.
Thực hiện đề án 02 của Tỉnh ủy nhất thể hóa chức danh:

Giảm chi, gọn nhẹ, tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy

Cập nhật: 15:47, 17/09/2018 (GMT+7)

Trên thực tế, những năm qua, Tiền Giang đã sớm tiến hành nhất thể hóa các chức danh như: Bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp xã thí điểm ở các địa phương và bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện ở TX. Gò Công...

Tuy nhiên, phải đến khi xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tiền Giang mới thực hiện nhất thể hóa một cách quyết liệt.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bên cạnh Tiền Giang thực hiện xong nhất thể hóa  chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, tỉnh hiện có 3/11 đơn vị thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện. 1 đơn vị thực hiện nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiêm Chánh Thanh tra huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện.

Có 20/173 xã, phường, thị trấn bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và 102/1.025 bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố. Thực hiện các chức danh kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, có 118/3.353 chức danh kiêm nhiệm.

Hiện thực hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy trong toàn tỉnh đã tích cực tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự đã được các đơn vị tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch và đúng quy trình, hướng dẫn của cấp trên.

Những cán bộ được lựa chọn để đưa vào bầu cử đều là những người có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, gương mẫu, tận tụy với công việc; có kinh nghiệm, uy tín, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao...

Tuy chỉ mới triển khai thực hiện Đề án 02 gần nửa năm nay, tỉnh chưa sơ kết, đánh giá hiệu quả của Đề án, nhưng từ thực tế triển khai ở các địa phương cho thấy, mỗi mô hình nhất thể hóa đều mang lại những kết quả cụ thể.

Chẳng hạn như, đối với nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tổ chức và Trưởng phòng Nội vụ (huyện Gò Công Tây, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho) đã giúp cho Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp huyện trong công tác tổ chức, cán bộ; các chủ trương về công tác tổ chức, cán bộ được triển khai thực hiện thông suốt hơn; việc thực hiện các quy trình, công việc về công tác tổ chức, cán bộ được thuận tiện, nhanh chóng.

Hay như hiệu quả việc thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.

Thực hiện nhất thể chức danh này, đồng chí Bùi Văn Bảo, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP. Mỹ Tho cho biết: “Từ khi nhất thể hóa, công việc thuận tiện hơn nhiều. Trước đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị hằng năm và một số công việc khác thì Giám đốc Trung tâm phải qua Ban Tuyên giáo để bàn bạc, trao đổi. Giờ đây gom về một đầu mối.

Cũng như việc sáp nhập 2 chi bộ lại, giúp việc giải quyết các công việc thuận lợi hơn, chi bộ sinh hoạt hiệu quả hơn...”.

Đồng chí Huỳnh Kim Bằng, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TX. Gò Công thì cho rằng: “Việc nhất thể hóa đã tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Trung tâm không phải mất thời gian xin và chờ ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo".

"Các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị lĩnh hội và triển khai ngay, không phải qua khâu trung gian như trước đây. Đồng thời, giảm được biên chế, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu...”.

Việc nhất thể hóa các chức danh cho thấy các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện.

Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu tập trung vào một người, do vậy tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp phó.

Từ thực tế, có thể khẳng định, chủ trương nhất thể hóa các chức danh đã giúp cán bộ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể; bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế, tiết kiệm được một phần ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

P. MAI

.
.
.