.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Cập nhật: 19:25, 05/11/2018 (GMT+7)

Trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (tháng 5-2018), ở phần quan điểm, Đảng ta nêu: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật kỷ cương đi đôi với  xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đến phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết lại nêu: Siết chặt kỷ luật kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều đó cho thấy, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là một điểm thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Trung ương lần này.

Sau Hội nghị Trung ương 7 (vào cuối tháng 5-2018), trong một bài viết của Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã lý giải vì sao phải kiến tạo, mở rộng không gian, môi trường khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đó là, được bảo vệ bởi cơ chế “bảo đảm chính trị” để cán bộ tự tin phấn đấu, dấn thân mà không sợ rủi ro chính trị, để tránh tư tưởng an phận thủ thường làm thui chột tài năng, nhuệ khí, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Thực tế cho thấy, sáng tạo và đột phá luôn thuộc về thiểu số, vượt trước nhận thức của số đông, nếu không nhận được sự đồng tình ủng hộ của tập thể, nếu không có cơ chế bảo vệ cán bộ thì không những các ý tưởng đột phá bị rơi vào quên lãng, mà trong không ít trường hợp người có ý tưởng đột phá phải hứng chịu búa rìu của tập thể, chịu áp lực chỉ trích, kể cả chịu các tổn thất chính trị.

Đồng chí yêu cầu, khi cán bộ có tư tưởng đổi mới, sáng tạo vì cái chung thì tập thể phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận dân chủ trên tinh thần tôn trọng cái mới, phải xây dựng thể chế, cơ chế để bảo vệ những con người năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước tập thể về quyết định của mình.

Đồng chí chỉ rõ, nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi khi tập thể đã thông qua thì mọi cá nhân phải phục tùng, ý kiến thiểu số được bảo lưu, nhưng cần bảo lưu có thời hạn.

Hết thời hạn bảo lưu theo quy định, các ý kiến khác biệt, mới mẻ của thiểu số cần phải được đưa ra nghiên cứu nghiêm túc, nhất là khi các giải pháp của tập thể không chịu đựng được thử thách của thực tiễn, không được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, không đạt kết quả trong thực tế và không như mong muốn.

Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định 08 Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương.

Trong đó, mục 5, mục 6, Điều 2 yêu cầu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Như vậy, Đảng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên các cấp phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đi đôi với việc phải có cơ chế bảo vệ hiệu quả loại cán bộ này để họ tự tin phấn đấu; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những đối tượng cán bộ, đảng viên lợi dụng danh nghĩa đổi mới, năng động, sáng tạo để trục lợi, cá nhân chủ nghĩa.

NHƯ NGỌC

.
.
.