Thứ Sáu, 11/08/2023, 09:24 (GMT+7)
.

Chuyển đổi số - Bước đột phá cho doanh nghiệp

Với động thái vào cuộc tích cực và quyết liệt, Tiền Giang đã chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp thuận tiện tiếp cận ứng dụng công nghệ, nền tảng số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tiền Giang luôn xác định, chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh. Công nghiệp hóa là chuyển đổi số lĩnh vực chế biến, chế tạo; còn hiện đại hóa là chuyển đổi số toàn diện, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tham quan và trải nghiệm sản phẩm chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tham quan và trải nghiệm sản phẩm chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột, đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Và ngay từ năm 2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Nhờ triển khai quyết liệt và đồng bộ, trong những năm qua, Tiền Giang đạt được những kết quả rất tích cực về chuyển đổi số. Riêng năm 2022, xếp hạng chuyển đổi số của Tiền Giang đứng thứ 20 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021 và đứng thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 14, kinh tế số xếp thứ 11 và xã hội số xếp thứ 12.

Chiều 9-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu chủ trì Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Hội thảo đã thu hút trên 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, mô hình, định hướng thiết thực và nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại diện các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, giải pháp số và nhiều ý kiến trao đổi, tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh… trong và ngoài tỉnh.

Dịp này, các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 244.500 hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa, cập nhật vào hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp 1.305 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 44,33% (tương đương 108.413/244.534 hồ sơ). Đã có hơn 1,1 triệu văn bản được gửi, nhận trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Trong đó, trên 95% văn bản ký số đảm bảo giá trị pháp lý theo quy định. Hơn 49% người dân (560.371/1.132.429 tài khoản) có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có được kết quả bứt phá trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia hưởng ứng trách nhiệm, nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp. Tiền Giang cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Thông tin và Truyền thông, từ các doanh nghiệp, tập đoàn cung cấp nền tảng số, giải pháp số. Bên cạnh đó, Tiền Giang đã có lộ trình về chuyển đổi số rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên, với phương châm lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện. Tiền Giang cũng đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số một cách tích cực, thường xuyên. Thông qua truyền thông đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, dẫn đến thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số và làm việc với công nghệ số…

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP

Tiền Giang đã có một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số doanh nghiệp để cung cấp thông tin về chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá về các giải pháp và ứng dụng các nền tảng số để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Cùng với đó là hỗ trợ phát triển trang thương mại điện tử cho doanh nghiệp (bao gồm: Thiết kế website, hosting, tên miền “.vn”, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử…); hỗ trợ doanh nghiệp 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 5 triệu đồng/doanh nghiệp, không quá 20 doanh nghiệp/năm.

Tại Hội thảo “Tăng tốc Chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang.
Tại Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Đậm cho biết, đơn vị tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình trong kế hoạch đã được phê duyệt; tập trung phát triển Khu công nghiệp phần mềm Mekong để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, phần mềm và nội dung số; hỗ trợ để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mở khóa đào tạo chuyên ngành về chính quyền số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm số, giải pháp dịch vụ công nghệ số trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác.

Đối với mức hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Tiền Giang thực hiện Nghị định 80 ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định “hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa”.

Mức hỗ trợ thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng được Tiền Giang thực hiện theo Nghị định 80 của Chính phủ: “Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc, Nhà sáng lập Worldsoft và Xelex Corporation Nguyễn Ái Hữu cho biết: “Vừa qua, đơn vị khảo sát và triển khai chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như là ở một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn Tiền Giang. Bên cạnh tạo giải pháp cho doanh nghiệp, đơn vị còn hỗ trợ cho hợp tác xã, hộ nông dân thuận lợi trong tiếp cận thị trường và thông tin từ sản phẩm “Mạng nhà nông” - một giải pháp chuyển đổi số giúp nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công cụ này cung cấp các tiện ích để quản lý mùa vụ, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản; tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác và an toàn. Để các doanh nghiệp tin tưởng và áp dụng chuyển đổi số thì trước mắt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức là yếu tố rất quan trọng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho biết, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác phối hợp, kết hợp và chia sẻ giữa các đơn vị để có nguồn tài nguyên về chuyển đổi số, từ đó khai thác, quản lý hiệu quả dữ liệu số. Đây là một trong các nhiệm vụ để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội quan tâm, với mục tiêu chuyển động nhanh, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực. Hy vọng rằng, thông qua buổi hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, các doanh nghiệp, địa phương sẽ có các giải pháp riêng cho doanh nghiệp và đơn vị mình để có cơ hội phát triển nhanh và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuyên môn tiếp tục ủng hộ, tham vấn và phản biện, cũng như có sự đồng thuận tích cực của các đơn vị đồng hành trong cơ sở hạ tầng số, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân được tiếp cận và có nhiều lựa chọn hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cần chủ động và đẩy mạnh hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp thị các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản mang thương hiệu của tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang quyết tâm đến năm 2025, thực hiện cao hơn mức trung bình của cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

VĂN THẢO - LÊ MINH

.
.
.