Thứ Hai, 28/08/2023, 10:30 (GMT+7)
.

UBND tỉnh trả lời kiến nghị cử tri Tiền Giang về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn 26 ngày 13-3-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung cụ thể như sau:

- Cử tri phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) phản ánh việc chống khai thác cát trái phép trên sông Tiền, thời gian qua, dù được cơ quan chức năng xử lý nhưng chưa thật sự hiệu quả, nhất là công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở các địa bàn giáp ranh trong và ngoài tỉnh chưa chặt chẽ. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của ngành chức năng và địa phương trong thực hiện quản lý Nhà nước; giải pháp khắc phục như thế nào?

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Về công tác xử lý vi phạm

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý vi phạm: Từ năm 2016 đến nay UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang:

- Quyết định 264 ngày 29-1-20216 về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Kế hoạch 68 ngày 16-3-2017 thực hiện Chỉ thị 03 ngày 6-10-2016 của Tỉnh ủy Tiền Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Trách nhiệm phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong việc cung cấp, xử lý thông tin trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung và trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã được quy định cụ thể tại Quyết định 264 ngày 29-1-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, vận chuyển cát, sỏi lòng sông và Quyết định 3717 ngày 24-12-2015 của UBND tỉnh về ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Tiền Giang và các quy định có liên quan của pháp luật. Ngoài ra UBND tỉnh đã ký kết 2 quy chế phối hợp:

+ Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và các tỉnh lân cận với TP. Hồ Chí Minh, quy chế 37/QCPH-PTHCM-TG.

+  Quy chế phối hợp 3985/QCPH-TG-ĐT-VL-BT ngày 29-12-2017 của UBND tỉnh Tiền Giang - Đồng Tháp - Vĩnh Long - Bến Tre về công tác phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh địa giới hành giữa các tỉnh.

- Quyết định 3099 ngày 8-11-2022 về việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Công văn 1600 ngày 10-4-2023 của UBND tỉnh về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.

- Kế hoạch 123 ngày 11-4-2023 tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát sông và cửa biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Về công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép

Với mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước: Quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực khoáng sản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như sau:

- Các cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các hành vị khai thác cát trái phép, kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh cát và xử lý các phương tiện vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp. Kết quả kiểm tra, xử lý từ ngày 1-1-2022 đến nay, các ngành chức năng tỉnh huyện, xã đã tổ chức 612 cuộc kiểm tra phát hiện, xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, tổng số tiền phạt 17.996.737.640 đồng, tịch thu 12 phương tiện, tang vật vi phạm hành chính gồm 7.587,378 m3 cát san lấp và 3 máy hút. Trong đó khởi tố 4 vụ, đưa ra xét xử 2 vụ với 2 đối tượng.

Các nguyên nhân dẫn đến tình hình khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra trên sông Tiền:

+ Do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp để đối phó lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm. Trong khi nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn tỉnh rất lớn, mà nguồn cung khan hiếm, địa phương chưa cấp phép cho hoạt động khai thác cát dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép lén lút diễn ra.

+ Do công tác quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động khai thác cát trái phép còn yếu, chính quyền cấp cơ sở (cấp xã, huyện) chưa vào cuộc quyết liệt, đa số “khoán trắng” cho lực lượng cấp tỉnh.

+ Việc chứng minh thu lời bất chính từ 100 triệu hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình, gặp nhiều khó khăn do thực tế định giá một tàu hút đầy cát giá trị trên dưới 10 triệu đồng, Ngoài ra, các đối tượng, tổ chức khai thác cát trái phép thực hiện thủ đoạn ký hợp đồng cho thuê phương tiện qua các cá nhân trung gian, thuê thuyền viên, nếu bị phát hiện và bị xử phạt thì thay đổi vị trí làm việc trên tàu và chuyển sang hoạt động trên phương tiện khác để tránh bị xử phạt lần 2.

+ Lợi dụng sự bất cập của hệ thống pháp luật chưa đồng bộ theo quy định tại khoản 23, Điều 1 Nghị định 04 ngày 6-1-2022 của Chính phủ và khoản 1 điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: Lợi dụng quy định này, các chủ phương tiện thường làm hợp đồng cho thuê, mượn cho người vi phạm hành chính.

Từ đó, quá trình xử lý không tịch thu được phương tiện vi phạm, còn các đối tượng vi phạm thường không có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, do đó việc buộc người vi phạm phải nộp khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước là không thể thực hiện, dẫn đến việc cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính cũng gặp nhiều khó khăn.

+ Công tác phối hợp chưa chặt chẽ trong việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế…)

- Dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình đầu tư công trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp và các công trình, dự án, nhu cầu của nhân dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2030 với tổng khối lượng khoảng 27.049.667m3. Như vậy, dự kiến nhu cầu sử dụng cát san lấp trung bình mỗi năm trên toàn tỉnh Tiền Giang là: 3.381.208 m3/năm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra.

