Tổng bí thư làm Chủ tịch nước: Là xu thế của thời đại
"Tổng bí thư làm Chủ tịch nước phù hợp với xu thế chính trị của thời đại, là phương lược chính trị của nhiều quốc gia xung quanh", nhà báo Nhị Lê trả lời Zing.vn.
Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với Zing.vn về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.
Theo ông, việc Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với chúng ta, trong lịch sử đã thấy rồi. Từ ngày 11 đến 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất.
"Trong 18 năm đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước bước qua muôn vàn khó khăn, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Có thể thấy, hoạt động của Đảng ta, Nhà nước ta trong thời gian đó hết sức mạnh mẽ và tốt đẹp".
- Theo ông, tại sao vấn đề Tổng bí thư làm Chủ tịch nước đã được đặt ra từ lâu nhưng bây giờ mới thực hiện?
- Mới đây, ngày 3/10, sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Tôi gọi đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử, sau suýt soát nửa thế kỷ. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai.
Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu với Quốc hội để bầu chức danh Chủ tịch nước, nghĩa là trong tương lai rất gần, đồng chí Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Đó cũng là sự phù hợp với xu thế chính trị của thời đại, là phương lược chính trị của nhiều quốc gia xung quanh, đáp ứng sự vận động hết sức nhanh và mạnh của một thế giới phẳng.
Trên hết, đó là sự gặp gỡ của lịch sử, sự phát triển khát vọng của nhân dân đáp lại yêu cầu phát triển của đất nước và sự trưởng thành không gì cản nổi của dân tộc ta.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả đồng thuận tuyệt đối 100% của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào vị trí Chủ tịch nước?
- Kết quả này ghi nhận quyết tâm của Đảng và niềm mong mỏi của đông đảo nhân dân. Tôi đã ghi nhận được điều đó trên công luận và tại từng tổ dân phố mà tôi đã đi qua.
Ý tưởng đó đã nhận được sự đồng tình rất cao của nhân dân, ghi nhận sự trưởng thành của Đảng. Điều đó cũng cho thấy, ý Đảng tương hợp với lòng dân. Và dân tộc dưới sự dẫn dắt của Đảng sẽ tiếp tục tiến lên. Đó là điều đáng mừng.
a |
Sự lo lắng một cách đáng kính và đáng yêu.
- Cơ chế Tổng bí thư làm Chủ tịch nước tạo ra nhiều thuận lợi về mặt đối nội, đối ngoại, giúp tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc kiểm soát quyền lực, khối lượng công việc tăng lên của người đứng đầu.... Ông nghĩ sao?
- Đông đảo dư luận đang nghĩ như vậy. Tôi cảm nhận đó là sự lo lắng một cách đáng kính và đáng yêu.
Chúng ta thử nhìn lại lịch sử để thấy chưa bao giờ như bây giờ, cố nhiên lịch sử 70 năm trước khác với hiện nay, điều lo đó đã được giải quyết một cách căn bản. Chúng ta ngày càng hoàn thiện các thể chế trong Đảng với tư cách đảng cầm quyền duy nhất.
Các công cụ quản trị quốc gia, bảo vệ và phát triển dân tộc cũng chưa bao giờ như bây giờ, đang được hoàn thiện với gần 300 bộ luật và luật, và sắp tới chúng ta tiếp tục kiến tạo hệ thống pháp luật phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, hội nhập quốc tế... Những điều kiện đó bảo đảm cho chúng ta quản trị quốc gia một cách minh bạch, phù hợp và văn minh với pháp lý và thông lệ quốc tế.
Điều lớn nhất, quan trọng nhất đối với thực tiễn hoạt động chính trị nước ta là việc kiểm soát quyền lực. Với thể chế chính trị của chúng ta, nếu chúng ta thực thi tốt toàn bộ điều lệ và quy định trong Đảng mà tôi gọi là "Đảng cương", cùng với hệ thống luật mà tôi gọi là “Quốc pháp” thì mối lo lắng đó sẽ được giải quyết.
"Đảng cương" và "Quốc pháp" là công cụ, là nền tảng căn cơ để đồng chí Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thực thi trọng trách của mình.
Đặc biệt, tiếp tục các Hội nghị trước, Hội nghị Trung ương 6 và 7 khóa XII đã đặt ra những quyết sách về các vấn đề rất to lớn của việc đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả tất cả bộ máy Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị. Chúng ta nắm chắc tất cả những điều đó thì khó khăn sẽ từng bước được giải quyết.
Người đứng đầu quốc gia, đứng đầu Đảng sẽ chủ động hơn, các bộ máy được tiếp tục đổi mới, tinh giản, liên thông, trực tiếp, hoạt động hiệu lực hiệu quả, giúp các đồng chí lãnh đạo hoàn thành trọng trách.
Nhưng điều tôi thấy đáng mừng nhất là, càng ở những thời khắc khó khăn, chưa bao giờ như bây giờ, thế nước đương lên, lòng dân kết thành một khối, vận Đảng được nhận thức, với tư cách người lãnh đạo, tiếp tục được hoàn thiện.
Thế nước, lòng dân, vận Đảng như vậy là những điều kiện cần và đủ để bảo đảm con đường chính trị mà chúng ta hoạch định, hành động chính trị của toàn dân xây dựng một nước Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế, mà trọng trách trước hết đặt trên vai đồng chí Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước trong tương lai, càng rất đáng kỳ vọng.
