Thứ Sáu, 17/05/2024, 09:48 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ ĐẬM:

Chuyển đổi số ngân hàng đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội

Đánh giá tổng thể về tình hình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng giữ vai trò quan trọng, là xu hướng tất yếu, có tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển bền vững của các ngân hàng. Trong thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các chương trình, kế hoạch, đề án về chuyển đổi số. Theo đó, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Trải nghiệm cùng ngân hàng số

Chuỗi hoạt động liên quan đến sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang năm 2024 sẽ diễn ra từ 17 giờ ngày 18-5 đến 11 giờ 30 phút ngày 20-5-2024. Theo đó, hoạt động tham quan, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số bắt đầu từ 17 giờ ngày 18-5, kết thúc lúc 11 giờ 30 phút ngày 20-5-2024 cùng với việc trưng bày 15 gian hàng triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh phục vụ doanh nghiệp, người dân và hội nghị diễn ra 1 buổi sáng từ 8 giờ 30 phút ngày 20-5-2024.

Đây là hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng và giới thiệu các thành tựu về chuyển đổi số của các ngân hàng trên địa bàn. Đây cũng là sự kiện đề cao tính tuyên truyền, quảng bá đến doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nhiều thiết bị công nghệ ngân hàng hiện đại, trải nghiệm nhiều tiện ích ngân hàng số.

Hoạt động tham quan, trải nghiệm giúp doanh nghiệp, người dân có thể nắm bắt được các dịch vụ ngân hàng số, có cơ hội trải nghiệm hầu hết các giao dịch ngân hàng mà không phải đến ngân hàng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại “Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định 749 ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tại tỉnh Tiền Giang, ngành Ngân hàng cũng đã có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, một cách toàn diện, bao gồm mảng hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước và mảng dịch vụ ngân hàng.

Tại NHNN chi nhánh Tiền Giang, 100% dịch vụ công, báo cáo và nghiệp vụ được triển khai, vận hành, ký số và ban hành trên môi trường số theo quy định của NHNN Việt Nam. Tại các ngân hàng thương mại, nhiều nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã chuyển đổi vận hành trên môi trường mạng như: Gửi tiền tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, chuyển tiền, liên kết đến ví điện tử…

Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai dịch vụ giao dịch thực hiện hoàn toàn trên kênh số, với tỷ lệ 66%, vượt xa kế hoạch 50% của năm 2025. Trong đó, chỉ tiêu thanh toán số tăng trưởng vượt bậc, các chỉ tiêu liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt đều có số lượng, giá trị và tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng qua các năm, cụ thể đến cuối quý I-2024 so với cùng kỳ năm 2023 giao dịch qua kênh Internet Banking tăng hơn 26% về số lượng và 79,5% về giá trị; qua kênh Mobile Banking tăng hơn 46% về số lượng và hơn 28% về giá trị; qua phương thức QRcode tăng hơn 443% về số lượng và 265% về giá trị; qua POS tăng 68,7% về số lượng và 15,7% về giá trị. Việc chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào công cuộc chuyển đổi số nói chung, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến kinh tế số, xã hội số.

Ra mắt tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt.
Ra mắt tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt.

* Phóng viên (PV): Vậy, đâu là những khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Bên cạnh những thành tựu đạt được, chuyển đổi số ngành Ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức phía trước, đó là: Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cần phải đổi mới, thích ứng; một số cơ sở pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ, cần được tiếp tục rà soát, bổ sung và ban hành.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là thách thức không nhỏ trong quá trình chuyển đổi số của ngành. Việc mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng còn khó khăn; sự đồng bộ và chuẩn hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác còn chưa thật sự thông suốt; cơ sở hạ tầng phân bố chưa đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Xu hướng tội phạm công nghệ cao, rủi ro an ninh mạng, nhất là rủi ro trong giao dịch điện tử ngày càng tăng; nhận thức của các bên liên quan, người dùng về chuyển đổi số còn hạn chế. Một bộ phận người dân, nhất là khách hàng lớn tuổi, ở khu vực nông thôn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán số.

Ngoài những khó khăn chung trong quá trình triển khai chuyển đổi số của toàn ngành, ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang còn một số vướng mắc như: Phần lớn khách hàng đã quen với các giao dịch truyền thống, khả năng tiếp cận dịch vụ hiện đại đang còn hạn chế, đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi nên các ngân hàng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra.

Mô hình Ngân hàng số tại Agribank chi nhánh Tiền Giang.
Mô hình Ngân hàng số tại Agribank chi nhánh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, việc thống kê số lượng tài khoản của người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đang còn hoạt động và chỉ tiêu ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử tính trên phạm vi của tỉnh chưa có công cụ để đánh giá, thống kê chính xác để loại bỏ sự trùng lặp dữ liệu của khách hàng tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.

* PV: Những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Trên cơ sở bám sát định hướng, chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm phát huy những thành tựu đạt được và từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức, ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch Chuyển đổi số, Đề án 06 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của ngành, của tỉnh, sớm đạt được các mục tiêu đề ra; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng cường nguồn lực cho chuyển đổi số; nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ số tiện ích, chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt mục tiêu mở rộng kết nối, phát triển hệ sinh thái số, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với sở, ngành tỉnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội và tích cực phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan được giao tại Đề án 06 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, ngành Ngân hàng tăng cường công tác thông tin, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đối số, nâng cao kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trên kênh số an toàn, hiệu quả.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.