.

Làm gì để công tác xây dựng Đảng có hiệu quả?

Cập nhật: 10:51, 16/03/2012 (GMT+7)

Sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp. Bài viết của biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam Lê Phúc đã phân tích và đề xuất một số giải pháp. Nhằm góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Báo Ấp Bắc điện tử xin giới thiệu nội dung bài viết (được phát trên Đài trong buổi thời sự 6 giờ ngày 9-3-2012).

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đó là điều được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, sự phân biệt chức năng lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước chưa rõ ràng, dẫn đến Đảng làm thay công việc Nhà nước.

Tiến sĩ Trịnh Thị Xuyến, Viện Chính trị học - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: Sự trùng lắp chức năng dẫn đến khó phân định và kiểm soát được quyền lực. Quyền lực chỉ được kiểm soát khi có khả năng quy được trách nhiệm của người cầm quyền. Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước không rõ ràng, nhiều lúc song trùng dẫn đến không thể quy được trách nhiệm.

Vì vậy, một mảng quyền lực Nhà nước không được kiểm soát. Khi quyền lực bị lạm dụng, hoạt động không bị kiểm soát, một đảng viên hoặc một nhóm đảng viên có thể lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, thoái hóa, nhanh chóng thành một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, có những hành vi trục lợi cá nhân rồi suy thoái về tư tưởng, biến chất về đạo đức dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Vậy làm thế nào để thiết lập sự kiểm soát quyền lực? Khi quyền lực của Đảng là quyền lực do nhân dân ủy thác thì vấn đề đặt ra là giữa "ý Đảng" và "lòng dân" đã có sự thống nhất chưa, cần phải kiểm soát thế nào để "ý Đảng" được thực hiện hợp với "lòng dân".

Về mặt nguyên tắc, Đảng thực thi quyền lực của dân thì dân phải kiểm soát Đảng. Vậy dân kiểm soát Đảng bằng phương thức nào, có những cơ chế và điều kiện gì để người dân kiểm soát được Đảng?

Hiện nay đã có Ủy ban Kiểm tra của Đảng với nhiệm vụ giám sát các hoạt động của đảng viên ở tổ chức cơ sở Đảng. Sự kiểm soát này là cần nhưng chưa đủ vì bản thân nó chỉ là cơ chế tự kiểm soát và như thế rất cần một cơ chế kiểm soát khách quan và khoa học.

Bởi thế, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, rất cần thiết phải lập một cơ chế kiểm soát quyền lực kiểm soát Đảng một cách phù hợp. Chỉ có như vậy mọi khuyết điểm, mọi vi phạm của đảng viên, của tổ chức cơ sở Đảng mới được nhanh chóng vạch rõ, được kiểm điểm kịp thời và chấn chỉnh nghiêm túc. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên như một bệnh dịch lan tràn và khó kiềm chế. Đã đến lúc tổ chức và hoạt động của Đảng cần phải được luật hóa.

Hiện nay, Đảng được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc và quy định của Điều lệ Đảng. Nhưng Điều lệ Đảng chỉ áp dụng cho đảng viên, tổ chức Đảng; còn quan hệ của Đảng với Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chưa có quy định cụ thể nào ngoài điều 4 - Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Vì vậy, luật hóa tổ chức và hoạt động của Đảng là tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của Đảng cũng như của Nhà nước và xã hội. Chỉ có như vậy mới tránh được sự can thiệp quá lớn của Đảng đối với Nhà nước, với các tổ chức chính trị - xã hội, hạn chế sự can thiệp tùy tiện của các đảng viên vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Chỉ khi thay đổi cách thức kiểm soát quyền lực mới mong đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Và bởi thế, một khía cạnh quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là cần sớm thiết lập một cơ chế kiểm soát, giám sát của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

            L.P
 

.
.
.