UBND tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri về lĩnh vực giáo dục và đào tạo
(ABO) Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang tại Công văn 220/HĐND-TTDN ngày 1-12-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trả lời các nội dung sau:
- Cử tri huyện Tân Phước kiến nghị sớm hỗ trợ trang thiết bị dạy học theo chương trình thay sách giáo khoa mới trước thời gian khai giảng năm học 2023 - 2024, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc giảng dạy của các giáo viên khi áp dụng bộ sách giáo khoa mới cho các em học sinh khối lớp 3, 4, 7, 8 của các trường trên địa bàn huyện Tân Phước.
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức mua sắm trang thiết bị dạy học các khối lớp để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hiện tại, 100% các trường tiểu học, THCS đã được cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu dành cho lớp 1, 2, 6 với tổng kinh phí 253 tỷ đồng.
Trong năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT tiếp tục tiến hành mua sắm trang thiết bị dạy học cho các khối lớp 3, 7, 10 với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Khối lớp 4, 8, 11 sẽ thực hiện trang bị theo lộ trình vào năm 2025.
Sở GD&ĐT đã tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu phục vụ đổi mới Chương trình GDPT và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học, đã trang bị sách, thiết bị dạy học từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và kinh phí sự nghiệp của ngành; mua sắm bổ sung trang bị thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi các trường mầm non, tiểu học vùng nông thôn năm 2020 với kinh phí 16,1 tỷ đồng.
- Cử tri xã Trung An (TP. Mỹ Tho) phản ánh hiện nay các trường THCS có bộ môn Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sách chính thức, phụ huynh phải mua tài liệu photo với chất lượng không đảm bảo ảnh hưởng đến việc học của các em. Đề nghị ngành Giáo dục có thông tin cụ thể và giải pháp về vấn đề này.
UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình GDPT năm 2018, thì Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc trong chương trình với số tiết là 35 tiết/lớp/năm học.
Theo Công văn 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20-3-2019 của Bộ GD&ĐT về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT năm 2018, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành:
- Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 16-3-2020 về việc tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT năm 2018.
- Quyết định 2974/QĐ-UBND ngày 5-10-2020 về việc ban hành Chương trình khung nội dung giáo dục địa phương tỉnh Tiền Giang trong Chương trình GDPT năm 2018.
Trên cơ sở Chương trình khung đã được phê duyệt, Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Tiền Giang lớp 6, 7, 8, lớp 10, 11 đã được UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT phê duyệt trước khi đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo Công văn 6220/BGDĐT-KHTC ngày 25-11-2022 của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức biên soạn, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương, yêu cầu các địa phương tổ chức in, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xuất bản, Luật Giá và các quy định pháp luật có liên quan. Do có nhiều vướng mắc, liên quan đến các Luật nên hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước đều chưa thể in ấn, phát hành được Tài liệu giáo dục địa phương sau khi đã được phê duyệt.
* Giải pháp: Trước tình hình trên, để kịp thời tổ chức giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT năm 2018, Sở GD&ĐT đã gửi bản mềm (file pdf) Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6, 7 và 10 cho các cơ sở giáo dục làm tư liệu điện tử hoặc photocopy để tổ chức giảng dạy cho học sinh.
* Đề xuất: Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT trình Quốc hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù về vấn đề bản quyền, in ấn, giá… theo Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản và Luật Giá để giúp các địa phương tháo gỡ trong khâu in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương.
(còn tiếp)