Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn 26 ngày 13-3-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung cụ thể như sau:
I. VỀ LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (NN&PTNT)
- Cử tri xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) phản ánh tình hình sạt lở dọc bờ sông Cái Cối rất nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đã lấn sâu vào đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của học sinh và những người dân sống dọc theo khu vực bờ sông. Nếu không được xử lý kịp thời thì tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục lấn sâu thêm, nước tràn vào bên trong, ảnh hưởng đến nhà cửa và vườn cây ăn trái của người dân. Đề nghị ngành chức năng xem xét, sớm có kế hoạch đầu tư, xây dựng kè xử lý sạt lở cấp bách sông Cái Cối.
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Ngày 10-7-2023, UBND huyện Cái Bè đã có Công văn 2294 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Sở Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt chủ trương cho UBND huyện Cái Bè xử lý khẩn cấp 20 điểm sạt lở (tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý 7 điểm; ngân sách huyện xử lý 13 điểm). Trong đó, địa bàn xã Mỹ Lương xảy ra điểm (điểm sạt lở sông Cái Cối tại hộ Lê Văn Tài, ấp Lương Tín và hộ ông Mai Quốc Thành, ấp Lương Lễ); hiện Sở Tài chính đang cân đối nguồn kinh phí để xử lý các điểm sạt lỡ nêu trên.
- Cử tri huyện Châu Thành phản ánh: Hiện nay tiến độ thi công cống đập ngăn mặn trên kinh Nguyễn Tấn Thành đạt trên 64%. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để thuận lợi cho ghe, tàu lưu thông vận chuyển hàng hóa.
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Công trình trên do Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư; trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, địa phương có liên quan phối hợp với chủ đầu tư giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Cống âu Nguyễn Tấn Thành thuộc dự án Công trình kiểm soát nguồn nước kinh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10: Hiện tại, các đơn vị thi công đang tập trung lực lượng để triển khai thi công công trình, dự kiến đến tháng 2-2024, công trình có thể tạm thời kiểm soát mặn; về việc lưu thông thủy qua khu vực, Ban quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thống nhất giải pháp điều tiết giao thông thủy qua khu vực dự án vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy vừa đảm bảo an toàn thi công công trình.
- Cử tri xã Phú An (huyện Cai Lậy) đề nghị xem xét hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy vì bệnh heo tai xanh, nhằm giúp hộ dân trả nợ vay ngân hàng cũng như tái sản xuất.
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không ghi nhận các trường hợp heo bị tiêu hủy do bệnh heo tai xanh. Các hộ có heo bệnh tai xanh bị tiêu huỷ vào các năm 2010 - 2014 đều đã nhận được hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước để khôi phục sản xuất.
- Cử tri xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây), xã Bình Ân (huyện Gò Công Đông) và xã Tân Trung (TX. Gò Công) đề nghị cơ quan chức năng quan tâm có phương án vớt lục bình, khơi thông dòng chảy các tuyến kinh do tỉnh quản lý để thuận tiện cho việc sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Đối với xã Tân Trung (TX. Gò Công), địa phương đã trục vớt hoàn thành đoạn kinh đi qua địa bàn xã nhưng đến nay chưa được ngành chức năng tỉnh nhận bàn giao, để lâu dài thì lục bình tiếp tục phát triển. Đề nghị ngành chức năng của tỉnh quan tâm, có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Đầu năm 2023, việc thực hiện duy trì thông thoáng lòng kinh, rạch trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Phương án 390 ngày 14-12-2022 của UBND tỉnh. Theo phương án nêu trên, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang sẽ tiếp nhận lại các tuyến kinh, rạch do cấp tỉnh quản lý trước đây giao cho địa phương thực hiện quản lý duy trì thông thoáng khi các địa phương thực hiện xong việc trục vớt, trục đẩy lục bình, dọn dẹp cỏ dại đảm bảo thông thoáng.
Tuy nhiên, các tuyến kinh, rạch mà cử tri phản ánh nêu trên thì UBND các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công chưa thực hiện thông thoáng nên Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang không thể tiếp nhận để thực hiện. Do vậy, trách nhiệm duy trì thông thoáng hiện nay vẫn thuộc về UBND các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX. Gò Công. Do đó, UBND tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện làm sạch thông thoáng các tuyến kinh nêu trên để bàn giao lại cho công ty thực hiện trong thời gian sớm nhất.
- Cử tri các xã Bình Phú, Đồng Sơn và Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) phản ánh: Năm 2022, ngành Thủy lợi vận hành tháo và lấy nước rất tốt, thuận lợi cho người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, đến những tháng đầu năm 2023 thì vận hành chưa được phù hợp (tháo cạn nước đến 12 ngày sau mới lấy nước vô, ngay thời điểm lịch gieo sạ) làm ảnh hưởng đến việc gieo trồng cây màu và lúa của người dân. Đề nghị các ngành có liên quan nghiên cứu việc vận hành phù hợp hơn trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, như thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động dự trữ nước...
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Năm 2023, tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn duy trì trong thời gian dài, mặn xâm nhập sâu và rút chậm, cống Xuân Hòa (dự án Ngọt hóa Gò Công) phải vận hành lấy gạn đến ngày 7-6-2023 (năm 2022 lấy gạn đến ngày 31-3) nên ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như kế hoạch xuống giống sản xuất vụ hè thu năm 2023 của vùng dự án Ngọt hóa Gò Công. Cụ thể, là theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT thì thời gian xuống giống vụ hè thu từ ngày 15 đến 25-5-2023, tuy nhiên do cống Xuân Hòa chưa lấy nước ổn định nên lịch thời vụ Sở NN&PTNT có thông báo kéo dài đến ngày 31-5.
Theo báo cáo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, ngày 27 đến 28-5-2023 xảy ra mưa lớn cục bộ trong vùng dự án Ngọt hóa Gò Công, cụ thể là một số xã ở huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công bị ngập úng một số khu vực vùng trũng nên UBND huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công có điện trực tiếp Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đề nghị xả nước để hạ thấp mực nước phục vụ xuống giống ở các khu vực vùng trũng. Nhưng đến ngày 2-6 mặn tăng cao đột biến phải đóng cống Xuân Hòa và đến ngày 7-6 mới lấy gạn lại được, do đó mực nước thấp gây khó khăn cho việc bơm tưới, làm thiếu nước cục bộ của một số vùng.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận hành công trình cống linh hoạt hơn trong điều kiện tình hình khí tượng thủy văn có diễn biến bất thường, cũng như phối hợp thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động dự trữ nước.
(còn tiếp)