Thứ Ba, 06/08/2024, 17:41 (GMT+7)
.

Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

(ABO) Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang tại Văn bản 232/HĐND-TTDN ngày 9-7-2024 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung sau:

I. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

- Cử tri xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước), phản ánh hiện nay tình trạng nắng nóng, hạn, mặn diễn biến ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu. Đề nghị ngành chức năng cần có kế hoạch, giải pháp dự trữ nguồn nước ngọt.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Hằng năm, trên cơ sở dự báo của cơ quan chuyên môn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Phương án về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô, các văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô.

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành (trong đó có huyện Tân Phước) đều xây dựng phương án phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô thật cụ thể, chi tiết cho từng vùng, từng khu vực của địa phương mình, đáp ứng mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nguồn nước tưới tiêu sản xuất và cấp nước cho sinh hoạt của người dân.

Trong mùa khô năm 2023 - 2024, hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) gồm các cống: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U, Cây Còng, Hai Tân, Cái Sơn do tỉnh Tiền Giang đầu tư và cống âu Nguyễn Tấn Thành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư đã tạo thành 1 hệ thống khép kín kiểm soát được tình hình xâm nhập mặn từ hướng sông Tiền và sông Hàm Luông, tạo nguồn nước ngọt nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chủ động chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường; đảm bảo ngăn mặn, ngăn triều và giữ ngọt đủ nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc Dự án Bảo Định mở rộng 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Đặc biệt, đảm bảo yêu cầu về nguồn nước ngọt thô cho 3 nhà máy nước: Đồng Tâm, Bình Đức (tỉnh Tiền Giang) và Nhị Thành (tỉnh Long An) để cung cấp nước cho người dân theo mục tiêu của 2 dự án đã đề ra.

- Cử tri xã Phú Phong (huyện Châu Thành), phản ánh hiện nay tình hình nước mặn trên địa bàn bị ảnh hưởng là do một phần từ nước mặn ở các tỉnh khác không có cống ngăn mặn tràn qua gây ảnh hưởng vườn cây ăn trái của nhân dân. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền có giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Trong mùa mặn năm 2023 - 2024, hệ thống cống trên đường tỉnh 864 gồm: Cống âu Nguyễn Tấn Thành và các cống Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn và Chùa 1 đã phát huy tốt hiệu quả trong công tác ngăn mặn, góp phần bảo vệ thành công sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho người dân theo đúng mục tiêu Phương án 447/PA-UBND ngày 30-10-2023 của UBND tỉnh Tiền Giang đã đề ra.

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối tháng 5-2024, Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy kiểm tra phát hiện độ mặn từ khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A đến UBND xã Thanh Hòa tăng bất thường, độ mặn khu vực dao động từ 0,14 - 0,27g/l dù trong đỉnh điểm của mùa khô khu vực này không xuất hiện mặn.

Nguyên nhân: Do mặn rò rỉ, xâm nhập từ phía sông Vàm Cỏ Tây (phía tỉnh Long An) qua Quốc lộ 62 theo tuyến Kinh 12 và lan tỏa trong nội đồng.

Ngày 31-5-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã có Công văn 2263/SNN&PTNT-CCTL đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, UBND các huyện, thị phía Tây phối hợp vận hành công trình xổ xả mặn ra sông và thông báo cho người dân thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng tưới cho cây trồng. Sau khi nhận được công văn phía tỉnh Long An đã thực hiện xả các cống trên Quốc lộ 62 như: Bắc Đông, Rạch Chanh, Thủ Cồn, La Khoa, Hai Màng, Bà Định, Ông Nhượng từ ngày 1-6-2024 cho đến khi độ mặn không còn.

Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An kiểm tra công tác ngăn mặn của các cống trên Quốc lộ 62 vào đầu mùa khô hằng năm để cùng thống nhất giải pháp ngăn mặn bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

- Cử tri 2 xã Song Bình và Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), phản ánh theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cấp phép xây dựng các công trình thủy lợi như: Xây cầu qua kinh, làm bờ kè là đúng, nhưng thủ tục cấp phép quá rườm rà, người dân phải thuê cơ quan chuyên môn lập bản vẽ thiết kế và nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng cầu qua kinh tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà không có phân biệt cấp loại kinh, tải trọng thiết kế của cầu.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên phân cấp để cấp phép theo từng cấp loại kinh và tải trọng thiết kế của cầu qua kinh để không gây phiền hà cho người dân.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện cấp phép cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đúng theo quy định và quá trình lập, nộp hồ sơ đề nghị xin cấp phép được đơn giản hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị Cục Thủy lợi có hướng dẫn pháp lý về thủ tục ủy quyền phân cấp cấp phép cho UBND cấp huyện thực hiện đối với công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý.

Tuy nhiên, đến nay Cục Thủy lợi vẫn chưa có ý kiến phản hồi về kiến nghị của tỉnh Tiền Giang. Để giải quyết vấn đề bất cập này trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có hướng dẫn về thủ tục ủy quyền phân cấp cấp phép cho UBND cấp huyện thực hiện đối với công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý.

- Cử tri xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) và phường 2 (TP. Gò Công) phản ánh hiện nay tình hình thời tiết mưa không kéo dài cộng với nắng nóng, lịch thời vụ có thay đổi điều chỉnh, khung lịch thời vụ xuống giống vụ lúa hè thu năm 2024 từ ngày 1-6 có thể  kéo dài đến ngày 30-6-2024.

Kiến nghị ngành chức năng xem xét khi cho lịch thời vụ phải cụ thể riêng cho từng vùng, khu vực nào có khả năng, điều kiện có thể xuống giống trước lịch thời vụ.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Hiện nay, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện khuyến cáo khung lịch thời vụ chung cho toàn vùng. Trong đó, Sở cũng đề nghị địa phương tùy vào điều kiện thực tế xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cụ thể trong khoảng thời gian quy định để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất.

- Cử tri phường 2, phường Long Chánh và xã Tân Trung (TP. Gò Công), phản ánh trong vụ lúa hè thu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn 2116/SNN&PTNT-TT&BVTV ngày 22-5-2024 khuyến cáo người dân các huyện phía Đông xuống giống tập trung từ ngày 1-6 đến ngày 15-6-2024 (dương lịch).

Đến ngày 10-6-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có Công văn 2394/SNN&PTNT-TT&BVTV điều chỉnh lịch xuống giống có thể kéo dài đến ngày 30-6-2024 (dương lịch). Với lý do là công tác xổ xả, rửa phèn mặn tại một số khu vực cuối nguồn chưa đảm bảo và đề xuất kéo dài lịch thời vụ xuống giống lúa hè thu năm 2024 của các huyện, thành phố phía Đông.

Tuy nhiên, phần diện tích lúa đã gieo sạ từ đầu tháng 6 (dương lịch) của người dân đã bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Cử tri đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang có hướng khắc phục và trong thời gian tới phải dự báo chính xác đến người dân thời điểm để gieo sạ tránh gây thiệt hại, thất thoát như vụ hè thu vừa qua.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Do tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, mưa, tiến độ xổ xả phèn diễn ra không như dự báo nên việc gieo sạ lúa vụ hè thu năm 2024 tại một số xã của huyện phía Đông gặp phải khó khăn. Để sản xuất lúa an toàn hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch vụ hè thu năm 2024 tại vùng sản xuất phía Đông, trong đó chú trọng giải pháp khuyến cáo người dân chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt và việc xổ xả, rửa phèn mặn trên đồng ruộng hoàn tất.

Thực hiện hiệu quả Bản tin thời tiết nông vụ để tuyên truyền khuyến cáo lịch thời vụ và các giải pháp bảo vệ sản xuất giúp nông dân chủ động sản xuất an toàn thích ứng với thời tiết, khí hậu.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các giải pháp nêu trên để xây dựng, khuyến cáo nông dân lựa chọn thời điểm gieo sạ phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn để có dự báo chính xác hơn về khí tượng thủy văn để tổ chức điều hành sản xuất cây trồng hiệu quả.

(còn tiếp)



 

.
.
.