Người dân bức xúc về mùi hôi từ cơ sở chế biến phụ phẩm thủy, hải sản
Một số hộ dân ở ấp Trại Cá (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bức xúc trước tình trạng các cơ sở chế biến phụ phẩm thủy, hải sản gây ô nhiễm môi trường.
Qua tìm hiểu, tại khu vực gần cơ sở sơ chế phụ phẩm thủy sản Thuận Kiều và Công ty TNHH MTV Chế biến tôm sấy Phan Thị Nghĩa bốc mùi rất khó chịu. Các cơ sở trên thu mua đầu, vỏ tôm chết của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản để sản xuất chitin và làm thức ăn chăn nuôi.
Một người dân sống gần khu vực này cho biết: “Mùi hôi từ ruốc cá và phế phẩm (vỏ ghẹ, vỏ tôm) không thể chịu nổi, nhờ chính quyền sớm khắc phục tình trạng này”.
2 cơ sở được người dân cho là đang gây ô nhiễm môi trường tại xã Tăng Hòa. |
Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa Nguyễn Thế Hợp cho biết, cơ sở Thuận Kiều hoạt động từ rất lâu, còn cơ sở Phan Thị Nghĩa hoạt động từ đầu năm 2021 đến nay. Đối với 2 cơ sở này, UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra về môi trường định kỳ 2 lần/năm.
Đối với vấn đề phơi vỏ ghẹ, địa phương xác định là có mùi hôi nhưng chưa xác định được mùi hôi độc hại mức nào. Riêng vấn đề xả thải ra ngoài môi trường, UBND xã đã tiến hành theo dõi, kiểm tra nhưng vẫn chưa xác định được có xả hay rò rỉ ra môi trường bên ngoài hay không. Ngoài ra, UBND xã không thể xác định được mức độ ô nhiễm, trách nhiệm kiểm tra xử lý là thuộc thẩm quyền cấp huyện và tỉnh.
“Trước đó, trong năm 2020, địa phương cũng đã tiếp nhận phản ảnh của người dân về vấn đề trên nhưng sau đó đã hòa giải thống nhất cao. Do đặc thù địa phương, người dân đa phần sống bằng nghề gắn liền với thủy sản nên mùi hôi tanh khó tránh khỏi. Địa phương rất quan tâm đến vấn đề môi trường. UBND xã cũng thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân thông qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri hay qua điện thoại để kịp thơi xử lý theo đúng quy định” - đồng chí Nguyễn Thế Hợp cho biết thêm.
Còn Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gò Công Đông cho biết, đơn vị thành lập đoàn đến xác minh, lập biên bản kiểm tra tại 2 cơ sở trên vào ngày 5-11. Đồng thời, qua kiểm tra, đoàn xác định ao lắng chứa chất thải đang bốc mùi hôi là của cơ sở Thuận Kiều nhưng đã tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở sớm tiến hành khắc phục sau kiểm tra. Riêng cơ sở Phan Thị Nghĩa có hệ thống xử lý hoàn lưu nguồn nước thải. Mùi hôi vỏ ghẹ, vỏ tôm phơi trên đó là điều tất yếu và đây có thể là đặc thù của địa phương vùng biển.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở trên trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, các ngành chức năng cần quy hoạch, đưa các cơ sở vào khu tập trung, để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát. Đồng thời, các ngành chức năng cần quyết liệt vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về môi trường để người dân an tâm sinh sống và làm việc.
H.L