Thứ Tư, 03/01/2024, 19:46 (GMT+7)
.

Nhiều điểm sáng trong chuyển đổi số quốc gia năm 2023

(ABO) Chiều 28-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp trực tuyến tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

a
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu; trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung để hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, có 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt 81%.

Trong năm 2023, cơ quan nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục CSDL đạt 64%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.087 CSDL. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng từ 9% lên 52% so với năm 2022.

Bộ Công an triển khai CSDL quốc gia về dân cư, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu và 537 triệu lượt đồng bộ thông tin.

Bên cạnh đó, việc xóa các điểm lõm sóng, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/2.853 vùng lõm sóng. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15% - 30% so với năm 2022.

Đến hết năm 2023, triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%. Ước tính tiết kiệm được gần 37 triệu giờ làm việc của người dân so với việc thực hiện dịch vụ công theo cách truyền thống, tương đương với tiết kiệm được 1.274 tỷ đồng.

Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng này được dự báo sẽ chậm lại trong một vài năm tới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định kinh tế số ngành, lĩnh vực là không gian mới, tiềm năng để tỷ trọng kinh tế số đạt 20% vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Theo đó, Việt Nam có tiềm năng về các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dệt may, logistics và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp và 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt trên 77% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, tăng 51% so năm 2022. Các giao dịch thanh toán được thực hiện trên môi trường mạng tăng 66% về số lượng, tăng 4% về giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng 63% về lượng và 8,8% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 124% về lượng và 16% về giá trị.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia, sự tham gia phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương và sự chung tay đồng hành của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị, cần tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới...

MINH QUANG

.
.
.