Trách nhiệm của ngành chức năng và địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước

Căn cứ Điều 31 Nghị định 23 ngày 24-2-2020 của Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trong đó, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh như sau:

+ Trách nhiệm UBND cấp tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát Môi trường thuộc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép; vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn. (Điểm đ, khoản 1, Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP).

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông thuộc thẩm quyền trên địa bàn. (Điểm e, khoản 1, Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP).

+ Trách nhiệm UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: (khoản 2, Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP).

- Triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính;

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác;

- Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được báo tin xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật;

- Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

+ Trách nhiệm của UBND cấp xã: (khoản 3, Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP).

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn, bản, xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép;

- Phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép; thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các xã thuộc các địa phương khác trong khu vực giáp ranh;

- Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật;

- Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3099 ngày 28-11-2022 về việc kiện toàn tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (do Công an tỉnh làm Tổ trưởng) nhằm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép; vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3717 ngày 24-12-2015 và Quyết định 264 ngày 29-1-2016, trong đó quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện: “Trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác cát sông trái phép tái diễn, kéo dài trên địa bàn mà không xử lý nghiêm thì UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh” và UBND cấp xã: “Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu UBND cấp xã để xảy ra các hoạt động khai thác cát sông trái phép trên địa bàn quản lý”.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản phân công, đôn đốc các sở ngành và các huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và vận chuyến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp thực hiện phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:

+ Để tăng cường công tác phòng, chống hoạt động khai thác cát trái phép đạt hiệu quả, lâu dài. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành xây dựng Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”, với các giải pháp cụ thể đó là:

(1) Giải pháp về cơ chế chính sách;

(2) Giải pháp đầu tư trang thiết bị;

(3) Các giải pháp kỹ thuật nghiệp vụ như: Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, xác minh nguồn gốc cát san lấp, cát xây dựng của các dự án trên địa bàn tỉnh; tổ chức lực lượng có chức năng, nghiệp vụ phù hợp tăng cường kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác cát trái phép; hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẽ thông tin giữa các địa phương giữa các lực lượng chức năng; tăng cường tổ chức phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép; giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” phức tạp về hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, không để nhân dân bức xúc, gửi đơn thư phản ánh nhiều nơi, báo chí phản ánh gây bức xúc trong dư luận.

Một số giải pháp cụ thể:

* Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản

- Xây dựng đề cương tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản; các chế tài trong hoạt động khai thác khoáng sản, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý theo quy định.

- Rà soát, thống kê các phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh, xác định và lập danh sách quản lý chủ sở hữu đối với từng phương tiện.

- Định kỳ (hằng quý hoặc 6 tháng) tổ chức tối thiểu một cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản theo nội dung đề cương soạn thảo đến các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố và nhân dân, đặc biệt là các chủ phương tiện có hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản. Buộc các chủ phương tiện có gắn thiết bị bơm hút khoáng sản (cát, sỏi...) và các phương tiện vận chuyển khoáng sản thực hiện cam kết không để phương tiện cho người làm công, làm thuê sử dụng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.  

- Hình thức tuyên truyền: Tùy tình hình và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, việc tổ chức tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua báo, đài, phát thanh, truyền hình hoặc tổ chức hội nghị tuyên truyền, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có văn bản (tài liệu) chứng minh các chủ phương tiện có hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đã nghe hoặc tham gia vào các cuộc tuyên truyền do cơ quan, đơn vị tổ chức.

- Công khai đường dây nóng của đơn vị có chức năng tiếp nhận, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên website của của tỉnh, huyện cho người dân biết, để cung cấp thông tin khi phát hiện vi phạm.

* Xử lý tình huống khi phát hiện vi phạm

- Trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan có thẩm quyền, khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản hoặc lĩnh vực khác (giao thông, quản lý thuế...). Từng cơ quan, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao phải kịp thời kiểm tra, xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Ngoài hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, cần xem xét, xử lý các hành vi khác đảm bảo nguyên tắc xử  phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Thành lập các tổ liên ngành đối với từng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; các tổ chức tự quản trong phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép tại các địa bàn tiếp giáp khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tổ chức thành lập Tổ kiểm tra liên ngành về xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát biển do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng làm Tổ trưởng, Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ phó.

- Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm được thực hiện theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để chứng minh hành vi vi phạm phải đúng quy định pháp luật.

- Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, kịp thời củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định pháp luật hình sự.

Xử lý vi phạm được phát hiện tại khu vực vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh:

Khi phát hiện vi phạm tại khu vực vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh, Tổ/Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra các nội dung theo quy định và xử lý đúng quy định pháp luật. Nếu xác định vị trí vi phạm thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang thì lập thủ tục xử lý theo quy định. Trường hợp xác định vị trí vi phạm không thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang thì lập biên bản vụ việc, xác định hành vi vi phạm; đồng thời liên hệ đường dây nóng của tỉnh hoặc UBND huyện/xã nơi xảy ra vi phạm; lập biên bản bàn giao việc vi phạm để xử lý theo quy định.


(Còn tiếp)

 

.
.
.