.

UBND tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri về các lĩnh vực: Lao động, dạy nghề, chế độ, chính sách và các vấn đề khác

Cập nhật: 13:22, 29/09/2023 (GMT+7)

(ABO) Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang tại Công văn 26 ngày 13-3-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung cụ thể như sau:

* VỀ LĨNH LỰC LAO ĐỘNG - DẠY NGHỀ

- Cử tri huyện Gò Công Đông phản ánh theo Công văn 315 ngày 15-2-2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện hỗ trợ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, trong đó đối tượng được hỗ trợ đào tạo là “người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thường trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa có việc làm, thiếu việc làm có nhu cầu học nghề”. Đề nghị ngành chức năng tỉnh xem xét mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nông thôn để đảm bảo tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao hằng năm. Đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia học nghề, nhất là người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo nhằm khuyến khích đối tượng này tham gia học nghề.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

* Về việc mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ đào tạo:

Đối tượng được hỗ trợ đào tạo của Tiểu dự án 1 trong Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” là “người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp”, tuy nhiên tại nội dung (3) điểm b khoản 1 Điều 8 Quyết định 02 ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, không đề cập đến “người lao động có thu nhập thấp”, do vậy điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 17 ngày 5-10-2022 của HĐND tỉnh chỉ phân bổ vốn hỗ trợ đào tạo cho người lao động thuộc 3 đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn 315 ngày 15-2-2023 về việc thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, trong đó đối tượng hỗ trợ chỉ có 3 đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn 575 ngày 21-3-2023 về việc kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề nghị  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định đối tượng “lao động có thu nhập thấp”.

Ngày 5-4-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn 1197 trả lời các vướng mắc của các tỉnh trong thực hiện nội dung giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, theo đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trong khi chưa có quy định xác định được đối tượng “lao động có thu nhập thấp” thì tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng khác của Chương trình (gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo). 

Từ các căn cứ pháp lý trên, UBND tỉnh không thể mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ đào tạo khác từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh sẽ xem xét sử dụng nguồn kinh phí địa phương năm 2023 hoặc ứng vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 (vốn sự nghiệp) để thực hiện hỗ trợ đào tạo theo Quyết định 46 ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; từ năm 2024 trở đi, sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ đào tạo cho tất cả các đối tượng lao động nông thôn theo Quyết định 46.

* Về việc nâng mức hỗ trợ đào tạo

Hiện nay, các mức hỗ trợ đào tạo nghề được quy định tại Quyết định 46 ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Do đó, UBND tỉnh không thể nâng mức hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng tham gia học nghề mà cử tri đề nghị. Tuy nhiên, UBND tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri và đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 46 ngày 28-9-2015 để nâng mức hỗ trợ đào tạo.

* VỀ LĨNH VỰC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

- Cử tri xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), phường 1 (TX. Cai Lậy), xã Vĩnh Kim, Long An (huyện Châu Thành), xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), xã Tân Trung, Bình Xuân, Bình Đông (TX. Gò Công) và huyện Tân Phú Đông tiếp tục phản ánh Nghị quyết 21 ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh quy định mức bồi dưỡng cho Hội, đoàn thể, Chi hội trưởng ở ấp, khu phố là 500.000 đồng /người/tháng, ngoài ra không có phụ cấp nào khác. Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở tăng nhưng mức bồi dưỡng đối với các đối tượng này chưa tăng. Đề  nghị UBND tỉnh nghiên cứu, sớm trình HĐND tỉnh xem xét tăng mức bồi dưỡng hoặc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho các chi hội ấp.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri. Thực hiện Nghị định 33 ngày 10-6-2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2023). UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp, tham mưu, trình HĐND tỉnh Nghị quyết thay thế Nghị quyết 21, trong đó có việc xem xét tăng mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố theo khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

