Thứ Tư, 27/07/2022, 10:09 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số

(ABO) Chiều 26-7, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang chủ trì phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Quang cảnh
Quang cảnh phiên họp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa tỉnh. Trong đó đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo điều hành về công tác chuyển đổi số và hiện đang xem xét ban hành 5 văn bản về chuyển đổi số.

Về xây dựng chính quyền số, Cổng Dịch vụ công tỉnh triển khai theo hướng tập trung, kết nối và liên thông. Trong đó, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp với 648 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 37,98%, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp.

100% hồ sơ của hệ thống Cổng Dịch vụ công tỉnh Tiền Giang được đồng bộ trạng thái lên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ công tác theo dõi, giám sát, đánh giá. Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước tiếp tục được phát triển, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động và đổi mới phương thức làm việc.

Về kinh tế số, trong 6 tháng đầu năm 2022, có gần 170.247 hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên “Postmart.vn” và “Voso.vn”, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 105.336 tài khoản và đưa lên 2 sàn thương mại điện tử hơn 1.007 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn trong quý I năm 2022 đạt 3.749 giao dịch. Đồng thời, đến hết quý II năm 2022, có hơn 1.923 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx.vn”…

Về xây dựng xã hội số, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tiếp nhận 2.461 phản ánh kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp thông qua Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công 1022 Tiền Giang; gần 387.500 hộ gia đình có địa chỉ số, đạt tỷ lệ 76,54%. Đồng thời, các ngành, đơn vị, địa phương đang thúc đẩy phương thức thanh toán số không dùng tiền mặt trong các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện và cơ sở y tế.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo phù hợp với hình thức dịch vụ công trực tuyến; nâng cao công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; thanh toán trực tuyến; hóa đơn điện tử; dịch vụ bưu chính công ích trong gửi, nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã về chính quyền số; về chuyển đổi số và kỹ năng số trong doanh nghiệp…

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh việc xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về sử dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ xử lý trực tuyến của năm 2022; đề nghị các sở, ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, tích hợp, công khai thêm các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử quốc gia; tiến hành rà soát, hoàn thành lộ trình tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng thông tin điện tử quốc gia; chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh...

LÊ MINH

.
.
.