Thứ Tư, 10/04/2013, 06:59 (GMT+7)
.

Đưa tinh thần doanh nghiệp vào khu vực công

Nhận định về 6 xu hướng làm thay đổi sâu sắc nền công vụ của các nước đang diễn ra và sẽ trở thành những xu hướng chính trong tương lai: Hoạt động của các cơ quan chính phủ như một doanh nghiệp; Nhất thể hoá theo chiều ngang; Cải tiến dịch vụ, hướng dịch vụ vào công dân; Uỷ quyền và phân quyền; Thay đổi các thể chế theo chiều hướng giải phóng mọi tiềm lực xã hội; Xu hướng quan hệ hợp tác, đối tác.

Trong 6 xu hướng trên, xu hướng Hoạt động của các cơ quan chính phủ như một doanh nghiệp đang tác động mạnh mẽ làm thay đổi nền công vụ… Nhiều nước đã và đang tiến hành tách chức năng quản lý của chính phủ, cơ quan hành chính các cấp ra khỏi chức năng cung cấp dịch vụ.

Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp chỉ còn nhiệm vụ chính là hoạch định chính sách, giám sát, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, khống chế sự bóc lột, điều tiết, giải quyết công bằng xã hội. Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp  tiến tới đơn giản hoá thủ tục luật lệ, sao cho linh hoạt hơn trong việc thiết kế và cung cấp các chương trình phục vụ dân chúng với chi phí thấp, tăng cường trách nhiệm. Chức năng cung cấp dịch vụ công chuyển giao cho các thành phần khác tham gia đặt dưới sự giám sát kiểm tra, định hướng của chính phủ cơ quan hành chính các cấp.

Trong hoạt động của chính phủ, cơ quan hành chính các cấp lấy tiêu chí hiệu suất và hiệu quả để đánh giá và làm đích để đạt đến. Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp dùng ngân sách đứng ra mời thầu cung cấp các dịch vụ (như cung cấp điện nước, vận tải công cộng, giáo dục, y tế…) thậm chí ở nhiều nước chính phủ thuê các nhà hành chính, các chuyên gia và các tổ chức đứng ra làm công việc quản lý hành chính theo đúng đường lối đã định sẵn của những nhà chính trị.

d
Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả tại UBND phường 4, TP. Mỹ Tho. Ảnh: S.A.M

Nhiều nước tiên tiến dù có một hệ thống hành chính phát triển, trật tự và có quy củ, nhưng sau nhiều chục năm hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thay đổi, nói chung là phải tạo cho nó một sức sống mới.

Người ta nhận thấy khu vực hành chính nhà nước với những thể chế, thủ tục hành chính, cơ chế quản lý và con người công chức qua thời gian đã dần trở nên xơ cứng, không năng động, nhanh nhạy phản ứng với những thay đổi của cơ chế kinh tế, của tình hình xã hội. Để thay đổi hệ thống này theo hướng năng động và linh hoạt hơn, cần phải tham khảo và đưa ra những kinh nghiệm, cách quản lý và cơ chế quản lý của khu vực kinh tế tư nhân vào. Điều này được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, đánh giá hoạt động của từng công chức, từng tổ chức theo kết quả đầu ra, theo tác động của kết quả đó. Đây là sự thay đổi hết sức cơ bản trong quản lý nhân sự và tổ chức. Nếu như trước đây việc phân bổ nguồn lực do các cơ quan, việc đánh giá hoạt động thường căn cứ đầu vào, thì nay đã chuyển sang chú trọng vào kết quả đầu ra.

Thứ hai, ký kết thoả thuận công vụ giữa các bộ, chính quyền địa phương với Bộ Tài chính. Đây là một loại thoả thuận, hợp đồng được các bộ đàm phán và đi đến thống nhất ký với Bộ Tài chính, trong đó quy định rõ:

- Mục tiêu, nhiệm vụ của bộ, chính quyền địa phương.
- Các chỉ số, mục tiêu phải phấn đấu, cụ thể là giảm sai sót trong hoạt động, cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ dân, Chính phủ điện tử.
- Nguồn lực phân bổ cho các bộ, chính quyền địa phương trong từng năm, được cụ thể hoá trong các chương trình, mục tiêu.

Ý nghĩa của thoả thuận công vụ là tạo ra một khuôn khổ ổn định cho bộ, chính quyền địa phương hoạt động, không cho phép tăng ngân sách chi tiêu của bộ, chính quyền địa phương nếu không chứng minh được kết quả sẽ có, buộc các bộ, các cấp chính quyền địa phương tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu của mình theo trọng tâm do Chính phủ đã định, tạo điều kiện để các bộ, chính quyền các cấp phân bổ kinh phí và giám sát hoạt động của các tổ chức thuộc bộ, chính quyền.

Thứ ba, hợp đồng ra bên ngoài một số loại công việc không nhất thiết phải bố trí công chức làm như vệ sinh, căng tin, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, lái xe…

Cho phép các viện nghiên cứu, trường đại học công được ký hợp đồng nhận làm các loại công việc để có thêm kinh phí hoạt động.

Thí dụ: Đưa người giỏi từ khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ vào tham gia các hoạt động hoạch định chính sách, lập kế hoạch ở cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở Văn phòng Nội các. Kinh nghiệm cho thấy rằng, các chuyên gia từ khu vực bên ngoài vào làm việc nhằm mục đích đưa ra các quyết sách, kế hoạch, chương trình của Chính phủ đúng tầm chiến lược và sát với thực tiễn hơn.
Thứ tư, tạo sự cạnh tranh giữa khu vực công với khu vực tư và giữa các cơ quan trong khu vực công với nhau.

Nhờ đưa vào cách thức quản lý của thị trường vào hệ thống hành chính, Chính phủ Anh trong thời gian 1979 - 1997 đã giảm được 37% công chức ở cấp Trung ương, tiết kiệm hàng năm 720 triệu bảng Anh, thành lập thêm 138 cơ quan có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công.

Ở nhiều nước, hiện nay Chính phủ đang tập trung vào cải cách 4 lĩnh vực cung cấp dịch vụ công còn có nhiều khuyết điểm đó là y tế, giáo dục, tội phạm và giao thông.

Thiết nghĩ trong xu thế hội nhập, nước ta rất cần nghiêm túc nghiên cứu có chọn lọc những kinh nghiệm quý báu này để cải cách bộ máy hành chính hiện nay.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.