công sức mới có thể hoàn thành. Nhưng có một điều mà ai cũng có thể làm được, làm ngay và luôn, đó là đừng vứt các loại chất thải xuống những dòng nước đang âm thầm nuôi dưỡng chúng ta.
NGUYỄN THU ĐĂNG