Tập trung thực hiện 7 vấn đề để phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 27-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến, tập trung vào 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao hơn mục tiêu Quốc hội giao, đặc biệt là việc tăng trưởng theo hướng giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn vay và các nguồn khai thác dầu, khoáng sản; nguồn nhân lực trong nước dần dần được phát huy thông qua khối giao dịch, thị trường chứng khoán tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017 và các lĩnh vực khác có chiều hướng tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, tính bền vững thì chưa vững chắc, vì động lực tăng trưởng phần lớn phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn FDI, do đó mang lại tính rủi ro rất cao, phụ thuộc nhiều vào xuất, nhập khẩu.
Hiện nay, quy mô xuất, nhập khẩu của nước ta đang ở mức 220% so với GDP, dự kiến cuối năm là 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 237 tỷ USD, nhập khẩu 237 tỷ USD, như vậy xuất khẩu và nhập khẩu hiện nay khá cân bằng.
Vấn đề này cho thấy, việc tăng trưởng dựa vào nhu cầu của thế giới, nhưng nguồn lực để đáp ứng nhu cầu lại được nhập khẩu từ bên ngoài vào. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho việc tăng trưởng kinh tế ở nước ta cao nhưng giá trị tạo ra thấp và giữ lại trong nước không được bao nhiêu. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu để có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng CPI theo dự kiến cả năm bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất cao của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, để có thể kiểm soát được chỉ số CPI thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp rất tích cực và quyết liệt, trong đó có cả giải pháp mang tính hành chính như: Chậm tăng giá điện, thuế môi trường thông qua xăng dầu và các giá dịch vụ khác, dẫn đến ngân sách nhà nước sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng về cân đối thu chi trong thời gian còn lại của năm 2018 và áp lực này sẽ dồn đẩy sang năm 2019 trong việc điều hành thực hiện kiềm chế lạm phát.
Do đó Chính phủ cần phải có kế hoạch thật tốt cho việc thực hiện kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát trong năm 2019.
Thứ ba, vấn đề ô nhiễm môi trường, cụ thể là rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải sinh hoạt ở nông thôn đang là một trong những vấn đề bức xúc của cử tri, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng dân cư, vì hầu hết các địa phương vẫn còn thực hiện xử lý rác bằng phương pháp thu gom, chôn cất hoặc đốt, mà chưa có những nhà máy xử lý rác hiện đại.
Mặt khác, sự phát triển mạnh của dân số, việc mở rộng các đô thị ra các vùng nông thôn của thành phố, thị trấn kéo thêm khoảng cách gần hơn giữa bãi rác với khu dân cư nông thôn; trong khi đó, sức chứa của các bãi rác thì có hạn, mà lượng rác thải ngày càng nhiều…, dẫn đến việc quá tải về sức chứa của các bãi rác. Cùng với đó nước bẩn tràn ra khi mùa mưa, mùi hôi thối bốc bay xa làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe và gây bức xúc trong nhân dân.
Đây là những việc không phải mới phát sinh, đã tồn tại và được phản ánh từ rất lâu nhưng chưa được các ngành chức năng quan tâm giải quyết đến nơi đến chốn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm có giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Thứ tư, cử tri Tiền Giang rất hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất đầu tư xây dựng các cầu giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, mà từ lâu là nút “thắt cổ chai” gây ùn tắc giao thông trong nhiều năm liền trên tuyến.
Tuy nhiên, hiện nay, đoạn Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Tiền Giang dài khoảng 73 km đã xuống cấp nặng, nhiều “ổ voi”, “ổ gà” và ngập nước mỗi khi trời mưa, vì có đoạn hai bên đường không có hệ thống thoát nước, gây khó khăn cho giao thông và là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này - vốn được xem là duy nhất, là “huyết mạch” đi các tỉnh miền Tây Nam bộ hiện nay. Cử tri rất mong Bộ Giao thông vận tải sớm có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp để việc giao thông trên tuyến được thông suốt và đảm bảo an toàn cho mọi người dân tham gia giao thông.
Thứ năm, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đề nghị Chính phủ trong điều hành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác dự báo tình hình trên tất cả các lĩnh vực trong và ngoài nước. Trong đó, chú ý nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, nhằm tranh thủ thời cơ, tận dụng tối đa các cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam (nông sản, thủy sản, gỗ, sản phẩm từ gỗ, rau quả…).
Bên cạnh đó là sẵn sàng đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế những thách thức có thể xảy ra đối với nền kinh tế, nhất là các vấn đề có liên quan đến xuất, nhập khẩu và dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc và tỷ giá, nhằm chủ động làm giảm thiệt hại cho nền kinh tế và cho nông dân - người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa. Bên cạnh đó, còn tránh được tình trạng “được mùa, mất giá” đối với các mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hai là, cần sớm bổ sung các điều kiện kinh doanh cần thiết nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, quy định rõ ràng, siết chặt các hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê của các tổ chức tín dụng đen, công ty đòi nợ thuê, hiện là vấn đề diễn ra hết sức phức tạp và manh động, nguy hiểm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lừa người dân, gây mất trật tự tại địa phương, trong khi đó các chế tài xử lý chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Mặt khác, tình hình vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực khai thác cát, sỏi, đá, chặt phá rừng dẫn đến lũ lụt, sạt lở bờ sông, kinh ngày càng nhiều. Mặc dù trong thời gian qua các cấp, các ngành chức năng đã vào cuộc hết sức quyết liệt nhưng tình trạng trên vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan trình Quốc hội sửa đổi hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản nhằm khắc phục các hành vi nêu trên.
Ba là, qua báo cáo đánh giá của Chính phủ, tình hình an ninh trật tự vẫn còn diễn biến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó cử tri quan tâm nhất là tệ nạn ma túy. Hiện nay, ma túy tràn lan từ thành thị cho đến nông thôn và kéo theo nhiều hệ lụy, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đa số các loại tội phạm xuất phát từ nghiện ma túy.
Cùng với các loại ma túy hiện có đang tồn tại, hiện ở nước ta đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới, đa dạng, cực độc, rất khó phát hiện, đã gây tác hại rất lớn, nghiêm trọng đến người sử dụng, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện kỹ thuật trang bị cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, phát hiện, nhận diện các loại ma túy mới còn rất hạn chế. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tốt, nhất là tăng cường các loại trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm sớm phát hiện, phòng ngừa và chủ động trong xử lý, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)