Thứ Ba, 14/05/2024, 15:46 (GMT+7)
.

Trả lời kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(ABO) Bộ Y tế nhận được Công văn 48/BDN ngày 24-1-2024 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị:

“Kiến nghị nghiên cứu, có giải pháp đảm bảo việc cung cấp đủ thuốc diện bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế để phục vụ người dân, tránh tình trạng thiếu một số thuốc, người dân phải mua ở các cửa hàng thuốc bên ngoài. Đề nghị có quy định, nếu không cung cấp đủ thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế cho bệnh nhân buộc phải mua bên ngoài thì phải hoàn tiền lại cho bệnh nhân theo giá thuốc trong Danh mục đã quy định".

Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại.

Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.

- Về Danh mục thuốc tân dược: Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31-12-2022 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa được, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm: 1037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

- Về Danh mục thuốc y học cổ truyền: Thông tư 05/2015/TT-BYT ngày 17-3-2015 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, bao gồm: 220 thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu chia thành 11 nhóm tác dụng và 349 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo vật lý y học cổ truyền.

Như vậy, danh mục thuốc thuộc phạm vì chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa cả trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền, đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục, đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng đến nhóm trẻ em, người cao tuổi và người nghèo được chăm sóc tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo cân đối phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

2. Trong năm 2023, Bộ Y tế đã trình hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân: Nghị quyết 80/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024, Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Thông tư 06/2023/TT-BY T ngày 12-3-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT- BYT ngày 11-7-2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư 08/2023/TT-BYT ngày 14-4-2023 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (trong đó có Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập); Thông tư 14/2023/TT-BYT ngày 30-6-2023 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập.

Các văn bản được ban hành đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do bất cập của một số quy định như không được mua, bán thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua, bán; giá gói thầu được xác định từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu...

Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quộc hội và các cơ quan liên quan xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi), được Quốc hội thông qua tại Kỳ hợp thứ V, Quốc hội khóa XV; trong đó có một chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn như: Đấu thầu tập trung, đàm phán giá vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; hóa chất, vật tư xét nghiệm dùng cho thiết bị y tế (máy đặt, máy mượn); mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua sắm của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Kết quả đạt được, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại địch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin...); bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm... ).

Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn...) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng. Để đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật như:

(1) Hoàn thiện Thông tư hướng dẫn chỉ tiết thi hành Luật Đâu thầu đối với mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế thuộc nhiệm vụ được Chính phủ giao, bên cạnh các hướng dẫn đã được Chính phủ ban hành trước đó tại Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đầu thầu về lựa chọn, nhà thầu;

(2) Chủ trì, đầu mối báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính;

(3) Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thiết bị y tế

(4) Xây dựng cơ chế, phương án thực hiện đảm bảo nguồn cung các loại thuốc hiếm

(5) Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở y tế, địa phương trong việc chủ động xác định nhu cầu, dự trù, xây dựng kế hoạch, đấu thầu mua sắm, đặt hàng và các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung ứng.

Khó khăn trong lĩnh vực y tế nói chung còn nhiều, trong đó việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh mới được khắc phục bước đầu, còn nhiều việc cần tiếp tục chỉ đạo và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở y tế.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên.

3. Đối với kiến nghị có quy định, nếu không cung cấp đủ thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế cho bệnh nhân buộc phải mua bên ngoài thì phải hoàn tiền lại cho bệnh nhân theo giá thuốc trong Danh mục đã quy định

Để giải quyết khó khăn trong trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không cung ứng đủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Y tế để xin ý kiến rộng rãi các đơn vị, tổ chức và cá nhân.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục các hoạt động để xây dựng và hoàn thiện Thông tư để sớm ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

P.V





 

.
.
.