Bài 1: Nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong chặng đường phát triển sắp tới. Tiền Giang đã quyết định chọn ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh. Để bắt nhịp với xu thế này, các “chìa khóa” để vận hành chuyển đổi số đã dần trở thành yếu tố then chốt dẫn dắt, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, góp phần cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia đạt hiệu quả và hoàn thiện.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thăm Công ty TNHH Thabico Tiền Giang. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Tiền Giang xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những khâu đột phá quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tại chỗ là hạt nhân để nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng Chỉ số PCI của Tiền Giang năm 2021 đã có sự cải thiện. Đây cũng là mục tiêu của Tiền Giang đặt ra trong những năm tới.
THAY ĐỔI ĐIỀU HÀNH
Kết quả khảo sát được công bố gần đây cho thấy, Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Trung bình với 64,41 điểm, tăng 12 bậc và tăng 1,63 điểm so với năm 2020; trong đó có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, có 4 chỉ số thành phần giảm điểm.
Từ kết quả trên có thể thấy rằng, dù trong bộn bề khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính quyền các cấp, Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sự điều hành linh hoạt trong phát triển kinh tế - xã hội, triển khai kịp thời các chính sách phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh đã tác động lớn đến Chỉ số PCI của tỉnh.
Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang cho rằng, cơ địa phát triển của tỉnh không còn nhiều nên việc thúc đẩy mang tính động lực cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới nằm ở yếu tố con người, chất lượng điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp. Việc thực hiện Chỉ số PCI là kết quả tổng hợp của các ngành, các cấp, địa phương, không phải thể hiện chất lượng điều hành của UBND tỉnh. Chính vì vậy, việc thực hiện Chỉ số DDCI rất cần thiết. Nếu cải thiện được chỉ số này thì sẽ giúp cho sự phát triển của các DN ở tỉnh được tốt hơn. Việc phát triển các DN hiện nay là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GRDP của tỉnh. Sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp phải vì mục tiêu giúp các DN phát triển. Khi làm được điều này sẽ thúc đẩy trở lại sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
Phân tích của Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Đậu Anh Tuấn cho thấy, sau nhiều năm trồi sụt, Chỉ số PCI năm 2021 của Tiền Giang đã “leo” lên hạng 33 và đây cũng là mức tốt nhất trong 5 năm qua. Dù nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều kiện chưa thuận lợi, hạ tầng đang phát triển, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhưng chất lượng điều hành của Tiền Giang nhìn chung ở mức tương đối cao so với các khu vực khác.
Một trong những điểm nhấn trong PCI năm 2021 của Tiền Giang là một số chỉ số thành phần tăng mạnh, đặc biệt là tính năng động của bộ máy chính quyền. “Nhìn chung, các DN đánh giá vai trò của chính quyền tương đối tích cực. Cụ thể như khi có những vấn đề mới phát sinh đối với DN, tỷ lệ giải quyết cũng tương đối cao; việc đối thoại DN cũng có kết quả tương đối tích cực” - ông Đậu Anh Tuấn thông tin.
Bên cạnh điểm nhấn về tính năng động, điểm tích cực của Chỉ số PCI trong năm 2021 của Tiền Giang là thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh hơn nhiều địa phương khác. Theo đó, DN chỉ mất khoảng 7 ngày làm việc để đăng ký DN, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành; chỉ 5% DN phải chờ hơn 1 tháng là hoàn thành tất cả thủ tục để chính thức hoạt động. Bộ phận Một cửa nhìn chung hỗ trợ khá tốt các thủ tục liên quan đến đăng ký DN; niềm tin vào các thiết chế pháp lý tại địa phương được củng cố. Một điểm nổi bật nữa của Tiền Giang là môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh lành mạnh hơn nhiều địa phương khác trong vùng (xếp thứ 3 trong khu vực ĐBSCL).
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ
Trên bình diện chung, Chỉ số PCI của Tiền Giang trong năm 2021 dù có cải thiện nhưng chỉ nằm ở mức trung bình của khu vực và cả nước. Nhiều chỉ số thành phần cần được cải thiện để nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh.
Dựa trên kết quả Chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, những khía cạnh Tiền Giang cần cải thiện là việc DN tiếp cận đất đai còn khó khăn. Kết quả khảo sát cho thấy, khá nhiều DN gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục pháp lý về cấp phép kinh doanh có điều kiện. Qua khảo sát, một số DN cho biết, cần được hỗ trợ tiếp cận dễ dàng hơn một số loại thông tin và tài liệu; tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng cần tiếp tục nỗ lực CCHC, đặc biệt là ở những lĩnh vực còn gây nhiều phiền hà cho DN.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tăng cường tiếp xúc, hỗ trợ khó khăn cho DN. |
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang, từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, ổn định, hiệu quả, thể hiện sự chuyên nghiệp, hiện đại. Trung tâm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu dịch vụ hành chính công của người dân, tổ chức và DN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, DN và cơ quan nhà nước. Trung tâm đang tiếp nhận và giải quyết khoảng 1.400 thủ tục hành chính. Từ tháng 12-2021 đến tháng 8-2022, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 109.000 ngàn hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến gần 18.000 hồ sơ (đạt hơn 16%); đã giải quyết hơn 108.000 hồ sơ, trước hạn chiếm 65%, đúng hạn hơn 29% và trễ hạn chiếm 4,5%. |
Nhìn ở khía cạnh khác, cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, trong năm 2021, tỷ lệ DN ở tỉnh báo lãi giảm và báo lỗ tăng so với năm 2020. Nhìn chung, đa số DN nhìn nhận tích cực về nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 của chính quyền tỉnh nhưng cũng cần tiếp sức cho DN tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong 2 năm tới, chỉ có khoảng 30% DN tư nhân tại Tiền Giang có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước. Sau đại dịch, DN ở Tiền Giang cần được hỗ trợ nhiều hơn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng và nhân sự phù hợp”- ông Đậu Anh Tuấn phân tích thêm.
Nhìn nhận những hạn chế về Chỉ số PCI của tỉnh, tại Hội nghị đánh giá Chỉ số PCI và triển khai đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) vào chiều 28-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho toàn cơ quan, đơn vị nhận thức rõ tầm quan trọng của việc CCHC, nâng cao Chỉ số PCI; quán triệt nâng cao nhận thức về ý nghĩa và sự cần thiết của việc khảo sát đánh giá Chỉ số DDCI trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra trong thi hành công vụ; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, khó khăn cho DN và cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngoài ra, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công tác niêm yết công khai, hướng dẫn rõ ràng và đầy đủ các bộ thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa; tăng cường thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Một cửa điện tử của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Để nâng cao Chỉ số PCI, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương nghiên cứu để tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp và giảm thời gian cấp phép; công khai rộng rãi bằng nhiều hình thức các thủ tục hành chính và tài liệu quy hoạch, pháp lý, đảm bảo mọi người dân và DN có thể tiếp cận được; tăng cường đối thoại DN, lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân.
ANH PHƯƠNG - M. THÀNH
(Còn tiếp)