Thứ Hai, 02/12/2024, 11:24 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đẩy mạnh chính quyền số, tạo động lực phát triển kinh tế số và xã hội số

Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền số đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế số và xã hội số.

Tiền Giang đã có những bước tiến vững chắc, từ triển khai dịch vụ công trực tuyến đến phát triển nền tảng công dân số, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

HIỆU QUẢ TỪ KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Tiền Giang đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, hoạt động thương mại điện tử và thanh toán online đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn tới.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là kết quả của quá trình cải cách hành chính.
Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là kết quả của quá trình cải cách hành chính.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử như phần cứng, phần mềm. Cụ thể, có 10 doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử; 160 doanh nghiệp phân phối, buôn bán sản phẩm công nghệ thông tin; 12 doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ phần mềm, nội dung số và 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác.

Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử của tỉnh (http://sangiaodich.tiengiang.gov.vn), với 95 sản phẩm được giới thiệu.

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tiền Giang đã tổ chức hội nghị về CĐS ngành, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy CĐS, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch CĐS của ngành và của tỉnh, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân tiếp cận, thao tác trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân tiếp cận, thao tác trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, 100% cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh thực hiện thu học phí và thanh toán không dùng tiền mặt, 100% cơ sở y tế và cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Tất cả các sở, ban, ngành và địa phương đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm và động lực trong chuyển đổi số, Tiền Giang đã có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển xã hội số, không chỉ đưa công nghệ số vào cuộc sống, mà còn giúp người dân tiếp cận công nghệ một cách đơn giản, từ đó tạo ra giá trị thiết thực và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo đó, hạ tầng viễn thông phục vụ xã hội số tiếp tục được nâng cao về chất lượng dịch vụ. Mạng di động 4G đã phủ sóng toàn bộ tỉnh. Tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 100%, Internet cáp quang tốc độ cao đã có mặt tại 100% xã, phường, thị trấn và Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khu vực, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ quá trình CĐS của chính quyền.

Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được tuyên truyền tại các huyện, thị xã và thành phố để phát triển các chợ, điểm bán hàng dân sinh không dùng tiền mặt. Đồng thời, qua quá trình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục, có 469/509 đơn vị áp dụng, với số lượng giao dịch phát sinh trong thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức không dùng tiền mặt gần 107.000 giao dịch (lũy kế tính đến ngày 7-11-2024). Cùng với đó, 19 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, kết quả trong tháng 11-2024 có 2.081 hóa đơn được thanh toán bằng hình thức quét Qrcode hoặc dùng máy POS.

Tính đến ngày 11-11-2024, toàn tỉnh có 1.805.424 công dân sở hữu thẻ Căn cước công dân và thẻ Căn cước, với 1.353.676 tài khoản định danh điện tử đã được thu nhận và 1.244.041 tài khoản đã được kích hoạt.

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHÍNH QUYỀN SỐ

Chính quyền số là 1 trong 3 trụ cột quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình CĐS. Việc xây dựng chính quyền số thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý, người dân và toàn xã hội. Hiện nay, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển chính quyền số.

Viettel Tiền Giang giới thiệu dịch vụ mạng 5G đến với người dân.
Viettel Tiền Giang giới thiệu dịch vụ mạng 5G đến với người dân.

Tính đến nay, tỉnh Tiền Giang đã kết nối 13/17 hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành với hệ thống của bộ, ngành và Trung ương thông qua trục NGSP. Từ ngày 1-1-2024 đến ngày 30-8-2024, tỉnh Tiền Giang có gần 1,8 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống, trong đó có trên 1.326.000 văn bản đến và 369.680 văn bản đi; tỷ lệ ký số trên phần mềm của tỉnh đạt hơn 97%.

Hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh tiếp tục kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm hỗ trợ người dân giải quyết TTHC một cách thuận lợi và minh bạch. Cổng cũng đã hoàn thiện chức năng số hóa hồ sơ và kết nối với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; đồng thời, chuyển đổi và làm sạch tài khoản công dân sang VNeID.

Thử nghiệm Hệ thống trợ lý ảo (AI) hỗ trợ người dùng trong việc giải quyết TTHC cũng đang được triển khai. Các giải pháp kỹ thuật cũng đang được thực hiện để đồng bộ hóa dữ liệu từ Cổng Dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phục vụ công tác theo dõi, giám sát và đánh giá theo yêu cầu của Chính phủ.

Tính đến nay, tỉnh Tiền Giang có tổng cộng 1.809 TTHC; trong đó, cấp tỉnh có 1.484 thủ tục, cấp huyện có 233 thủ tục và cấp xã có 92 thủ tục. Trong đó, có 1.249 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm 629 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và 620 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, tính đến ngày 14-11-2024, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp 1.200 thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương tiếp tục được vận hành và cập nhật dữ liệu, giúp tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước. Từ tháng 1-2024 đến tháng 10-2024, đã có 42,39% hồ sơ (231.119/545.270) được nộp trực tuyến (bao gồm dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình) trên tổng số hồ sơ nộp trực tuyến và trực tiếp.

Hệ thống Tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị 1022 tỉnh Tiền Giang hoạt động hiệu quả, là kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh. Đến nay, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý hơn 3.000 phản ánh, kiến nghị từ tổ chức và cá nhân.

Các sở, ban, ngành tiếp tục khai thác và sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành Trung ương và tỉnh. Đồng thời, các hệ thống thông tin cài đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được duy trì, vận hành ổn định, đảm bảo hoạt động 24/7.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh Tiền Giang (LGSP), kết nối và tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh để chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai kế hoạch phát triển dữ liệu số và dữ liệu mở của tỉnh Tiền Giang; xây dựng, vận hành Cổng dữ liệu mở dùng chung của tỉnh; phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc CĐS, với trọng tâm là cải cách TTHC, đơn giản hóa quy trình, cập nhật, gỡ bỏ các TTHC không còn hiệu lực trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; tăng cường chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến và đơn giản hóa các quy trình TTHC.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ và giải quyết TTHC, khai thác hiệu quả dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rút ngắn thời gian, giảm chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.

HÀ NAM - LÊ MINH - T.T

.
.
.