.

Tiền Giang: Gỡ khó, tạo đột phá từ chữ ký số cá nhân

Cập nhật: 10:00, 18/06/2024 (GMT+7)

Chữ ký số (CKS) cá nhân là một dạng chữ ký điện tử, được xem là giải pháp quan trọng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Công cụ này đóng vai trò quan trọng giúp người dân thực hiện các DVCTT toàn trình đảm bảo linh hoạt ký duyệt mọi lúc, mọi nơi, rút ngắn tối đa thời gian giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý,  điều hành, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa quốc gia.

GIẢI PHÁP CKS CÁ NHÂN TỪ XA

Ký số từ xa (remote signing) là giải pháp ký số mới, ứng dụng công nghệ đám mây (cloud-based) để ký số, tiện lợi hơn việc sử dụng thiết bị ký số như USB token hay SIM (ký số từ xa là giải pháp ký số “mềm” thay cho ký số “cứng”).

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, Viettel Tiền Giang và VNPT Tiền Giang phối hợp thảo luận giải pháp CKS cá nhân từ xa.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, Viettel Tiền Giang và VNPT Tiền Giang phối hợp thảo luận giải pháp CKS cá nhân từ xa.

Giải pháp này cho phép người dùng ký kết các giao dịch điện tử ngay trên điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet, ở mọi lúc, mọi nơi. Khác với ký số thông thường, ký số từ xa sẽ không cần đến thiết bị phần cứng hay máy tính có cài đặt phần mềm để thực hiện ký số.

Hiện nay, quá trình sử dụng một số giao dịch điện tử toàn trình đòi hỏi phải có CKS cá nhân vì có tính pháp lý thay thế chữ ký tay và con dấu, rút ngắn quy trình thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch điện tử. CKS cá nhân là giải pháp ký số từ xa đảm bảo tính an toàn và có giá trị pháp lý trong các ứng dụng giao dịch điện tử tương tự ký số truyền thống, giúp người dân thực hiện DVCTT toàn trình nhanh gọn, kịp thời.

Do đó, ngày 24-6-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 42 về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, từ ngày 15-8-2022, DVCTT chỉ còn 2 mức độ: Toàn trình và một phần (thay vì 4 mức độ như trước đây).

Đối với việc áp dụng quy trình toàn trình cho DVCTT, việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đều có thể được thực hiện trên môi trường mạng, từ đó đặt ra yêu cầu đối với các thủ tục hành chính có yêu cầu người nộp đơn, tài liệu thực hiện dịch vụ công phải ký vào bản giấy thì nay cần phải có giải pháp tương đương trên môi trường mạng đó là dùng CKS cá nhân để ký các hồ sơ nộp trực tuyến.

Cụ thể, CKS từ xa được sử dụng phổ biến trong thực hiện ký số nộp các tài liệu, hồ sơ trực tuyến cho các DVCTT; hoàn tất các thủ tục hành chính như kê khai và nộp thuế trực tuyến, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, khai báo hải quan, ký xuất đơn điện tử qua mạng Internet…; thực hiện ký kết các giao dịch mua bán hàng trực tuyến, chuyển tiền ngân hàng; CKS dùng để xác thực trong giao dịch chứng khoán trực tuyến; xác nhận, ký kết các văn bản, hợp đồng giao dịch điện tử bằng thiết bị di động đã tích hợp khóa ký số mà không cần mang theo máy tính và token…

Để công cụ giải pháp CKS được tiếp cận, phổ biến trong cộng đồng và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 130 ngày 6-10-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng cung cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trong khi đó, trên địa bàn Tiền Giang hiện có 2 đơn vị VNPT Tiền Giang và Viettel Tiền Giang cung cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Phó Giám đốc VNPT Tiền Giang Nguyễn Hoài Linh cho biết, đơn vị đã đề xuất với UBND tỉnh và Trung tâm Hành chính công tỉnh cho lắp đặt một quầy giao dịch tại khu Trung tâm Hành chính công từ ngày 10-5-2024 để triển khai và hỗ trợ người dân sử dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp miễn phí CKS cá nhân để ký các hồ sơ khi người dân, doanh nghiệp giao dịch trên Cổng dịch vụ công… Do mới đưa quầy giao dịch vào hoạt động nên số lượng CKS dịch vụ công cung cấp cho người dân khi đến giao dịch chưa nhiều.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, Sở đã phối hợp với VNPT Tiền Giang, Viettel Tiền Giang tập huấn cho hơn 8.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về quy trình ký số các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

Đồng thời, các đơn vị cung cấp dịch vụ CKS từ xa đã tích cực, chủ động phối hợp Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo lập CKS cá nhân miễn phí, hướng dẫn người dân cách sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử, đặc biệt là ký số trong việc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng chứng thư CKS 6 tháng đầu năm 2023 của Tiền Giang là 4.479 CKS từ xa, tốc độ phát triển chứng thư CKS từ xa của tỉnh tăng 36,8% so cùng kỳ. Với tính hiệu quả, tiện lợi trong sử dụng CKS từ xa, thời gian tới, các doanh nghiệp cung cấp CKS cá nhân sẽ tiếp tục hướng dẫn và cung cấp miễn phí cho người dân tỉnh nhà trong việc sử dụng ký số đối với các DVCTT của tỉnh.