- Nhiều cán bộ lão thành, ủy viên Trung ương bày tỏ sự tin cậy với uy tín và phẩm chất của Tổng bí thư. Vậy nhìn về tương lai, cơ chế Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thế nào, liệu người kế nhiệm có tạo được tâm lý hứng khởi, tin cậy đó?
- Sự kiện vừa rồi là sự tiếp nối sự kiện tháng 2/1951. Tôi có thể gọi đấy là tính quy luật của lịch sử. Sắp tới, là câu chuyện của tương lai. Nhưng tôi nghĩ một tương lai xán lạn hay không tùy thuộc vào việc giải quyết những vấn đề hiện nay, với những điều kiện hiện tại.
Trước mắt, chúng ta còn rất nhiều khó khăn. Câu chuyện này nên bàn vào trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhưng những gì chúng ta đang có thì có thể tin tưởng được rằng chúng ta sẽ bước tiếp một cách vững chãi trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Ngắn gọn một câu: Lịch sử sẽ tự mở đường đi cho nó, những thế hệ sẽ tự mở đường đi cho mình. Nhưng đường đi của ngày mai như thế nào thì bắt đầu từ hôm nay, và ngày hôm nay là kết quả của hôm qua. Ngày 3/10/2018 là kết quả phát triển tất yếu của ngày 11/2/1951 - lúc bấy giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch Đảng, đồng thời giữ trọng trách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Và, đất nước Việt Nam từ đó tới thời khắc này, như chúng ta đã thấy và toàn thế giới đã thấy!
- Trở lại với câu chuyện cụ thể, khi hợp nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, bộ máy Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước sẽ vận hành thế nào?
- Bây giờ đông đảo dư luận gọi việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước bằng 3 chữ "Nhất thể hóa". Đó là cách gọi, nhưng vấn đề quan trọng bậc nhất là nội dung của nó. Dù dùng từ “đồng thời” hay “kiêm nhiệm” hay “nhất thể hóa”, nội hàm của nó không thay đổi. Những bộ máy tham mưu không phải được xây dựng một cách tự thân mà nó do công việc.
Hiện nay, chúng ta đang làm thí điểm ở 10 tỉnh về việc hợp nhất 3 văn phòng. Một văn phòng phụ tham mưu cho 3 bộ máy. Sắp tới Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng hoạt động như thế nào là công việc của ngày mai. Nhưng tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ vì công việc để tiếp tục đổi mới kiến tạo bộ máy.
- Ông đánh giá thế nào mô hình nhất thể hóa đang vận hành tại những nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và một số quốc gia khác?
- Chúng ta nhìn tận chân trời để hành động dưới chân mình, nhìn xu thế vận động của thế giới để đặt ra những quyết sách chính trị tại đất nước ta. Tôi nghĩ đó là những tham chiếu rất quan trọng.
Nhưng kinh nghiệm cho thấy mọi sự dịch chuyển sẽ thất bại. Đó là những kinh nghiệm tốt ở đất nước của họ. Còn đối với chúng ta, với điều kiện kinh tế, lịch sử, văn hóa riêng, chúng ta lựa chọn con đường của chúng ta. Tôi chắc rằng, con đường chúng ta đang đi cũng thống nhất với con đường các quốc gia, dân tộc đang đi.
Mỗi đất nước phải xuất phát từ điều kiện lịch sử của mình để kiến tạo bộ máy theo mục tiêu đã hoạch định. Cho nên không thể vội vàng, nhưng phải rất khẩn trương. Cuộc sống sẽ tự nói nên giá trị của chính nó.
Có thể nói, chúng ta xuất phát từ điều kiện của mình để hành động một cách phù hợp và hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự hòa hợp với các quốc gia, dân tộc trong thế giới đương đại. Đó là con đường, cũng là bản sắc, thương hiệu của dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Là người có nhiều thời gian tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông kỳ vọng gì ở Tổng bí thư trong thời gian tới?
- Đánh giá Tổng bí thư là công việc của toàn Đảng, uy tín của Tổng bí thư thuộc về nhân dân thẩm xét. Tôi không thể nói gọn một câu. Nhưng qua cảm nhận của cá nhân tôi sau mấy chuc năm làm việc, ở Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện: Tầm nhìn, sự kiên định và sự thích ứng. Đó là ba tư chất chính trị và trí tuệ quan trọng bậc nhất, mà tôi cảm nhận từ Tổng bí thư.
Dưới góc độ con người, Tổng bí thư đã hội tụ một cách dung dị và sinh động hình ảnh một người Việt Nam: Khiêm cung, nhân hòa, bao dung. Nói như Tổng bí thư: “Mình có thế nào, không cần phải nói thêm, cứ hành động, cứ sống và làm việc”.
Tôi tin rằng, với những tư chất đó, được sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nỗ lực đáp lại sự chờ đợi của đông đảo nhân dân và sự đồng lòng của toàn thể dân tộc, không có việc gì dân tộc này không thể vượt qua. Kể cả những việc khó khăn, sinh tử. Đó cũng chính là hiện thân tư chất, phẩm giá con người Việt Nam, giá trị và vị thế Việt Nam, trước thế giới!
- Xin cảm ơn ông!
(Theo zing.vn)