Thứ Sáu, 15/07/2022, 10:21 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời kỳ cách mạng 4.0 nhằm đáp ứng xu hướng và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trên thực tế, việc chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đang trong giai đoạn khởi đầu, do đó cần triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp (DN) là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh đang hướng đến. Để đẩy mạnh việc chuyển đổi số, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và DN.
Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và DN.

Nằm trong xu hướng chung của cả nước, Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch 370 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài việc thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc chuyển đổi số trong cộng đồng DN. Điều này đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch hỗ trợ DN vừa và nhỏ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước và DN, ngày 13-7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (VNPT Tiền Giang) Phan Thành Lâm việc chuyển đổi số hiện nay không khó về mặt công nghệ, chi phí, mà khó nhất là về nhận thức. Muốn mang đến thành công, tất cả mọi người phải nhận thức được chuyển đổi số là thay đổi cách thức làm việc từ truyền thống, thủ công sang môi trường công nghệ, mạng. Việc này ban đầu sẽ khó.

Tuy nhiên, khi cố gắng vượt qua chúng ta sẽ nhận thấy giá trị mang lại rất cao. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, Nhà nước cần có những thể chế, quy định để khuyến khích người dân, DN cùng chính quyền thực hiện chuyển đổi số. Việc chuyển đổi không thể chỉ diễn ra trong cơ quan nhà nước, DN mà người dân cũng phải tham gia. Như vậy, việc triển khai mới thành công.

Hướng đến Chính phủ số

Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Hay nói một cách khác, đây là quá trình tin học hóa các hoạt động của Chính phủ.

Chính phủ số là Chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số, cho phép DN cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Hay nói một cách khác, đây là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Điểm khác nhau giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số là gì? Chính phủ điện tử là Chính phủ tin học hóa quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đã có. Chính phủ số là Chính phủ chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ mới.

Một trong những thước đo chính của Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Còn một trong những thước đo chính của Chính phủ số là số lượng dịch vụ hành chính công giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên, nhờ có công nghệ số và dữ liệu.

Chính quyền số là gì? Chính quyền số là Chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Có ba mức độ phát triển. Đầu tiên là Chính phủ điện tử. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ tập trung vào việc số hóa các nguồn tài nguyên, ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phát triển cao hơn là Chính phủ số. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành và cung cấp các dịch vụ số một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, DN một cách tối ưu dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu, lấy dữ liệu là trung tâm. Để tiến tới mức độ phát triển này, cơ quan nhà nước các cấp từng bước cung cấp dữ liệu mở và mở dữ liệu. Hoạt động này cũng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cao nhất là Chính phủ thông minh. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ kiến tạo sự phát triển bền vững, cung cấp các dịch vụ đổi mới, sáng tạo, có tính dự báo trước cho người dân và DN dựa trên các công nghệ số và mô hình cung cấp dịch vụ mới, được tối ưu hóa. Sau Chính phủ thông minh là gì thì phụ thuộc tương lai.

Các mức độ phát triển nói trên không mang tính tuần tự, không mang tính phủ định lẫn nhau. Ngay ở mức độ phát triển Chính phủ điện tử đã hình thành các yếu tố của Chính phủ số và Chính phủ thông minh. Ngược lại, ở mức độ phát triển Chính phủ số và Chính phủ thông minh vẫn có đầy đủ các đặc trưng của Chính phủ điện tử.

Tại sao phải phát triển Chính phủ số? Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Ví dụ, việc chuyển hoạt động của Chính phủ lên môi trường số bao hàm cả việc chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước lên môi trường số.

Thay vì tiến hành kiểm tra trực tiếp tại DN theo cách truyền thống, cơ quan chức năng thực hiện thanh tra trực tuyến, thông qua các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được kết nối. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước thực hiện từ xa trên môi trường số. Còn tỷ lệ này năm 2030 là 70% (Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ).

Cũng theo ông Phan Thành Lâm , thời gian qua, VNPT Tiền Giang đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ngoài giải pháp về công nghệ thông tin còn có giải pháp về hạ tầng và nhân lực. Qua quá trình tìm hiểu, khảo sát các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, đa phần các DN cũng muốn chuyển đổi số.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là lòng tin. Do đây là lĩnh vực mới cũng có nhiều rủi ro nên DN còn ngại chuyển đổi số. Xác định vai trò và trách nhiệm, VNPT Tiền Giang luôn nỗ lực tìm các giải pháp, sản phẩm công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Trần Văn Dũng, mục tiêu hội thảo hướng đến là để các cơ quan quản lý nhà nước, DN trên địa bàn tỉnh nhận thức việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu hiện nay. Bởi nếu chúng ta không thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ thì sẽ bị tụt hậu. Đối với cơ quan nhà nước, Sở TT-TT đưa ra các giải pháp thông qua các diễn giả của các tập đoàn công nghệ, DN cung ứng công nghệ số để hiểu sâu hơn về quá trình chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước sẽ triển khai mạnh mẽ việc số hóa, xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiện đại, phục vụ người dân tốt hơn. Đối với DN, chuyển đổi số cũng đang là vấn đề cần đặt ra. Hội thảo lần này nhằm giúp các DN hiểu được quá trình chuyển đổi số diễn ra như thế nào. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số trải qua 3 cấp độ khác nhau.

Đầu tiên là phải số hóa các đối tượng vào không gian số để quản trị tối ưu các nguồn lực và mang lại hiệu quả cao nhất trong nội tại DN. Sau khi số hóa, DN phải có mô hình quản trị hiện đại, mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Khi có được mô hình đó, DN cần phải có cách tổ chức mô hình này để mang lại giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận, sự phát triển bền vững cho DN.

Cũng theo đồng chí Trần Văn Dũng, các nội dung diễn giả đã trình bày và giải đáp trong buổi hội thảo cho thấy bức tranh chuyển đổi số trong thời gian tới có nhiều thuận lợi và thách thức. Do đó, cần phải có sự đồng hành trong thời gian tới để phát triển kỹ thuật số và kinh tế số trong DN. Với các ý kiến của các đại biểu, ngành TT-TT sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu hơn để phát triển chuyển đổi số toàn diện trong chính quyền, DN và người dân.

M. THÀNH - A.P

.
.
.