Tiền Giang: Nỗ lực gỡ khó, tạo bước chuyển hiệu quả mới
Tỉnh Tiền Giang vừa triển khai đánh giá tình hình công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 trong 8 tháng năm 2024 và thực hiện các Chỉ số: PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI, DTI, ICT Index, PACA năm 2023 của tỉnh. Bên cạnh những bước chuyển tích cực trên nhiều lĩnh vực, thì còn không ít những khó khăn, vướng mắc và cần có những giải pháp gỡ khó mang tính đồng bộ hơn.
HIỆU QUẢ TRIỂN KHAI
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động ban hành 12 văn bản quan trọng, bao gồm 4 kế hoạch, 3 quyết định, 4 công văn và 1 thông báo, đảm bảo sự triển khai đầy đủ và kịp thời. Các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nhanh chóng ban hành văn bản triển khai theo hướng dẫn của tỉnh.
Hội nghị là cơ hội để các cơ quan, đơn vị liên quan thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại. |
Sở Tư pháp và các địa phương đã thực hiện tốt công tác cải cách thể chế. Cụ thể, các ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 22 nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành 19 quyết định quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như: Tài nguyên môi trường, nội vụ, nông nghiệp, tài chính, xây dựng và giáo dục.
Đồng thời, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra, rà soát 19/19 quyết định do UBND tỉnh ban hành (tăng 10 văn bản so với cùng kỳ năm trước) và kiểm tra 13 văn bản do cấp huyện ban hành; qua đánh giá, không phát hiện sai sót hay văn bản không phù hợp.
Bên cạnh đó, Đề án 06 và chuyển đổi số đã góp phần quan trọng vào việc cải cách thủ tục hành chính đổi mới. Tổng số thủ tục hành chính hiện có là 1.787; trong đó 1.480 thủ tục cấp tỉnh, 217 thủ tục cấp huyện và 90 thủ tục cấp xã.
Dịch vụ công trực tuyến đã gia tăng đáng kể, với 1.701/1.787 thủ tục được cung cấp trực tuyến; trong đó, số thủ tục hành chính cung cấp thông tin trực tuyến là 86 thủ tục (4,81%), dịch vụ công trực tuyến một phần là 486 thủ tục (27,2%) và dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.215 (67,99%). Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến toàn tỉnh đạt 52,45%, với tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98,77%, giảm tỷ lệ trễ hạn xuống còn 1,23% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nhất là công tác xây dựng, phát triển chính quyền số, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã xử lý hơn 1,1 triệu văn bản được gửi, nhận trên hệ thống, với hơn 95% văn bản ký số đảm bảo giá trị pháp lý theo quy định. 100% các cơ sở y tế và giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, nhiều ngành, lĩnh vực đã có những bước tiến rõ nét trong công cuộc thực hiện Đề án 06. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, người dân không cần mang thẻ Bảo hiểm y tế mà chỉ cần thẻ Căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh, với tỷ lệ sử dụng thẻ Căn cước công dân đạt 71,66%.
Lĩnh vực thuế đã rà soát 93.475/99.924 mã số thuế, đạt 93,55%; trong đó có 40.231 mã số thuế khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm 40,26%. Lĩnh vực bảo hiểm có 17.771/22.734 người nhận lương hưu và bảo hiểm xã hội qua tài khoản (đạt 78,2%) và 18.973/18.994 người nhận trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản (đạt 99,9%). Lĩnh vực tài chính với tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt từ 98,5% trở lên; 100% người dân đóng tiền điện, nước qua ví điện tử và tài khoản ngân hàng.
Đồng thời, tính đến ngày 21-8-2024, hệ thống định danh điện tử ghi nhận trên địa bàn tỉnh có 1.704.824 công dân có thẻ Căn cước công dân và thẻ Căn cước, còn 357.020 công dân chưa cấp thẻ Căn cước; thu nhận và kích hoạt cho 1.185.459 tài khoản định danh điện tử mức 2. Riêng trong 8 tháng năm 2024, tỷ lệ giải quyết 25 thủ tục hành chính thiết yếu qua dịch vụ công trực tuyến đạt 95,73%, tăng 51,11% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang hiện xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số chuyển đổi số. Riêng năm 2023, đánh dấu một bước chuyển tích cực của tỉnh trong các chỉ số đánh giá quan trọng; cụ thể: Chỉ số PAR Index của tỉnh đạt 85,77 điểm, tăng 3,19 điểm so với năm 2022 (82,58 điểm); chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 80,25 điểm, tăng 3,69 điểm so với năm 2022 (76,56 điểm); chỉ số PCI của tỉnh đạt 66,8 điểm, tăng 3,63 điểm so với năm 2022 (63,17 điểm).
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chưa tiệm cận được mục tiêu mà Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy đề ra (mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang nằm trong tốp 30, nhưng hiện nay đang ở vị trí 50).
Số lượng đối tượng hưởng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện chi trả (mới đạt 21,51%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 52,45% (tăng 8,12% so với 6 tháng đầu năm 2023), đã vượt 2,45% so với yêu cầu tại Nghị quyết 02 năm 2024 của Chính phủ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu 80% của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa nhưng chưa có giá trị tái sử dụng và phần đông người dân ở cấp xã chưa thể trực tiếp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Sau khi phân tích, đánh giá các chỉ số, thấy rằng có một số vấn đề tồn tại, hạn chế là nguyên nhân dẫn đến các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS tuy có tăng hạng nhưng vẫn còn một số lĩnh vực và chỉ số thành phần chưa đạt điểm, giảm điểm, giảm thứ hạng.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 trong 8 tháng năm 2024 và thực hiện các chỉ số trong năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy, giữ vững, nâng cao hơn nữa các kết quả đã đạt được và tiếp tục xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới. Đối với các tồn tại, hạn chế thì cần rà soát lại các chỉ số đang tụt điểm, tụt hạng để kịp thời đưa ra các giải pháp; tiếp tục tăng cường, chủ động công tác tuyên truyền nội dung, hình thức phù hợp đối tượng tiếp cận cho từng giai đoạn; pháp huy và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các ngành, các cơ quan, đơn vị; phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương và tăng cường kiểm tra, giám sát… |
Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn tỉnh 4 tháng cuối năm 2024, góp phần thực hiện tốt các chỉ số: PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI, DTI, ICT Index, PACA năm 2024 của tỉnh Tiền Giang, trước hết, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm, phải đề ra được các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nội dung này trong 4 tháng cuối năm 2024; nhất là đánh giá hiệu quả trong thực hiện, nhận diện và thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn tồn tại, hạn chế, chậm thay đổi so với thực tế, những vấn đề là “điểm nghẽn”, còn khó khăn, vướng mắc về pháp lý, hạ tầng, an ninh an toàn, dịch vụ công, kinh phí, nguồn nhân lực…
Từ đó đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên làm trước và giải quyết dứt điểm từng nhiệm vụ trong 4 tháng cuối năm 2024 và hướng tới hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, các mục tiêu của Đề án 06 đã đề ra và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Tiền Giang.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để tập trung thực hiện các nhiệm vụ về Đề án 06, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh 4 tháng cuối năm 2024 nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp vào sự phục vụ của cơ quan nhà nước.
Đồng thời, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, cần kết hợp với tuyên truyền về chuyển đổi số và Đề án 06, đảm bảo cụ thể, hiệu quả, tiết kiệm, đồng bộ trong quá trình thực hiện từ tỉnh đến cơ sở để tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội, người dân…
LÊ MINH - T.T