.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương đạo đức sáng ngời của Cách mạng

Cập nhật: 06:36, 19/08/2018 (GMT+7)
a
Bảo quản kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), giáo sư, tiến sỹ Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có bài viết “Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường, tấm gương đạo đức sáng ngời của Cách mạng Việt Nam.”

Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú, đầy gian lao, thử thách của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng mà đồng bào, đồng chí trìu mến gọi là Bác Tôn kính mến gắn liền với lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc ta trong thế kỷ 20.

Là người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ khi còn là học sinh, Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.

Trong những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen ngày 20/4/1919, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chống sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ, góp phần bảo vệ thành trì của cách mạng vô sản thế giới.

Trở về nước năm 1920, với lòng yêu nước nhiệt thành, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kết hợp kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn Pháp với thực tiễn phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam, trước hết là phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn, để tìm ra những hình thức, phương pháp tổ chức đấu tranh thích hợp.

Cuối năm 1920, đồng chí đã tập hợp anh em công nhân cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Công hội do đồng chí lãnh đạo đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công, lãn công, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925), đánh dấu bước phát triển mới về tinh thần đoàn kết và tính tổ chức của giai cấp công nhân nước ta.

Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Nam Bộ.

Đồng chí Tôn Đức Thắng gia nhập tổ chức này và giữ trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn-Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ.

Năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân ở Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo, phải chịu đủ cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, là một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo làm hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ nhà tù Côn Đảo trở về, vừa đặt chân lên đất liền, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm các trọng trách: Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (tháng 3-1946), Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, tháng 5-1946), Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 11-1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 4-1947), Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc (tháng 01-1948), Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (năm 1948).

Tháng 1/1948, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng tập thể Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Là người con Nam Bộ, đồng chí luôn dành tình cảm sâu nặng với quê hương, “nhiều lần đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đọc Diễn văn khai mạc và bế mạc Đại hội, được Đại hội bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và liên tục giữ trọng trách này cho đến cuối đời.

Trong diễn văn bế mạc Đại hội, đồng chí nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên: “Toàn thể đảng viên, cán bộ, phải ra sức học tập, gắng làm gương mẫu cho quần chúng, gắng xứng đáng là đảng viên của đảng tiên phong lãnh đạo toàn giai cấp và dân tộc kháng chiến và kiến quốc” .

Về chính sách đại đoàn kết của Đảng, đồng chí nêu rõ: “Chính sách mặt trận của ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp phải được diễn giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất, là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”.

Tháng 3/1951, tại Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày Báo cáo chính trị, nêu rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thống nhất Việt Minh-Liên Việt, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết thống nhất Việt Minh-Liên Việt thành một mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt; nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày Báo cáo, xác định rõ các quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ công tác mặt trận trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường đoàn kết toàn dân, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa I (tháng 9-1955), Quốc hội đã nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Ngoài hai chức vụ chủ chốt trong Quốc hội và Mặt trận Liên Việt, đồng chí còn được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và tại Đại hội Hòa bình thế giới họp ở Helsinki, Phần Lan (tháng 7/1955), đồng chí được bầu làm Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới.

Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II (tháng 8-1955), đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày tham luận về công tác mặt trận và trên cơ sở tham luận đó, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết, trong đó nêu rõ: “Nhiệm vụ trước mắt của Đảng ta là phải ra sức tập hợp lực lượng của toàn dân thành một Mặt trận rộng rãi có một cương lĩnh chung thích hợp để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, thực hiện thống nhất nước nhà”.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (tháng 9/1955).

Đại hội đã thảo luận, thông qua dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới và quyết định tên mới của Mặt trận dân tộc thống nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bầu đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II (tháng 7-1960), theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Với tác phong khiêm tốn, giản dị, gần gũi đồng bào, đồng chí, đồng chí đã dành nhiều thời gian đến thăm các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, công trường, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, trường học…, động viên, khích lệ bộ đội, công nhân, nông dân, người lao động, học sinh, sinh viên thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, đóng góp sức người, sức của, tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Tháng 3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt để biểu thị quyết tâm của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày tham luận quan trọng “Động viên toàn dân thực hiện những nhiệm vụ lớn lao và rất vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra,” trong đó khẳng định: “Với sức mạnh đoàn kết của đồng bào cả nước, được sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân thế giới, nhất định chúng ta sẽ phá tan được mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Miền Nam nhất định sẽ được giải phóng, Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa III đã nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại Kỳ họp, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát biểu chúc mừng và khẳng định: “Cụ Tôn Đức Thắng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng là hai chiến sĩ lão thành của cách mạng Việt Nam, những người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ta. Hai đồng chí được Quốc hội nhất trí tín nhiệm giao cho trọng trách lãnh đạo Nhà nước ta là rất xứng đáng”.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mùa Xuân năm 1975 mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam - cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tại Lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc tại thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 15/5/1975, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc lời chào mừng, nêu bật những thắng lợi to lớn của cả dân tộc trong suốt 30 năm qua và kêu gọi đồng bào cả nước “quyết biến khí thế cách mạng hào hùng hôm nay thành cao trào thi đua thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI (tháng 6/1976) đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng đã được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn, góp phần cùng Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Bác Tôn là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu rõ: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.

Do những công lao, đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam, phong trào bảo vệ hòa bình thế giới và sự phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý; Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lenin, Ủy ban Giải thưởng quốc tế tặng Giải thưởng Lê-nin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”; được Đảng, Nhà nước ta và các nước bạn tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Phát biểu chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” .

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thể hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chúng ta nguyện ra sức phấn đấu thực hiện thành công mong muốn của Bác Hồ và Bác Tôn kính yêu, xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

(Theo TTXVN)


 

.
.
.