Chuyển đổi số trong mô hình chính quyền 2 cấp: Đổi mới tư duy, kết nối lòng dân
Sau khi tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp hợp nhất thành tỉnh Đồng Tháp (từ ngày 1-7-2025), trong bối cảnh này, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa là giải pháp công nghệ, vừa là đột phá trong xây dựng nền hành chính hiện đại, gần dân, vì dân.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự đi vào cuộc sống, yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Chuyển đổi tư duy, thay đổi phong cách làm việc và hình thành năng lực phục vụ số là điều kiện tiên quyết để tiến trình chuyển đổi số không chỉ thành công trên hệ thống, mà còn thành công trong lòng dân.
VẬN HÀNH THỐNG NHẤT HẠ TẦNG SỐ
Theo đồng chí Lê Quang Khôi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Tháp, sau khi sáp nhập, Sở được giao trọng trách lớn trong việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đảm bảo các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung hoạt động ổn định, liên thông, đồng bộ và phục vụ hiệu quả cho cả hai cấp chính quyền.
“Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nặng nề. Do đó, Sở KH&CN xác định phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra” - đồng chí Lê Quang Khôi nhấn mạnh.
![]() |
Quy trình thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình “4 tại chỗ” được niêm yết công khai tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công phường, xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. |
Ngay từ khi có chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Sở KH&CN đã chủ động rà soát toàn bộ hạ tầng, đánh giá tính tương thích của các phần mềm đang vận hành. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu lựa chọn các giải pháp công nghệ tối ưu, làm nền tảng chung cho tỉnh.
Việc này không đơn giản chỉ là chọn một phần mềm phù hợp, mà còn bao gồm công tác đồng bộ dữ liệu, kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật và nhất quán giữa các địa phương vốn có sự chênh lệch về trình độ hạ tầng.
Việc vận hành nền tảng số không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là bài toán tổ chức. Các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin cấp tỉnh phải xây dựng quy trình giám sát, phản ứng nhanh với sự cố, đảm bảo khả năng phục hồi dữ liệu và triển khai các tiêu chuẩn an toàn thông tin trong môi trường đa hệ thống.
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC - BỒI DƯỠNG CON NGƯỜI ĐI TRƯỚC, CÔNG NGHỆ THEO SAU
Chuyển đổi số không thể thành công nếu thiếu đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực công nghệ và thái độ phục vụ hiện đại. Nhận thức rõ điều này, Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hàng loạt chương trình đào tạo, tập huấn bài bản.
Trong đó, có 10 lớp tập huấn về phần mềm quản lý văn bản, điều hành và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho 100% cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở; lớp chuyên sâu cho 102 xã, phường về quản trị hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; các lớp bổ trợ về vận hành hệ thống hội nghị truyền hình và quản trị cổng/trang thông tin điện tử, thu hút hơn 2.000 lượt tham dự.
Đồng thời, Sở KH&CN cũng duy trì một nhóm hỗ trợ phần mềm với hơn 20 nhân sự để kịp thời hướng dẫn, xử lý những khó khăn, vướng mắc của các ngành, địa phương.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp Lê Quang Khôi chia sẻ: “Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm: Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà là hành trình kết nối con người, đổi mới tư duy và cùng nhau kiến tạo chính quyền phục vụ gần dân, vì dân”. |
Bên cạnh kỹ thuật, kỹ năng mềm và văn hóa phục vụ số cũng được đưa vào nội dung tập huấn bắt buộc.
Cụ thể, Sở KH&CN triển khai các mô hình mô phỏng tình huống, tài liệu hành vi chuẩn mực, video thực hành và khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm giữa cán bộ, công chức.
Các hoạt động này góp phần hình thành phong cách ứng xử đúng mực, chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Điểm đặc biệt là việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong môi trường số không chỉ tập trung vào lễ tân hành chính, mà còn bao gồm kỹ năng hướng dẫn sử dụng nền tảng điện tử, hỗ trợ người dân thao tác, xử lý khiếu nại qua mạng và tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Đây là yếu tố giúp từng cán bộ công chức chuyển mình từ “người tiếp nhận hồ sơ” thành “người hướng dẫn công dân số”.
Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp Văn phòng UBND tỉnh triển khai Tổng đài 1022 - công cụ hỗ trợ đa chiều giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và phản ánh vướng mắc, được xử lý kịp thời. Việc vận hành hệ thống này đòi hỏi sự phối hợp linh hoạt, phản hồi theo chuẩn mực dịch vụ công và được xem là công cụ phản ánh mức độ thân thiện của chính quyền địa phương trong thời đại số.
Tại phường Thới Sơn, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công phường đã phát huy hiệu quả rõ nét. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường, kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đội ngũ công chức luôn nghiêm túc chấp hành kỷ luật, đạo đức công vụ, thái độ ứng xử văn minh, hỗ trợ người dân tận tình. Trung tâm luôn xem mỗi hồ sơ là một trách nhiệm cụ thể, không để tồn đọng, chậm trễ”.
Từ một mô hình cụ thể, có thể thấy rằng, khi công nghệ gắn với thái độ phục vụ, thì chuyển đổi số mới tạo được dấu ấn trong cộng đồng. Đó là sự kết hợp giữa quy trình hiện đại và đạo đức hành chính công, là nơi cán bộ không chỉ làm đúng - mà còn làm tốt.
NHẬN DIỆN THÁCH THỨC - BẢO ĐẢM AN TOÀN, ỔN ĐỊNH CHO TIẾN TRÌNH SỐ HÓA
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số sau sáp nhập vẫn đang đối mặt với một số hạn chế, nhất là ở tuyến xã, phường. Theo đánh giá của Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp, nhiều địa phương chưa có công chức được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin. Công tác bảo mật còn yếu, một số máy tính sử dụng phần mềm không bản quyền, lưu trữ mật khẩu không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu. Đội ngũ vận hành hệ thống số vẫn còn phụ thuộc nhiều vào lực lượng hỗ trợ cấp tỉnh.
![]() |
Nhân viên hỗ trợ người dân đăng ký, đăng nhập nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thới Sơn. |
Trước thực trạng đó, Sở KH&CN đã chủ động đề xuất mở các lớp đào tạo ngắn hạn chuyên đề về kỹ năng công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Xây dựng kế hoạch đào tạo văn bằng 2 công nghệ thông tin cho công chức các xã, phường nhằm chuẩn hóa đội ngũ trong giai đoạn tới.
Sự thiếu hụt nhân lực công nghệ ở cơ sở phản ánh thách thức về chiến lược phát triển lâu dài. Trong một môi trường hành chính số, cán bộ không chỉ cần biết sử dụng phần mềm, mà còn cần kiến thức về bảo mật, quản lý dữ liệu và khả năng tương tác với hệ thống thông minh. Vì thế, việc đào tạo phải chuyển từ “dạy công cụ” sang “bồi dưỡng năng lực số tổng thể”.
Mặt khác, một thách thức lớn khác là giữ chân cán bộ trẻ, có năng lực số tại các địa phương. Sáp nhập bộ máy khiến nhiều vị trí thay đổi, công việc kiêm nhiệm tăng, khoảng cách địa lý ảnh hưởng tâm lý và điều kiện làm việc.
Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng mô hình “Nhân lực kép”, trong đó mỗi xã/phường có cán bộ chuyên trách chuyển đổi số và ít nhất một cán bộ kiêm nhiệm. Đồng thời, đề xuất chính sách hỗ trợ phụ cấp, khen thưởng và quy hoạch nhân sự lâu dài nhằm tạo động lực gắn bó cho lực lượng nòng cốt này.
Kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, nếu không có chính sách giữ người hợp lý, thì cán bộ có năng lực công nghệ dễ chuyển sang khu vực tư nhân. Do đó, giải pháp cần thiết là tạo môi trường công tác chuyên nghiệp, có cơ hội phát triển và được ghi nhận, chứ không chỉ là hỗ trợ tài chính đơn thuần.
Nhìn chung, sáp nhập tỉnh là một dấu mốc hành chính, nhưng chuyển đổi số sau sáp nhập là một tiến trình tổ chức lại cả hệ thống quản trị hiện đại. Trong tiến trình ấy, công nghệ là công cụ - con người là gốc rễ. Và khi mỗi cơ quan, mỗi cán bộ đều thay đổi để gần dân hơn, thì hành trình số hóa ấy mới thực sự thành công và đi vào lòng dân.
LÊ MINH