Đoàn khảo sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc tại Tiền Giang
Sáng ngày 19- 4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm trưởng đoàn đã đến khảo sát việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về tố cáo tại tỉnh Tiền Giang. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH, các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2016, toàn tỉnh đã thụ lý 78 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 73/78 vụ, đạt 93,60%, số còn lại chuyển sang năm 2017. Nội dung tố cáo chủ yếu trong công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất; chế độ chính sách người có công; công tác quản lý tài chính…
Nhìn chung, thời gian qua, việc áp dụng các quy định cụ thể của Luật Tố cáo đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tố cáo và người giải quyết tố cáo; không gây lãng phí về thời gian, công sức trong việc xác minh, qua đó, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc tố cáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định trong Luật Tố cáo còn bất cập trong quá trình thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng việc thực hiện Luật Tố cáo như: Cần quy định cụ thể trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật, nghĩa vụ của người tố cáo, người giải quyết tố cáo; sớm ban hành hướng dẫn thực hiện quy định về bảo vệ người tố cáo; bổ sung các quy định về thời hạn, trình tự giải quyết tố cáo…
Đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hưởng đã nêu khái quát về tình hình giải quyết tố cáo của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, cho rằng hiện nay, Luật Tố cáo còn những điểm chưa phù hợp như: Quy định về việc rút đơn tố cáo; việc bảo vệ nhân chứng; người tố cáo sai sự thật; thời hiệu xử lý các vụ việc tố cáo… cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Ông mong muốn Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có những ý kiến đóng góp để Quốc hội xem xét sửa đổi bổ sung nhằm nâng cao chất lượng giải quyết tố cáo của tỉnh trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Trí Thức đã đánh giá cao về việc thực hiện pháp luật tố cáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Những kiến nghị của UBND tỉnh, và các đơn vị liên quan các thành viên trong Đoàn Ủy ban pháp luật Quốc hội tiếp thu, làm rõ. Đối với những vấn đề nào chưa phù hợp, sẽ được Đoàn kiến nghị với Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Tố cáo trong thời gian tới.
HOÀI THU