.

UBND tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Cập nhật: 20:42, 28/12/2023 (GMT+7)

(ABO) Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang tại Công văn 220/HĐND-TTDN ngày 1-12-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trả lời các nội dung sau:

- Cử tri huyện Tân Phước phản ánh việc mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được tỉnh tiếp tục quy hoạch. Tuy nhiên, dự án này đã được quy hoạch rất lâu nhưng chưa triển khai thực hiện, người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu vực này bị hạn chế các quyền theo quy định pháp luật (chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản để vay vốn,...).

Đề nghị ngành chức năng sớm triển khai để những người dân trong khu vực có đất bị ảnh hưởng an tâm sản xuất và có chế độ bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng khi thu hồi đất nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

- Trước hết, UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và chia sẻ với những khó khăn trong thời gian qua của bà con trong khu vực có đất quy hoạch vùng đệm Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Ngày 28-8-2020, UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu vùng đệm Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười tại Quyết định 2571/QĐ-UBND.

Tổng diện tích 350,8 ha, bao gồm Khu bảo tồn hiện hữu (106,8 ha), mở rộng về phía Bắc (66 ha), mở rộng về phía Nam (54 ha) và mở rộng về phía Đông (124 ha); đã phê duyệt đơn giá bồi thường đất tại Quyết định 3167/QĐ-UBND ngày 9-10-2019 và phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tại Công văn 4669/UBND-KTTC ngày 6-11-2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh không thể bố trí kinh phí để thực hiện thu hồi đất như quyết định đã phê duyệt.

- Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thống nhất giữ lại Khu bảo tồn với diện tích đã được phê duyệt theo Quyết định 2571/QĐ-UBND (gồm 106,8 ha vùng lõi và mở rộng vùng đệm 244 ha). Trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ thực hiện thu hồi 60 ha (phía Bắc Khu bảo tồn 30 ha, phía Nam Khu bảo tồn 30 ha) để trồng rừng mở rộng Khu bảo tồn hiện hữu. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện các bước để điều chỉnh đồ án quy hoạch. Lộ trình thực hiện cụ thể như sau:

+ Giai đoạn I: (1) Năm 2024: Chuẩn bị đầu tư, gồm các bước thực hiện: Điều chỉnh Đồ án Mở rộng Khu bảo tồn; Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và lập dự án mở rộng Khu bảo tồn. (2) Năm 2025: Triển khai thực hiện dự án mở rộng.

+ Giai đoạn II (2026 - 2030): Lộ trình, quy mô cụ thể sẽ được xác định phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Cử tri xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) phản ảnh hiện nay phát sinh trường hợp người dân nuôi hàu trên mặt nước biển thuộc địa bàn xã Tân Điền rất nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Kiến nghị ngành chức năng có hướng dẫn để thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước và góp phần phát triển ngành nuôi hàu tại địa phương (UBND huyện đã có Công văn 2685/UBND-NN&PTNT ngày 5-10-2023 gửi xin chủ trương UBND tỉnh nhưng chưa có văn bản phúc đáp).

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

- UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương khảo sát các trường hợp người dân tự phát nuôi hàu trên biển thuộc các xã Tân Điền, Tân Thành và Kiểng Phước của huyện Gò Công Đông. Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản gửi huyện Gò Công Đông về việc nuôi hàu trên vùng biển của huyện và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển vi phạm quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Gò Công Đông xây dựng Kế hoạch Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định.

- Cử tri xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) phản ánh đoạn bờ Tây cầu Phụng Thớt (từ cầu đến Trường Mầm non Hậu Mỹ Bắc B) bị sạt lở khoảng 50% đoạn đường, cần kinh phí khắc phục lớn. Đề nghị ngành chức năng xem xét bố trí nguồn vốn khắc phục đoạn bị sạt lở trên.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Ngày 29-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 352/UBND-TC về hướng dẫn quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, theo đó tất cả các điểm sạt lở xảy ra trên địa bàn của huyện nào thì Chủ tịch của UBND huyện đó chủ động xử lý, tùy theo mức độ sạt lở mà phân cấp, giao cho UBND xã xử lý.

Tỉnh chỉ hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai sau khi các địa phương đã sử dụng hết Quỹ Phòng, chống thiên tai được để lại theo quy định, các nguồn huy động hợp pháp khác và 80% Quỹ dự phòng ngân sách cấp mình.

Do đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Cái Bè căn cứ theo nội dung quy định tại công văn nói trên để chủ động triển khai thực hiện.

Trường hợp nguồn kinh phí không đảm bảo nội dung công văn nêu trên, đề nghị UBND huyện Cái Bè có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo đúng quy trình.

- Cử tri phường 2 (TX. Cai Lậy) kiến nghị ngành sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng bờ kè kết hợp công viên tuyến Tây sông Ba Rài đoạn từ cầu Cai Lậy đến giáp xã Thanh Hòa, vì hiện nay khu vực này bị sạt lở rất nhiều.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị trên và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp UBND TX. Cai Lậy khảo sát thực tế, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

- Cử tri xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) kiến nghị ngành có văn bản kiến nghị đến các cơ quan báo, đài về việc đưa tin, đăng bài về giá sầu riêng tăng cao với tính chất phù hợp và thực tế hơn. Vì, vừa qua có nhiều tin, bài với nội dung “giá sầu riêng tăng vọt”, “nông dân thu tiền tỷ”,... sẽ tạo cho tâm lý người dân chuyển đổi ồ ạt trồng sầu riêng (ngoài quy hoạch) dẫn đến cung vượt cầu làm mất giá trị của cây sầu riêng, đồng thời kéo theo giá vật tư nông nghiệp tăng theo gây khó khăn cho người nông dân.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri xã Hiệp Đức; UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành có liên quan định kỳ thông tin đến các cơ quan báo, đài để đảm bảo việc đưa tin, đăng bài với tính chất phù hợp và thực tế hơn.

