.

Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri An Giang và Tiền Giang

Cập nhật: 16:54, 10/09/2024 (GMT+7)

(ABO) Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang và tỉnh Tiền Giang do Ban Dân nguyện chuyển tới tại công văn số 499/BDN ngày 14-6-2024, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị:

- Trong tình hình hiện nay, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở mức 8% đối với một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng dầu, điện, nước sinh hoạt là cao hơn so với mức thu nhập trung bình của người dân. Đề nghị tiếp tục điều chỉnh giảm thuế GTGT riêng cho các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, điện nước sinh hoạt theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29-11-2023 của Quốc hội.

- Hiện nay thuế GTGT 10%. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội khi thông qua dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) giảm dưới 10% các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp. Đồng thời xem xét bỏ thuế GTGT điện và nước sinh hoạt.

Bộ Tài chính xin trả lời như sau:

Thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được quy định cụ thể tại Luật Thuế GTGT (thuộc thẩm quyền của Quốc hội). Thuế GTGT thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt theo mục đích, đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Luật Thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế GTGT.

Luật Thuế GTGT quy định 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (theo thông lệ quốc tế). Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hoá, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hoá, dịch vụ thông thường khác.

- Đối với mặt hàng điện và nước sinh hoạt:

Theo quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành, mặt hàng điện thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 10% và nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% (là mức thuế suất ưu dãi so với thuế suất thông suất thông thường 10%).

Ngoài ra, theo Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn Luật Điện lực thì Bộ Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực điện trong đó có giá điện. Song song với việc điều chỉnh giá điện từng bước để tiến tới thực hiện theo cơ chế giá thị trường, để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng là các đối tượng như sau:

Căn cứ theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ thì các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng được áp dụng mức giá bán chỉ bằng khoảng 92% giá điện bình quân. Các hộ sử dụng không quá 100 kWh/tháng được áp dụng mức giá bán điện chỉ bằng 95% giá điện bình quân.

Ngoài ra, các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (không thuộc diện hộ nghèo và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh) theo tiêu chỉ do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

- Đối với vật tư nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp:

Luật Thuế GTGT đã quy định ưu đãi ở mức cao, cụ thể:

Luật Thuế GTGT hiện hành quy định sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế GTGT; sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại trừ gỗ và măng hưởng mức thuế suất ưu đãi 5% (mức thuế suất thông thường là 10%).

Bên cạnh đó, các hàng hoá chủ yếu dùng cho đầu vào hoặc liên quan đến dịch vụ cung cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng thuộc diện không chịu thuế (giống cây trồng, vật nuôi, nạo vét kinh mương nội đồng: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bở, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác) hoặc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% (quặng để sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng).

Hàng hoá xuất khẩu trong đó có sản phẩm từ nông, lâm, thuỷ sản được phép xuất khẩu thì thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất GTGT 0%, các cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Thuế GTGT, doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai tính nên thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hoặc theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang và tỉnh Tiền Giang, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và tỉnh Tiền Giang để trả lời cử tri.

P.V

 

.
.
.