Thứ Sáu, 13/12/2024, 09:51 (GMT+7)
.

Tuổi trẻ Tiền Giang: Ứng dụng chuyển đổi số để phát triển kinh tế

Chuyển đổi số nay đã trở thành xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Tại Tiền Giang, lực lượng thanh niên (TN) đang từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, từ nông nghiệp thông minh đến thương mại điện tử. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những mô hình khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

MÔ HÌNH TIÊU BIỂU CỦA THANH NIÊN

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Long Tuyền Phụng (phường 9, TP. Mỹ Tho) nổi tiếng với sản phẩm cơm rượu Mỹ Tho và cơm rượu sữa chua Song Tuyền không ngừng đổi mới để thích nghi và vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

TN Tiền Giang xung kích trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Thanh niển Tiền Giang xung kích trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Công ty đã đưa vào sử dụng các thiết bị sản xuất tự động hóa để đảm bảo độ chính xác trong việc ủ men, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cơm rượu. Công nghệ cảm biến IoT được tích hợp trong dây chuyền sản xuất, cho phép theo dõi và điều chỉnh quy trình ủ rượu một cách thông minh, đảm bảo từng mẻ sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.

Anh Cao Hữu Tài, Giám đốc công ty cho biết, nhằm tối ưu hóa quản lý và gia tăng hiệu quả kinh doanh, công ty đã đầu tư vào các hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP), cho phép theo dõi mọi khâu từ sản xuất, kiểm soát chất lượng, đến phân phối. Các đơn hàng giờ đây được quản lý qua nền tảng trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót.

Ngoài ra, công ty cũng phát triển website:longtuyenphung.com, không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm mà còn tích hợp cổng thanh toán online, giúp khách hàng dễ dàng mua sắm từ xa. Nền tảng thương mại điện tử này còn hỗ trợ công ty tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là hướng tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc) thông qua các buổi kết nối kinh doanh Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, công ty còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi khách hàng, từ đó cá nhân hóa các chiến lược quảng cáo, tăng mức độ hài lòng và sự trung thành từ người tiêu dùng.

Tương tự, Cơ sở Sản xuất Thương mại Dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung (địa chỉ tại số 615, ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cũng đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Với sản phẩm chủ lực là trà túi lọc từ các loại thảo mộc địa phương, doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất, mà còn mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý.

Với việc ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp đã triển khai hệ thống tự động hóa trong các khâu như: Chế biến, đóng gói và kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng (SCM) giúp Dược Vương Cung theo dõi, quản lý nguồn nguyên liệu từ các vùng trồng thảo mộc.

Anh Lê Vương Quốc Hùng, chủ cơ sở Cơ sở Sản xuất Thương mại Dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung cho biết, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, doanh nghiệp đã khai thác mạnh mẽ tiềm năng của các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki và Amazon. Xây dựng gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, hình ảnh và các chương trình khuyến mãi. Ngoài ra, Dược Vương Cung đã triển khai hệ thống camera thông minh tích hợp AI để giám sát và quản lý nhân sự từ xa…

THANH NIÊN TIÊN PHONG

Thời gian qua, các tổ chức Đoàn phối hợp với các Tổ công nghệ cộng đồng tại địa phương hướng dẫn TN cài đặt, sử dụng các nền tảng sàn thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng, đóng gói, vận đơn, chụp ảnh sản phẩm, livestream, quảng bá sản phẩm trên môi trường số; thực hiện mở tài khoản, cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt như: Viettel Money, VNPT Money và các ứng dụng ngân hàng khác để đẩy mạnh chuyển đổi thanh toán số...

Qua đó, nhiều TN tại Tiền Giang đã triển khai mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT để giám sát cây trồng và vật nuôi. Sự phát triển của thương mại điện tử qua các nền tảng như: Facebook, Zalo, Shopee đang được các bạn trẻ tận dụng để mở rộng kinh doanh. Một số dự án khởi nghiệp sử dụng công nghệ số như: Phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng đã hình thành.

Hiệu quả ban đầu giúp tăng cường năng suất lao động và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản địa phương. Từ đó, hình thành các mô hình kinh doanh hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, nhưng TN tại Tiền Giang vẫn đối mặt với không ít thách thức như: Đa số các bạn trẻ chưa được tiếp cận đầy đủ với các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, khiến kỹ năng ứng dụng còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các chính sách của cơ quan chức năng đôi khi chưa đồng bộ và kịp thời, dẫn đến việc triển khai các mô hình chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại…

Đây là những rào cản cần được tháo gỡ để TN thực sự trở thành lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Dù còn những thách thức, TN Tiền Giang đã và đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

LÝ OANH

.
.
.