- Cử tri xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) đề nghị ngành chức năng xem xét có chủ trương hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả và hướng dẫn người dân đăng ký mã vùng trồng để thuận lợi hơn trong sản xuất và mua bán nông sản.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

- Về hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả: UBND tỉnh đã ban hành “Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” để định hướng chuyển đổi phù hợp, bền vững và mang lại hiệu quả cao.

Trong đó, có thực hiện phân vùng thích nghi phát triển cây trồng khu vực chuyển đổi; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho cây trồng chuyển đổi; giới thiệu doanh nghiệp đầu tư giống mới, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây trồng chuyển đổi... Trên cơ sở đó, đề nghị địa phương hướng dẫn người dân căn cứ vào đề án để thực hiện.

- Về việc hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng: Ngành nông nghiệp đã tổ chức 4 lớp TOT cho hơn 200 cán bộ kỹ thuật cấp huyện, xã; 31 cuộc tập huấn với 1.550 nông dân nhằm triển khai các nội dung liên quan đến công tác quản lý, cấp mã số vùng trồng và các yêu cầu, quy định cụ thể của các nước nhập khẩu; tổ chức nhiều hội nghị triển khai, hướng dẫn địa phương thiết lập mã số vùng trồng; ban hành nhiều công văn hướng dẫn cụ thể và phổ biến Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng,...

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hướng dẫn, phân cấp cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành để hướng dẫn tổ chức, cá nhân thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số; tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng; thực hiện công tác kiểm tra thực tế, giải quyết các hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân đại diện vùng trồng, trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Khi có nhu cầu thiết lập vùng trồng, tổ chức/cá nhân có thể liên hệ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cụ thể.

- Cử tri xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước) ủng hộ chủ trương về quy hoạch khu chăn nuôi tại ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa. Tuy nhiên, việc quy hoạch này triển khai đã lâu nhưng chỉ mới ở quy hoạch chi tiết 1-2000, cử tri kiến nghị tỉnh sớm triển khai thực hiện để góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Ngày 17-5-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại Quyết định 1299/QĐ-UBND. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư đến để tìm hiểu về Khu chăn nuôi nói trên.

Tuy nhiên, do quy hoạch chỉ có lĩnh vực nuôi mà không có các lĩnh vực khác đi kèm (sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, …); đồng thời, hạ tầng giao thông khu vực này còn hạn chế nên chưa có nhà đầu tư nào đăng ký thực hiện.

Do đó, UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin điều chỉnh quy hoạch khu này thành “Khu chăn nuôi và các dịch vụ hậu cần chăn nuôi” để tạo điều kiện thuận lợi nhằm mời gọi đầu tư, đồng thời đa dạng hóa lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện, Đồ án chuẩn bị thông qua Hội đồng thẩm định của tỉnh, sau khi Đồ án được phê duyệt UBND tỉnh sẽ tiến hành mời gọi đầu tư cho khu này theo quy định.

- Cử tri xã Long An (huyện Châu Thành) phản ánh rạch Bến Chùa đoạn qua ấp Long Tường, Long Thới và Long Hưng, xã Phước Thạnh có nhiều đoạn sạt lở, có điểm sạt lở sâu đến đường giao thông nông thôn. Đề nghị ngành chức năng có biện pháp khắc phục.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành, đến nay huyện đã tổ chức đoàn khảo sát và thống nhất đưa các đoạn sạt lở cặp rạch Bến Chùa vào danh mục xử lý sạt lở trong năm 2024 bằng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện theo Kế hoạch 01/KH-PCTT ngày 16-11-2023 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành.

- Cử tri xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho) phản ánh, trong quá trình thi công chuyển các cống thực hiện đường thoát nước Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã gây sạt lở đường tại tổ 11, ấp Long Hưng và cầu Ven Sông. Đề nghị ngành chức năng làm việc với đơn vị thi công khắc phục sạt lở vị trí nêu trên.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo báo cáo của UBND TP. Mỹ Tho, do ảnh hưởng của dòng chảy rạch Bến Chùa gây sạt lở bờ đất bảo vệ cầu Ven Sông, khu vực sạt lở chiều dài 22,5 m. Hiện, UBND TP. Mỹ Tho đã giao Phòng Kinh tế tham mưu, đề xuất xử lý.

-Cử tri phường 10 (TP. Mỹ Tho) tiếp tục phản ánh việc đóng cống Bảo Định làm ngập nhà dân khu vực này vẫn còn. Đề nghị ngành chức năng có giải pháp vận hành cống phù hợp hơn tránh gây ngập nhà và vườn cây ăn trái của người dân trong khu vực.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, cống Gò Cát và Bảo Định là 2 công trình đầu mối của dự án Bảo Định có nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh cho khoảng 29.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Theo quy trình vận hành trong giai đoạn triều cường, khi đỉnh triều từ +1,40m trở lên thì cống Gò Cát thực hiện đóng ngăn triều; cống Bảo Định vận hành lấy vào 1 cửa, xả ra 3 cửa. Trong trường hợp có xảy ra mưa trên diện rộng, tổng lượng mưa lớn hơn 30 mm cống sẽ thực hiện xả nước 1 chiều (mở nước ròng). Lịch vận hành trên được Công ty chủ động thay đổi khi tình hình khí tượng thủy văn thay đổi để vận hành cho phù hợp với yêu cầu sản xuất và dân sinh trong khu vực của dự án.

UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tiếp tục nghiên cứu giải pháp vận hành cống Bảo Định trong thời gian tới nhằm đảm bảo quy trình được hoàn thiện, hợp lý, khoa học.

(còn tiếp)

.
.
.