Mỹ Tho hướng tới đô thị thông minh
Thời gian qua, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang không ngừng nỗ lực thực hiện các dự án xây dựng đô thị thông minh. Đây là một bước đi chiến lược nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
VẬN HÀNH THÔNG SUỐT
Những năm qua, TP. Mỹ Tho tập trung nỗ lực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được thành phố tăng cường triển khai sử dụng trong cơ quan nhà nước để phục vụ công tác cải cách hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hoạt động giám sát thông tin tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Mỹ Tho. |
Một trong những yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số là hạ tầng kỹ thuật CNTT. Tại Mỹ Tho, cơ sở hạ tầng CNTT đã từng bước được hoàn thiện và củng cố, làm nền tảng cho việc liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Hiện tại, tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, 100% máy vi tính được trang bị cho cán bộ, công chức.
Mỗi máy vi tính đều được kết nối với mạng nội bộ và Internet, cũng như các phần mềm ứng dụng CNTT phục vụ công tác. Hệ thống này không chỉ đảm bảo tính liên thông giữa các cơ quan, mà còn giúp tiết kiệm thời gian trong việc xử lý công việc. Các máy vi tính cũng được cài đặt phần mềm diệt vi rút bản quyền, bảo vệ an toàn thông tin và tránh rò rỉ dữ liệu quan trọng.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng đã bố trí công chức kiêm nhiệm phụ trách CNTT, đảm bảo việc quản lý và vận hành hạ tầng CNTT luôn diễn ra suôn sẻ. Đến nay, việc thực hiện cơ sở hạ tầng CNTT của thành phố thể hiện qua số liệu cụ thể: 293 máy tính để bàn, 37 máy tính xách tay, 158 máy in và 29 máy scan được trang bị tại các phòng chuyên môn, cùng 546 máy tính để bàn và 44 máy tính xách tay tại UBND phường, xã.
Bên cạnh đó, chính quyền số là một trong những trụ cột quan trọng trong kế hoạch xây dựng đô thị thông minh của Mỹ Tho, với phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho 127 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố và 2.311 tài khoản sử dụng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 212.423 văn bản đến, phát hành 42.437 văn bản đi qua hệ thống văn phòng điện tử. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian trong việc xử lý văn bản, mà còn nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Việc ứng dụng chữ ký số cũng được triển khai mạnh mẽ, với tỷ lệ lãnh đạo thành phố đã được cấp chứng thư số đạt 100%. Trong đó, có 43 cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số, với tổng số chứng thư số cá nhân là 343. Qua kiểm tra, việc phát hành văn bản điện tử được ký số đảm bảo theo quy định, với tổng số văn bản ký số từ đầu năm 2024 đến nay đạt 32.599 văn bản.
Hệ thống email công vụ cũng đã được triển khai, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp Hộp thư điện tử phục vụ cho việc gửi, nhận và trao đổi thông tin. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả làm việc, mà còn đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình trao đổi công việc.
TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN CÁC LĨNH VỰC
Chuyển đổi số đã tạo ra những điểm mới tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội của thành phố. Trong lĩnh vực giáo dục, 100% cơ sở giáo dục đã thực hiện báo cáo định kỳ và thống kê qua phần mềm báo cáo của ngành. Các trường học cũng đã triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt và số hóa tài liệu, giáo trình. Trong năm học 2023 - 2024, số lượng bài giảng điện tử và học liệu điện tử đạt 66.849 bài.
Hưởng ứng “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” năm 2024 trên địa bàn TP. Mỹ Tho, Viettel Tiền Giang tạo điều kiện cho người dân trải nghiệm không gian số 3D nhà Bạch Công Tử. |
Trong lĩnh vực y tế, thành phố đã tuyên truyền và hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh qua Tổng đài 1080, với trên 500 lượt người đã thực hiện. Thêm vào đó, việc tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân có gắn chíp cũng đạt tỷ lệ cao, với 104.859/119.645 trường hợp, đạt 87,64%, cho thấy người dân đang dần quen với việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, UBND thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng VNPT Tiền Giang để tiếp nhận hình ảnh từ Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Tiền Giang, phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông và trật tự đô thị. 189 camera đã được lắp đặt tại các tuyến đường chính và khu vực công cộng trên địa bàn TP. Mỹ Tho, trong đó có 141 camera giám sát và 48 camera thông minh.
Hệ thống camera thông minh giúp nhận diện biển số xe vi phạm và hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông như vượt đèn đỏ. Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống đã phát hiện 3.017 trường hợp vi phạm, đồng thời đã xử phạt 671 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 3,1 tỷ đồng.
Trải nghiệm phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng, siêu thị trên tuyến đường Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho). |
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã lắp đặt 2 trạm quan trắc trên sông Tiền. Các trạm này sử dụng thiết bị cảm biến để theo dõi các chỉ số môi trường như độ mặn và pH, với dữ liệu được cập nhật tự động 5 - 10 phút/lần và cung cấp thông tin qua ứng dụng TienGiangS, giúp cơ quan quản lý và người dân có thông tin kịp thời trong công tác quản lý và sinh hoạt hằng ngày.
Thành phố đã triển khai 25 điểm phát sóng wifi miễn phí tại các địa điểm du lịch, trường học và khu vực dừng chân, phục vụ cả người dân và du khách với thời gian truy cập tối đa 20 phút/lần. Để hỗ trợ quảng bá du lịch, thành phố đã xây dựng phần mềm quản lý thiết bị phát sóng và tích hợp thông tin lên ứng dụng TienGiangS, cung cấp thông tin về các địa điểm tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí, hướng dẫn đường đi, cũng như thông tin về lưu trú và ẩm thực.
Đồng thời, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố thực hiện ứng dụng số hóa công nghệ VR 360 tại Di tích nhà Bạch Công Tử để giới thiệu di tích và phục vụ các đoàn khách đến tham quan và chụp ảnh.
Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết, vừa qua, thành phố đã hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, với nhiều hoạt động nhằm mục đích “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động cho người dân”.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp với Viettel Tiền Giang giới thiệu đến người dân về mạng 5G, tổ chức các gian hàng trải nghiệm miễn phí để người dân và doanh nghiệp có thể hiểu hơn về sự khác biệt của mạng 5G so với 3G, 4G.
Tin rằng, công nghệ 5G sẽ có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, phát triển hạ tầng, quản lý đô thị thông minh, cải thiện các dịch vụ công của thành phố nói riêng và của toàn tỉnh nói chung. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ tiên tiến này để tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đồng chí Lê Thị Bé Phượng cho biết, từ những điểm sáng tích cực, TP. Mỹ Tho đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh. Chính quyền thành phố không ngừng làm việc với các đơn vị tư vấn để phát triển thêm nhiều dự án chuyển đổi số. Trong đó, các dự án như hệ thống quản lý đô thị thông minh, ứng dụng tuyển sinh trực tuyến và các sản phẩm số hóa trong quản lý đang được xem xét và triển khai.
Đồng thời, các đơn vị chủ đầu tư đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nâng cấp hệ thống thông tin quản lý đô thị và ứng dụng CNTT vào truyền thông. Thành phố cũng đang tiến hành đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông cho Đài Truyền thanh tại các phường, xã.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển của TP. Mỹ Tho. Những nỗ lực trong việc xây dựng đô thị thông minh không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân, mà còn tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng cách tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện hạ tầng CNTT và cải cách hành chính, Mỹ Tho đang tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa thành phố trong tương lai.
LÊ MINH - T.T