Thứ Hai, 01/04/2024, 10:58 (GMT+7)
.

Thanh toán không dùng tiền mặt vì sự tiện ích cho người dân

Thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, góp phần hạn chế lưu thông tiền mặt trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và giảm thiểu chi phí, thời gian của xã hội liên quan đến tiền mặt.

VỪA NHANH, VỪA TIỆN LỢI

Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch 57 ngày 21-2-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh như Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã thí điểm mô hình “Thanh toán không dùng tiền mặt” tại các tuyến đường Ấp Bắc, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Rạch Gầm, Lê Thị Hồng Gấm, 30-4, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Quốc Tuấn và Lê Lợi thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho.

Thực hiện nghi thức cắt băng ra mắt tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Mỹ Tho.
Thực hiện nghi thức cắt băng ra mắt tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Mỹ Tho.

Phó Giám đốc Vietcombank Tiền Giang Hà Thị Thanh Thúy cho biết, Vietcombank Tiền Giang đã tiến hành mở tài khoản cho các hộ kinh doanh, lắp đặt máy POS và đăng ký ngân hàng số Digibiz cho khách hàng. Ngân hàng cũng đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn TP. Mỹ Tho hỗ trợ mở tạo QR code miễn phí cho các hộ kinh doanh nhằm khuyến khích thanh toán ngay trên ứng dụng của ngân hàng. Đồng thời, kết hợp phương thức chạy roadshow tuyên truyền giải pháp thanh toán QR code đến người dân trên địa bàn TP. Mỹ Tho và cùng chính quyền địa phương tham gia chuỗi chương trình “Tuyến phố không dùng tiền mặt” trên tuyến đường Ấp Bắc, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến nay, Vietcombank Tiền Giang đã triển khai lắp đặt máy POS cho trên 100 đơn vị, đăng ký thực hiện giao dịch qua ngân hàng số với hơn 200 đơn vị và hỗ trợ in mã QR cho 1.500 khách hàng trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

“Kết quả bước đầu nhận thấy được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng, đa số khách hàng rất hứng thú với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vì vừa nhanh, vừa tiện lợi, giúp họ dễ dàng quản lý tiền hàng ngay trên thiết bị di động, tránh việc kiểm đếm thất thoát tiền mặt. Phương thức thanh toán mới này giúp cho cửa hàng trở nên hiện đại và chuyên nghiệp hơn” - Phó Giám đốc Vietcombank Tiền Giang Hà Thị Thanh Thúy cho biết thêm.

Ngày 29-3, đại diện 17 đơn vị UBND xã, phường thuộc TP. Mỹ Tho và 29 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ký cam kết phối hợp thực hiện nhân rộng mô hình “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

Hưởng ứng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, UBND TP. Mỹ Tho tích cực phối hợp cùng ngành Ngân hàng triển khai kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực tuyên truyền, khảo sát, đảm bảo an toàn cho hoạt động ra quân chạy roadshow tuyên truyền hưởng ứng mô hình “Thanh toán không dùng tiền mặt”. Trong đó, UBND các phường 1, 4, 5, 6, 7, 10 đã hưởng ứng triển khai thông tin, tuyên truyền để người dân được biết đến mô hình; đồng thời, cử cán bộ hỗ trợ, phối hợp cùng các ngân hàng thương mại đến khảo sát các hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp về số lượng mở tài khoản ngân hàng và nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết, năm 2023 thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý” gắn với xây dựng đô thị thông minh, các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND phường, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức. Ngoài ra, để tăng thêm tác động về nhận thức đối với người dân trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tại các bộ phận Một cửa thành phố và phường, xã, cán bộ, công chức cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công.

Đến nay, qua thời gian thực hiện khảo sát trên địa bàn TP. Mỹ Tho, có 674 điểm hộ gia đình, hộ kinh doanh, với 638 cá nhân, hộ kinh doanh có tài khoản, đạt 94,66% so với tổng số đối tượng được khảo sát; trong đó, có 289 hộ kinh doanh có mã QR, 39 hộ kinh doanh có máy POS. Còn chỉ tính trong quá trình khảo sát, người dân đã mở mới tài khoản cho 84 cá nhân, hộ kinh doanh và hỗ trợ tạo mã QR cho 51 điểm kinh doanh.

TĂNG CƯỜNG, TRẢI NGHIỆM CHO NGƯỜI DÂN

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Văn Nhựt cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo ngành Ngân hàng tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 và tạo được sự chuyển biến tích cực về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng khá cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại đến với người dân, nhất là người dân khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn. Việc triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn thành phố được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số.

Trải nghiệm phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng, siêu thị trên đường Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho).
Trải nghiệm phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng, siêu thị trên đường Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho).

Với số lượng hơn 1,7 triệu tài khoản hiện có trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang, nghiệp vụ mở mới tài khoản ngày càng tiện lợi, nhanh chóng, phương thức thanh toán ngày càng đa dạng, các chính sách ưu đãi về phí khi mở, duy trì tài khoản các ngân hàng thương mại đang áp dụng và hệ thống 877 máy POS, 92 máy ATM trên địa bàn thành phố và hơn 9.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code trên toàn tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh hy vọng rằng trong thời gian tới người dân trên địa bàn tỉnh cũng như người dân trên địa bàn TP. Mỹ Tho sẽ tích cực tham gia hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng chí Lê Thị Bé Phượng cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tập trung thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế...; chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả đã thực hiện như “Tuyến phố công nghệ số”, “Tuyến đường hạn chế thanh toán bằng tiền mặt”, “Chợ hạn chế sử dụng tiền mặt”...

Đồng thời, mong muốn ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục đồng hành cùng địa phương triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các tuyến đường trên địa bàn TP. Mỹ Tho; đẩy mạnh hoạt động truyền thông một cách đồng bộ và hiệu quả để khách hàng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phương thức thanh toán tiêu dùng, qua đó tiếp cận các tiện ích dịch vụ thanh toán điện tử; cung cấp các dịch vụ tiện ích nhất để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

LÊ MINH

.
.
.