Thứ Ba, 16/10/2012, 11:15 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Từ khi thực hiện Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ đối với công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đến tháng 3-2012 trên toàn tỉnh đã tiến hành cấp đổi được 89.675 giấy, diện tích 24.810,50 ha.

Trong đó, dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” (gọi tắt là dự án VLAP) đã thực hiện năm 2009; công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy, đăng ký cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ đang thực hiện 14 xã (huyện Gò Công Tây 4 xã, huyện Chợ Gạo 10 xã) với khối lượng diện tích đo đạc là 18.669,10 ha, tổng số giấy chứng nhận là 71.552 giấy, đã tiến hành cấp đổi 30.415 giấy, đạt 42,5%.

Đối với 3 huyện đo đạc thành lập bản đồ địa chính chính quy năm 2000, cấp đổi GCNQSDĐ (Chợ Gạo 19 xã, Cai Lậy 28 xã, Gò Công Tây 13 xã) với tổng số giấy chứng nhận đã phát đổi cho người sử dụng đất là 155.823/ 291.212 giấy, đạt 53,5%.

Trong công tác cấp đổi GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh, tổng số giấy chứng nhận đã viết là 291.212 giấy, đã phát đổi cho người sử dụng đất được 155.823 giấy, còn tồn chưa phát cho cho người sử dụng đất 135.389 giấy.

Đối với công tác cấp đổi GCNQSDĐ một số huyện còn chậm như huyện Chợ Gạo, Cai Lậy, Gò Công Tây, tổng số giấy đã được đổi khoảng 53,5% (cụ thể huyện Cai Lậy tồn đọng 52.740 giấy, huyện Chợ Gạo tồn đọng 55.270 giấy, huyện Gò Công Tây tồn đọng 27.379 giấy).

NGUYÊN NHÂN TỒN ĐỌNG

- Một số hộ dân chưa ý thức được quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước cấp GCNQSDĐ nên không đến cấp đổi giấy.

- Đa số giấy chứng nhận người sử dụng đất đã thế chấp ngân hàng, quỹ tín dụng để vay vốn sản xuất. Sự phối hợp của ngân hàng, quỹ tín dụng và Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện chưa chặt chẽ.

- Bổ sung hồ sơ:

+ Những thửa đất đã viết giấy chứng nhận theo tên mới do: thừa kế, cho tặng, mua bán nhưng không đến các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục.

+ Một số hộ dân không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi xác định lại diện tích đất ở theo quy định.

- Thời gian đăng ký sau đo đạc đến khâu phát giấy kéo dài nên số lượng biến động nhiều.

- Một số nơi Đảng ủy, UBND xã chưa thực sự quan tâm đến công tác này, chỉ làm rầm rộ khi phát động, sau đó giao cho cán bộ địa chính thực hiện, không kiểm tra nhắc nhở.

Công tác tuyên truyền, vận động người sử dụng đất tham gia cấp đổi GCNQSDĐ không thường xuyên. Cán bộ địa chính xã không xây dựng kế hoạch cho công tác cấp đổi giấy, mà còn phải tham gia nhiều công việc khác, một số xã do thay đổi cán bộ địa chính.

- Hộ gia đình, cá nhân làm mất giấy cũ.

- Cấp huyện tổ chức cấp đổi chưa tốt, cụ thể như thành lập tổ cấp đổi ở văn phòng đăng ký QSDĐ nhưng do lực lượng ít, địa bàn rộng lại thực hiện nhiều công việc nên ít dành thời gian cho việc cấp đổi giấy.

- Trong thời gian qua, việc cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) chưa thường xuyên; một số huyện có cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính nhưng chỉ làm được ở cấp huyện và cũng không thường xuyên, liên tục.

- Hiện nay, hầu hết các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, cán bộ địa chính chưa được cung cấp phần mềm quản lý, cập nhật, chỉnh lý biến động để sử dụng chung.

- Việc lập hồ sơ biến động không đúng quy định, nơi lưu trữ hồ sơ còn chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu.
    
GIẢI PHÁP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG KHẮC PHỤC

- Rà soát, thống kê những thửa đất, những chủ sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn huyện (đến từng xã).

- UBND cấp huyện, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc cấp đổi GCNQSDĐ.

- Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện tăng cường hỗ trợ cán bộ địa chính xã.

- Các xã cần có kế hoạch, sắp xếp lịch cấp đổi GCNQSDĐ và công bố, vận động để người dân thực hiện theo quy định.

- UBND tỉnh, huyện có kế hoạch làm việc cụ thể với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc cấp đổi GCNQSDĐ, có kế hoạch thống nhất thực hiện giữa văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và ngân hàng.

-  Đối với trường hợp bổ sung hồ sơ, cán bộ địa chính xã, cán bộ phụ trách bộ phận một cửa hướng dẫn thực hiện theo quy định.

- Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) làm việc với từng huyện để trao đổi thống nhất giải pháp tổ chức cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các huyện; đồng thời phối hợp với UBND huyện chỉ đạo thực hiện. Hàng tuần bộ phận chuyên môn phải có báo cáo về tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở TN-MT và UBND huyện để phối hợp chỉ đạo.

- Đẩy nhanh tiến độ đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  thuộc dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” (gọi tắt là dự án VLAP) hoàn thành trong năm 2013.

- Trung tâm Công nghệ Thông tin TN-MT xây dựng cơ sở dữ liệu, tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ tin học trong công tác quản lý đất đai, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính có sử dụng phần mềm dùng chung từ cấp xã, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đến cấp tỉnh đối với những huyện đủ điều kiện.

TRẦN THANH BÁ

(Phòng Quản lý đất đai, Sở TN-MT)

.
.
.