Thứ Sáu, 01/03/2013, 09:43 (GMT+7)
.

Những gợi mở về nguyên nhân, giải pháp giảm hội họp

Nhiều cán bộ chủ chốt trong và ngoài tỉnh thường than phiền có ngày phải dự 5 đến 7 cuộc họp, cuộc họp nào cũng quan trọng không thể vắng mặt được! Vì thế không còn thì giờ đi thực tế hoặc có thời gian suy nghĩ những vấn đề có tính chiến lược. Nói một cách hài hước là nạn họp lu bù đã biến cán bộ thành “quan liêu vất vả”.

Đi tìm nguyên nhân quá tải họp hành không đâu khác từ chính bản thân nền hành chính - tức là từ thể chế vận hành, tổ chức bộ máy, thực trạng đội ngũ công chức... Khi đã nhận thức đúng cũng chính là đã tìm ra các giải pháp cơ bản để giảm họp, lúc đó mới nói đến nâng cao chất lượng các cuộc họp cần thiết. Vậy xin gợi mở những vấn đề sau:

* Xác định quan hệ dọc - ngang trong thể chế vận hành

Có thể thấy rất rõ, sự phân cấp trung ương (TW), địa phương và ngay cả giữa 3 cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã) vẫn chưa rõ ràng. Nghĩa là vẫn chưa thực hiện được nguyên tắc mỗi việc chỉ do cấp nào làm tốt nhất đảm nhiệm, chịu trách nhiệm hoàn toàn. Hiện nay chưa làm rõ việc gì chỉ do TW làm, việc gì địa phương phải xin ý kiến TW trước và việc gì địa phương hoàn toàn quyết định.

Đó là mới chỉ đề cập đến quan hệ dọc (trên dưới), ngoài ra mối quan hệ ngang cũng chưa được quy định rõ. Nghĩa là vẫn chưa thực hiện được nguyên tắc mỗi việc chỉ do một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm, một địa chỉ; còn các cơ quan khác khi cần thiết giữ vai trò phối hợp. Vấn đề rắc rối ở đây là chưa có quy chế phối hợp thật khoa học, hiệu quả, thực chất, không rườm rà và tránh quay lưng lại nhau.

Phải thấy rằng, trong các thể chế vận hành chưa làm rõ mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Vai trò của cá nhân, sự chịu trách nhiệm của cá nhân, của người đứng đầu đơn vị và cả những vị trí thừa hành. Vấn đề là làm rõ mỗi người trong bộ máy phạm vi chịu trách nhiệm đến đâu, có những quyền gì.

Nói tóm lại, thể chế vận hành của bộ máy hành chính chưa phân định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, của từng công chức (lãnh đạo cũng như chuyên viên).

Hơn thế nữa phải kể đến tâm lý Hội đồng, Ủy ban, Mặt trận... quá ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Nếu thiếu những cơ chế này, khi hành xử công việc có cảm tưởng trống vắng! Vì thế dẫn đến tâm lý thích họp. Có những việc phải tiến hành 5 - 6 cuộc họp như: họp thường vụ, họp ban cán sự, họp thường trực ủy ban, họp ủy ban, nhiều việc phải đưa ra HĐND, họp triển khai ra sở, ngành, cấp huyện...

Mặt khác, còn một nguyên nhân, chưa xóa bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì cũng muốn “ôm”, cái gì cũng đòi xin - cho, báo bẩm...

Muốn giảm họp phải xác định rõ cái gì Nhà nước cần quản lý, cái gì giao cho các thành phần khác, các tổ chức xã hội... Tóm lại, muốn giảm họp phải mạnh dạn giảm nội dung quản lý (theo xu thế cải cách hành chính).

* Về tổ chức bộ máy

Tổ chức bộ máy ngoài phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chưa rõ ràng, rành mạch còn một điều dễ thấy khi nhìn tổng thể: bộ máy quá cồng kềnh, chồng chéo, quá nhiều ban bệ. Đã đẻ bộ máy thì phải giao việc, không có việc thì đòi việc, đòi được tham khảo ý kiến, trình bày chính kiến, đòi có vai trò...

Những chuyện này thường được xử lý cho thỏa mãn bằng các cuộc họp. Nếu không xử lý thỏa đáng sẽ đẻ ra những rắc rối nội bộ, gây phức tạp thêm tình hình. Từ bộ máy quá cồng kềnh không tránh khỏi giẫm chân lên nhau. Giải quyết sự chồng chéo giẫm chân lên nhau chí ít cũng tốn vài cuộc họp. Tình trạng này kéo dài triền miên, dứt khoát kéo theo việc tăng tần suất họp giải quyết.

Giải pháp cho tình trạng tổ chức bộ máy không hợp lý chỉ bằng cách tổ chức các cơ quan quản lý Nhà nước theo mô hình liên ngành đa lĩnh vực, giảm các đầu mối.

* Về đội ngũ cán bộ, công chức

Ngoài nguyên nhân chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ, còn do cán bộ, công chức thiếu năng lực nên không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, kéo tập thể vào, sinh ra hội họp.

Hơn thế nữa, hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, rối rắm, trên thực tế khi hành xử công việc nhiều khi được coi là năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhiều khi cùng việc như vậy khi “bể chuyện” lại bị cho là cố ý làm trái, gây hậu quả...

Công chức thấy không được bảo vệ (ở đây cần làm rõ lỗi công vụ, lỗi ngoài công vụ... để xử lý công chức) tốt hơn hết là công chức tự bảo vệ mình bằng cách tổ chức họp để kéo nhiều người vào cùng hưởng thành tích hoặc  cùng chia sẻ trách nhiệm khi cần thiết.

Ngoài những nguyên nhân cũng là yếu tố cơ bản cho giải pháp nêu trên, cũng có ý kiến cho rằng, sử dụng triệt để giải pháp công nghệ thông tin để giảm họp. Chúng tôi thiết nghĩ, rất cần thiết đưa công nghệ thông tin vào quản lý, nhưng công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, công cụ nên chỉ giải quyết được cái ngọn, không thể giải quyết được cái gốc, đó là cơ chế. Phải tích cực cải cách cơ chế. Cơ chế đó là gì?

Xin nêu vài nội dung như sau:

- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, từng cấp, từng vị trí từ lãnh đạo đến nhân viên.
- Phân cấp TW - địa phương rành mạch, giữa các cấp ở địa phương cũng rành mạch.
- Làm rõ chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền (đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước).
- Thay đổi tư duy quản lý, xã hội hóa mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công (Nhà nước nhỏ - xã hội lớn).
- Tổ chưc bộ máy liên ngành đa lĩnh vực, giảm đầu mối.
- Cuối cùng là xây dựng đội ngũ công chức thạo việc, có tầm có tâm.

Cái gì của cơ chế, do cơ chế phải xử lý bằng cơ chế.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.