Chủ Nhật, 12/05/2024, 15:06 (GMT+7)
.

Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến

(ABO) Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn 48/BDN ngày 24-1-2024.

I. Nội dung kiến nghị 1: Đề nghị xem xét bổ sung môn học Ngoại ngữ là môn học bắt buộc vào Chương trình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) hiện nay (cùng với 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán). Vì hiện nay việc thông thạo ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Tiền Giang. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một nội dung quan trọng của ngành Giáo dục, được xã hội quan tâm. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT nhằm giảm áp lực cho xã hội, hiệu quả, thiết thực (Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung trọng ngày 4-11-2013, Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội, Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10-9-2023 của Chính phủ).

Theo đó, để bảo đảm Phương án thi được xây đựng đáp ứng các yêu cầu đề ra, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định 4370/QĐ-BGDĐT ngày 19-12-2022 vê việc thành lập Ban Xây dựng Phương án thi gồm các thành phần: Nhà quản lý giáo dục cấp Bộ và cấp địa phương; chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, hiệu trưởng trường THPT và các thành phần khác.

Trong quá trình xây dựng Phương án thi, Bộ GDĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá tác động tại 63 tỉnh/thành phố cũng như xin ý kiến của Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Trên cơ sở nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, chuyên gia và của các bộ, ban, ngành liên quan, ngày 28-11-2023, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định 4068/QĐ-BGDDPT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THTP từ năm 2025”. Phương án này bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, các thí sinh có đủ kết quả đại diện cho các khối ngành Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ; đồng thời, bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với môn Ngoại ngữ, Bộ GDĐT luôn xác định Ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Tương tự, ở bậc học cao đẳng, đại học, Ngoại ngữ tiếp tục là môn học bắt buộc với yêu cầu đạt bậc 2 ở trình độ cao đẳng, bậc 3 ở trình độ đại học (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam).

Tuy nhiên, mỗi ngoại ngữ bất kỳ đều có 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, trong khi đó, đặc điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là làm bài thi trên giấy. Vì vậy, nếu môn Ngoại ngữ đưa vào kỳ thi chung là chưa đảm bảo đánh giá năng lực học sinh ở đầy đủ các kỹ năng theo chuẩn đặc thù môn học này.

Mặt khác, tại Việt Nam, kết quả môn Ngoại ngữ của học sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua cho thấy có sự chênh lệch giữa các địa phương, khu vực khác biệt về cơ sở vật chất và đầu tư học tập.

Do đó, việc môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn bảo đảm công bằng cho các thí sinh và bảo đảm phát huy đúng năng lực sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh như mục tiêu đề ra của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

II. Nội dung kiến nghị 2: Đề nghị quy định bắt buộc trong chương trình giảng dạy từ bậc Tiểu bọc đến Trung học phổ thông phải có môn Giáo dục công dân nhằm rèn luyện cho học sinh kiến thức về chuẩn mực đạo đức cũng như văn hóa ứng xử.

Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tầng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Giáo dục công dân là môn học giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân trên cơ sở làm chủ kiến thức và vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Đối với giai đoạn giáo dục cơ bản, từ lớp 1 đến lớp 9 (môn Đạo đức cấp Tiểu học và môn Giáo dục công dân cấp Trung học cơ sở) là môn học bắt buộc; nội dung chủ yếu của môn học là giáo dục đạo đức; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật và giáo dục kinh tế, với nội dung đáp ứng được yêu cầu phát triển đầy đủ toàn diện đổi với người học.

Đối với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Từ lớp 10 đến lớp 12 (cấp Trung học phổ thông), với tên gọi Giáo dục Kinh tế và pháp luật, là môn học "lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp"; nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau Trung học phố thông cho học sinh.

Như vậy theo định hướng Nghị quyết của Quốc hội thì cấp Trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh lựa chọn để học các nội dung về kinh tế, pháp luật phù hợp lứa tuổi và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

P.V

 


 

.
.
.