.
Báo chí trong "cơn lốc" chuyển đổi số

Bài 1: "Tư duy" số

Cập nhật: 07:55, 21/06/2022 (GMT+7)

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí. Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí trước hết là sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí.

Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Chuyển đổi số: Mục tiêu và giải pháp do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí -  Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Chuyển đổi số: Mục tiêu và giải pháp do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

Chuyển đổi số: Mục tiêu và giải pháp là chủ đề của một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy nhiều vấn đề hướng đến mục tiêu tìm kiếm các giải pháp mang tính đột phá và khả thi về chuyển đổi số với các cơ quan báo chí.

Ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ báo chí cũng là bước đi cần thiết.

NỀN TẢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Tại khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nhiều vấn đề và rào cản mà các tòa soạn gặp phải khi tiến hành chuyển đổi số đã được đại diện các cơ quan báo, đài chia sẻ và cùng thảo luận. Trong đó, các ý kiến đều cho rằng, vấn đề chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy con người mà trước hết là tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí.

Qua ý kiến được trích xem tại khóa bồi dưỡng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhận định: “Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hóa”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy.

Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ, mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số. Chia sẻ về vấn đề này, Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trước hết hãy nghĩ tới con người, tập trung vào kỹ năng mềm, sự thay đổi tư duy nhận thức từ cấp cao nhất”.

Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, những yếu tố để chuyển đổi số thành công là có lãnh đạo am hiểu công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital.

“Ở mỗi cơ quan báo chí, truyền thông, lãnh đạo cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để đáp ứng và theo kịp xu hướng chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ sáng tạo nội dung, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược và tiêu chí cơ quan mong muốn”- Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định.

Với vai trò là giảng viên chính của khóa bồi dưỡng, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung nêu ra 3 thách thức với mỗi cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là thách thức về con người. Sử dụng nhân lực cũ hay tuyển người mới? Người cũ (báo giấy) không đáp ứng được (báo điện tử) vậy sẽ đào tạo lại hay đào thải? Xử lý những trường hợp đặc biệt ra sao? Bên cạnh đó là việc ứng xử với những người có thâm niên công tác, người có công như thế nào trong quá trình chuyển đổi cũng là vấn đề.

Nhà báo Lê Xuân Trung đã có những chia sẻ về những thực tế tại Báo Tuổi Trẻ khi chuyển đổi số, có người đã nhất quyết nói không với chuyển đổi số, vì cho rằng mình là người của báo giấy. Rất khó xử, bởi đây là những người làm báo giỏi, uy tín và có nhiều đóng góp với tòa soạn. Trong nhiều trường hợp gặp “rào cản” như vậy, việc xử lý không đơn giản, không dễ đào thải nhân sự với một cơ quan nhà nước, tìm vị trí phù hợp cho họ làm cũng không dễ khi tất cả đang chuyển đổi số.

Nhiều nhà báo tham gia khóa bồi dưỡng cũng đều nhìn nhận, mấu chốt của quá trình chuyển đổi số là vấn đề con người và trong đó người giữ vị trí lãnh đạo là quan trọng nhất.

Điều này cũng được Nhà báo Lê Quốc Minh nhìn nhận: “Chắc chắn là một ban lãnh đạo - dù tài giỏi hay yếu kém - thì đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của đơn vị đó phụ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo”.

Bởi thế, lời khuyên cho các cơ quan báo chí trước chuyển đổi số, Nhà báo Lê Quốc Minh nói: “Trước hết hãy nghĩ đến con người. Sự đổi mới tuyệt vời nhất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có đủ kỹ năng để sử dụng...”.

LẤY ĐỘC GIẢ LÀM TRUNG TÂM

“Chuyển đổi số là một chiến lược tổng thể, còn kế hoạch cụ thể là đẩy mạnh các kế hoạch coi độc giả là trung tâm, tăng doanh thu từ độc giả, phát triển sản phẩm và chú trọng dữ liệu” - Báo cáo xu hướng báo chí thế giới 2020 - 2021 đã viết. Do đó, thực tế cho thấy, tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo.

Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị. Với các cơ quan báo chí chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dụng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các báo, đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư để xây dựng, phát triển nền tảng riêng. Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, bên cạnh việc kết nối với các nền tảng của các cơ quan báo chí chủ lực, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng dự kiến đề xuất xây dựng nền tảng riêng cho nhóm này để chủ động vận hành…

Chia sẻ quan điểm trên, đại diện Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long cho rằng: “Nếu không đáp ứng được nhu cầu chủ động xem của khán giả trong thời kỳ cách mạng 4.0 sẽ sụt giảm số lượng người xem và thời lượng theo dõi. Như vậy, sẽ thất bại trên mặt trận tư tưởng, không thực hiện được nhiệm vụ chính trị, đánh mất chủ quyền trên không gian số”.

Bởi thế, đại diện Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long xác định, chuyển đổi số là vì mục đích chính trị, để giữ vững mức độ ảnh hưởng của đài trong công chúng. Coi người xem là trung tâm, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long trong chuyển đổi số cũng đã rất chú trọng thu thập tin tức, hành vi người dùng để phục vụ việc nghiên cứu thói quen xem của khán giả. Điều đó sẽ góp phần cho việc định hướng sản xuất để phục vụ người xem tốt hơn.

Nhờ việc nhận thức và chuyển mình sớm, đúng định hướng, hiện nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long đã thu hút một lượng khán giả khá lớn, bên cạnh đó là sự hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội với độ phủ sóng đa tầng, rộng khắp.

Còn Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, sự cần thiết sống còn của chuyển đổi số là bạn đọc ở đâu chúng ta ở đó. Bạn đọc lên mạng thì báo chí phải lên mạng. Báo chí muốn lên mạng thì báo chí phải chuyển đổi số. Bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận báo chí thì chúng ta không thể làm báo như trước được nữa, phải thay đổi để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Theo Nhà báo Lê Xuân Trung, khi tiến hành chuyển đổi số, các tòa soạn sẽ gặp phải 3 thách thức lớn, đó là lựa chọn công nghệ phù hợp; chi phí đầu tư hợp lý và xây dựng đội ngũ tinh thông. Thách thức thứ nhất, các cơ quan báo chí sẽ phải đứng trước các lựa chọn tuyển kỹ sư công nghệ để tự chuyển đổi; thứ hai là thuê và đặt hàng trọn gói chỉ tiếp quản và vận hành; phương án ba là kết hợp sử dụng lực lượng tại chỗ và thuê phần thiết kế hạ tầng kỹ thuật.

Báo Tuổi Trẻ đã chọn giải pháp tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ và thuê ngoài những việc cần thiết để bảo đảm hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới. Thứ hai là xác định thứ tự, ưu tiên đầu tư; đầu tư một phần hay toàn bộ hệ thống.

Lời khuyên từ kinh nghiệm của Nhà báo Lê Xuân Trung là nên đầu tư bài bản ngay từ đầu, tránh chắp vá, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí; bởi tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của các cơ quan báo chí nên đương nhiên phải được bảo vệ, không xâm phạm lẫn nhau.

(Còn tiếp)
 

.
.
.