NHANH CHÓNG GỠ KHÓ

Hiện nay, CKS cá nhân đang được sử dụng chủ yếu trong một số lĩnh vực như kê khai và nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; còn hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, kể cả ngân hàng hay mua sắm trực tuyến là những lĩnh vực có tiềm năng nhất cho việc sử dụng CKS cá nhân, thì việc ứng dụng trên thực tế chưa nhiều. Thiếu môi trường, ứng dụng cho việc sử dụng CKS cá nhân.

Đại diện VNPT Tiền Giang tập huấn đăng ký và hướng dẫn sử dụng CKS cá nhân từ xa cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các điểm cầu trên địa bàn Tiền Giang.
Đại diện VNPT Tiền Giang tập huấn đăng ký và hướng dẫn sử dụng CKS cá nhân từ xa cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các điểm cầu trên địa bàn Tiền Giang.

Về phía cá nhân người sử dụng, có thể đánh giá sự tiện lợi trong ứng dụng thực tế chưa tương xứng với phát triển về mặt công nghệ: Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, văn bản, giấy tờ, hợp đồng trong các lĩnh vực thì việc ký tay vẫn được người dân và doanh nghiệp sử dụng phổ biến hơn. Lý do đến từ ngại thay đổi thói quen, ngại tiếp cận công nghệ mới… là những trở ngại lớn nhất cho việc phổ cập CKS cá nhân.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, hiện đang tập trung hơn vào việc thúc đẩy và triển khai cung cấp CKS cho người dân, chưa chú trọng nhiều vào việc phát triển môi trường, ứng dụng ký số cũng như đưa ra các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích hay chế tài cho việc sử dụng CKS.

Hiện tại, hầu hết các cơ quan, đơn vị cung cấp thủ tục hành chính công vẫn còn chấp nhận hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, người dân đã được cấp CKS cũng không nhất thiết phải sử dụng. Nhiều trường hợp người dân sử dụng DVCTT nhưng vẫn yêu cầu bản cứng.

Hạn chế trong hoạt động tuyên truyền, truyền thông về CKS, trong khi tuyên truyền về CKS ngoài đối tượng chính là người dân còn cần hướng tới các đối tượng trực tiếp tiếp nhận, xử lý văn bản điện tử, hồ sơ thủ tục hành chính.

Phó Giám đốc VNPT Tiền Giang Nguyễn Hoài Linh cho biết, thời gian tới, ngoài việc chủ động triển khai cung cấp dịch vụ CKS từ xa thông qua lực lượng nhân viên kinh doanh của VNPT tại các khu vực trên toàn tỉnh, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn Thanh niên, bộ phận tiếp nhận Một cửa của các địa phương… để phối hợp triển khai giới thiệu, hướng dẫn cài đặt và sử dụng chữ ký từ xa để ký số các thủ tục hành chính công.

Đồng thời, VNPT Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cài đặt và sử dụng miễn phí CKS từ xa trong các giao dịch hành chính công trực tuyến, giúp người dân có điều kiện trải nghiệm và tiếp cận nhanh hơn với các giao dịch trực tuyến, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

Đồng chí Trần Văn Dũng cho biết, để thúc đẩy việc sử dụng CKS, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, tổ chức các chương trình tập huấn, truyền thông về việc thúc đẩy sử dụng CKS cá nhân trong các dịch vụ công nói riêng và các giao dịch điện tử nói chung.

Các địa phương chưa triển khai chương trình cấp CKS miễn phí cho người dân cần lên kế hoạch cụ thể, chỉ tiêu cho từng địa bàn để triển khai thực hiện; đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, rà soát các ứng dụng thực tiễn của CKS trong đời sống người dân và tiếp tục triển khai chương trình cấp miễn phí CKS cho người dân.

Bên cạnh đó là thực hiện và phối hợp triển khai các chính sách thúc đẩy, tăng cường sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử tại địa phương; thúc đẩy dịch vụ công toàn trình tiến đến 100% dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đều sử dụng CKS để giảm bớt thời gian, thủ tục giấy tờ của người dân.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia hoàn thành việc tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của địa phương, để tạo thuận lợi cho người dân tham gia các thủ tục hành chính; tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng CKS cá nhân qua các nhà cung cấp CKS, qua sự hướng dẫn tạo lập CKS và “cầm tay chỉ việc” của Tổ công nghệ số cộng đồng trong sử dụng dịch vụ hành chính công.

HÀ NAM - LÊ MINH

.
.
.