* VẤN ĐỀ KHÁC

- Cử tri xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) đề nghị ngành chức năng xem xét giảm mức tiền xét nghiệm nước của các tổ hợp tác nước hằng tháng, góp phần giúp người dân sống ở khu vực nông thôn giảm bớt khó khăn. Vì hiện nay tiền xét nghiệm nước của các tổ hợp tác nước còn cao.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Căn cứ Điều 5 của QCVN 01-1:2018/BYT quy định tại Thông tư 41:2018/TT-BYT ngày 14-12-2018 của Bộ Y tế, cơ sở cấp nước thực hiện định kỳ các thông số nước sạch nhóm A: Không ít hơn 1 lần/tháng. Các thông số nước sạch nhóm B: Không ít hơn 1 lần/6 tháng. Đối với các thông số nhóm B, cơ sở cấp nước thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tỉnh Tiền Giang chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, áp dụng nội kiểm các thông số nhóm B theo QCVN01-1:2018/BYT.

Căn cứ Điều 6 của QCVN 01-1:2018/BYT quy định tại Thông tư 41:2018/TT-BYT ngày 14-12-2018 của Bộ Y tế, số lượng mẫu thử nghiệm đối với đơn vị cấp nước dưới 100.000 dân: Ít nhất 3 mẫu nước sạch.

Căn cứ Thông tư 240 ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính về Quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Căn cứ Thông tư 51 ngày 30-12-2016 của Bộ Y tế về Quy định giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm định y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Từ các cơ sở trên, hiện nay ngành Y tế tỉnh Tiền Giang (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) thực hiện mức thu về giá dịch vụ xét nghiệm nước được quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư 51 ngày 30-12-2016 của Bộ Y tế “Giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập áp dụng theo mức giá thuộc danh mục dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng quy định tại phụ lục Giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng ban hành kèm theo Thông tư 240 ngày 11 -11-2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập”. Do đó, đơn vị không có chức năng và cơ sở pháp lý để giảm mức thu tiền xét nghiệm nước.

Cử tri huyện Tân Phú Đông đề nghị ngành chức năng tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương trang bị phương tiện, xe chuyên dụng phòng cháy, chữa cháy cho huyện theo tinh thần Nghị quyết 09 ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đội dân phòng; mức hỗ trợ hằng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh điều chỉnh đối tượng là: Hỗ trợ hằng tháng đối với đội trưởng, đội phó đội dân phòng và trang bị công cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thô sơ theo danh mục; không trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dùng như: Xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, máy bơm chữa cháy...

UBND tỉnh thông tin đến cử tri huyện Tân Phú Đông biết.

- Cử tri xã Long Định (huyện Châu Thành) phản ánh việc thu phí các bến đò ngang trên kinh Nguyễn Tấn Thành đúng theo văn bản của UBND tỉnh là 4.000 đồng/lượt (trong văn bản quy định tuyến kinh dưới 200 m là thu 4.000 đồng/lượt, nhưng tuyến kinh Nguyễn Tấn Thành chỉ có 60 m mà vẫn thu 4.000 đồng/lượt là quá cao). Căn cứ theo mặt bằng chung của tỉnh để thu thì những gia đình đưa rước học sinh và đi làm thuê qua lại ngày nhiều lần gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, kinh tế của người dân. Đề nghị UBND tỉnh quy định rõ mức thu phí của từng tuyến kinh, giảm bớt chi phí qua lại đò cho người dân.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh giao UBND huyện Châu Thành khẩn trương rà soát, kiểm tra thực tế hiện trường cùng hợp đồng khai thác… đối với các bến đò qua kinh Xáng Long Định (kinh Nguyễn Tấn Thành) theo nội dung phản ánh của cử tri để có biện pháp điều chỉnh, thay đổi (nếu có). Đồng thời, có báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Sở Giao thông Vận tải biết, theo dõi, chỉ đạo. 

Trên đây là nội dung trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa X. UBND tỉnh gửi Thường trực HĐND tỉnh.  

 


 

 

.
.
.