Thứ Bảy, 25/06/2022, 10:19 (GMT+7)
.
Báo chí trong "cơn lốc" chuyển đổi số

Bài cuối: Tác nghiệp trên môi trường số

Bài 1: "Tư duy" số

Bài 2: "Phép thử" cho các cơ quan báo chí

Thay đổi tư duy chuyển đổi số, trong đó có báo chí - truyền thông (BC-TT) là cách tiếp cận phù hợp với xu hướng chung.

Không chỉ thực hiện theo chủ trương chung về chuyển đổi số, mỗi cơ quan báo chí cần không ngừng nỗ lực để vươn lên.

BẮT NHỊP

Đi cùng với xu hướng chung, nhà báo Nguyễn Sĩ Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Tiền Giang cho rằng, chuyển đổi số là một trong những chiến lược quan trọng của Trung ương. Thích ứng với xu hướng này, Đài PT-TH Tiền Giang đang chuẩn bị nền tảng để thích ứng thông qua xây dựng đề án chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của đài.

Thực tế cũng cho thấy, trang thiết bị, kỹ thuật của đài cũng đã từng bước được trang bị đồng bộ theo hướng số hóa và đạt chuẩn HD. Chưa kể, hạ tầng mạng công nghệ của Đài PT-TH Tiền Giang để phát sóng lên hệ thống Internet cũng được trang bị máy móc đạt chuẩn HD như đường truyền lên các kênh SCTV, HTVC, MyTV, truyền hình số hóa mặt đất...

Bên cạnh đó, trang thiết bị máy móc nằm trong dự án phát triển của đài, đã được UBND tỉnh phê duyệt và HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, đã có quyết định chủ trương đầu tư, cũng sẽ góp phần hoàn chỉnh thiết bị số hóa của đài.

Bởi, hiện nay, ngoài trụ sở vừa được đầu tư trên 80 tỷ đồng, gói đầu tư thiết bị cho đài với tổng kinh phí khoảng 155 tỷ đồng nhằm trang bị thiết bị đồng bộ, hiện đại từ khâu quay, dựng, phát sóng… cũng đã được tính đến. Bên cạnh đó, đài cũng đang xin chủ trương của UBND tỉnh và các ngành có liên quan để trang bị xe màu theo chuẩn HD, dự kiến xây dựng trụ Angten đạt mục tiêu tạo điểm nhấn cho TP. Mỹ Tho cũng như diện mạo mới cho đài.

“Để đạt được các mục tiêu đề ra, đài cũng đưa ra một số giải pháp như: Tranh thủ sự lãnh đạo của lãnh đạo tỉnh, ủng hộ của các sở, ngành; tăng cường đào tạo và đào tạo lại nguồn lực của đài để ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay; đa dạng hóa công việc cho phóng viên, biên tập viên nhằm thích hợp với xu hướng truyền thông đa phương tiện…”- nhà báo Nguyễn Sĩ Hùng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số gắn với nguồn nhân lực số.
Chuyển đổi số gắn với nguồn nhân lực số.

Nằm chung dòng chảy chuyển đổi số, Báo Ấp Bắc cũng đã và đang hướng đến những mục tiêu mới. Không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp các loại hình báo chí là hướng đi quan trọng của Báo Ấp Bắc.

Nhìn từ thực tiễn, với sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và truyền thông báo chí, nhất là Báo Ấp Bắc điện tử cần cải tiến các tính năng mới như: Xây dựng nguồn tin đa phương tiện Longform, eMagazine, Quiz, Interactive cũng như các công nghệ mới nhanh hơn, bảo mật hơn và có thiết kế trải nghiệm người dùng tốt hơn. Chưa kể, các nghiệp vụ tòa soạn trên báo in của Báo Ấp Bắc hiện tại vẫn còn thực hiện thủ công, chưa áp dụng tin học hóa.

Do vậy, mục tiêu đặt ra là Báo Ấp Bắc cần phải nhanh chóng chuyển đổi số sang mô hình tòa soạn hội tụ để khai thác hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cũng như tối ưu hóa đội ngũ nhân viên và phóng viên của tòa soạn. Việc Báo Ấp Bắc hướng đến mục tiêu đầu tư hoàn chỉnh tòa soạn hội tụ sẽ giúp tích hợp các công việc của tòa soạn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, dựa trên quy trình xử lý hiện đại. Đây không chỉ là giải pháp mang tính công nghệ, mà còn phù hợp với xu hướng chung gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

THÍCH ỨNG KỶ NGUYÊN SỐ

Nhìn một cách tổng thể, để bảo đảm điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số BC-TT, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, trước mắt tập trung vào một số giải pháp cơ bản. Đó là cần tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm rõ nội dung, vai trò và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực BC-TT nói riêng để tạo quyết tâm, đồng thuận. 

Bởi, chuyển đổi số là con đường để BC-TT phát triển, thực hiện các chức năng của mình trong kỷ nguyên số. Các đơn vị BC-TT cần đẩy mạnh quá trình này, xem chuyển đổi số là chiến lược phát triển trọng tâm và hình thành chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển chung. Đương nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT không chỉ là công việc của các đơn vị BC-TT, mà là công việc chung cả xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản và cộng đồng xã hội, những đối tượng thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ BC-TT.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh của BC-TT trong môi trường số cũng là yếu tố quan trọng. Bởi, chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: Công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới.

Thực tế cho thấy, kinh doanh trên nền tảng số có những đặc điểm khác biệt, nên cần có quy định phù hợp, mở đường cho phát triển các mô hình mới, các dạng sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như tạo cơ chế giao tiếp về nội dung, tài chính, quyền sở hữu tương thích trong môi trường số.

Do là lĩnh vực mới, cần có thực tế để hình thành các quy định phù hợp, nên trước mắt trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và đặc thù thị trường Việt Nam có thể triển khai các mô hình thí điểm, từ đó tổng kết để có những quy định phù hợp bảo đảm hài hòa các lợi ích của các chủ thể trên thị trường.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng, việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, bản lĩnh đi liền nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số là một trong những yếu tố mang tính sống còn. Bởi, nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng nhất bảo đảm thành công cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan BC-TT. 

Do thực tiễn lịch sử để lại, đa phần năng lực công nghệ của phóng viên, biên tập viên còn hạn chế so với yêu cầu tác nghiệp trên môi trường số, nên các cơ quan BC-TT cần thực hiện đào tạo bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin để phóng viên chủ động ứng dụng các công nghệ số trong tác nghiệp. Trước mắt nên hình thành bộ phận giỏi công nghệ làm hạt nhân để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mỗi cơ quan, đơn vị BC-TT.

Chưa kể, đầu tư nguồn lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện tác nghiệp trên môi trường số cũng cần được chú ý. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động kinh doanh trong môi trường số, ngoài các quy định pháp luật, ý thức và trình độ phóng viên, thì hạ tầng công nghệ hiện đại là điều kiện không thể thiếu. Do vậy cần khai thác các nguồn lực, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đi liền với tận dụng, lựa chọn các đối tác có uy tín trong hoạt động bảo mật khi thuê hạ tầng…

THÁI AN

.
.
.