Vi phạm nồng độ cồn ở mức tước bằng 11-12 tháng, tới đây có thể chỉ bị trừ 2 điểm
Việc trừ điểm giấy phép lái xe tới đây sẽ khác với biện pháp tước bằng lái đang áp dụng. Hiện nay, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng tối thiểu bị tước bằng từ 11 - 12 tháng thì tới đây có thể sẽ chỉ bị trừ 2 điểm.
Từ ngày 1-1-2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý, tại Điều 58 của luật này quy định, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật. Ngay sau khi có quyết định trừ điểm giấy phép lái xe sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo cho chủ nhân biết.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.
Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do cảnh sát giao thông tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Anh Nguyễn Đức Anh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe có giống việc tước bằng lái đang áp dụng?
Liên quan đến băn khoăn trên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Bộ Công an) cho biết, việc trừ điểm giấy phép lái xe khác với tước bằng lái đang áp dụng tại luật hiện hành.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Ảnh: Đình Hiếu |
Thứ nhất, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Thứ hai, nếu người tham gia giao thông thông bị tước quyền sử dụng giấy lái xe thì sẽ không được phép điều khiển phương tiện. Trong khi đó, trường hợp trừ điểm giấy phép lái xe thì tài xế vẫn được điều khiển phương tiện đến khi bị trừ hết 12 điểm.
"Việc trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa động viên, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành pháp luật. Người lái xe chỉ vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có tính chất cố tình và gây nguy hiểm thì mới bị trừ một lần hết 12 điểm", Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết,
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, hiện nay tài xế vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng tối thiểu sẽ bị tước bằng từ 11 - 12 tháng thì tới đây sẽ bị trừ 2 điểm. Sau khi bị trừ điểm, tài xế sẽ ý thức được hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn được quyền điều khiển xe, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam.
Nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt 0,4 mg/L khí thở thì tài xế có thể bị trừ một lần hết 12 điểm. Ảnh: Đình Hiếu |
Thứ ba, việc trừ điểm giấy phép lái xe sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về hành vi vi phạm của tài xế. Bởi khi bị trừ hết điểm, người tham gia giao thông phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông mới được phục hồi điểm. Với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe như trước đây, tài xế được nhận lại bằng lái của mình sau thời gian bị tước.
"Ở buổi kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, người tham gia sẽ phải làm bài trắc nghiệm trên máy tính để đánh giá kiến thức về luật giao thông đường bộ. Người điều khiển ô tô sẽ có thêm phần kiểm tra mô phỏng các tình huống giao thông", Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.
Các buổi kiểm tra sẽ do Cục CSGT (Bộ Công an) hoặc Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố tổ chức. Nội dung kiểm tra do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Thứ tư, qua việc trừ điểm giấy phép lái xe, có thể quản lý tài xế trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc tái phạm lỗi.
Theo vietnamnet.vn