Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm trễ trong cổ phần hóa
Sáng 21-11, tại Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Có khả năng không đạt kế hoạch
Những đánh giá tại hội nghị cho thấy cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế.
Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính tính đến hết tháng 11-2018, mới có 35/526 doanh nghiệp Nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Trong khi đó, theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017).
Tuy nhiên, đến ngày 18-11-2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỉ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.
Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn.
Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nhận thức về doanh nghiệp Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương còn có sự khác nhau.
Cùng một loại hình doanh nghiệp nhưng có địa phương giữ lại, có địa phương thì thực hiện cổ phần hóa.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm về doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan tới quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm, không muốn làm.
Xác định mức độ và phạm vi Nhà nước nắm giữ cổ phần trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp cụ thể; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về xử lý những dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không có hiệu quả, thua lỗ, mất vốn..., theo Phó Thủ tướng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc giải quyết hợp đồng EPC và quá trình giải quyết pháp lý giữa giai đoạn đầu tư và giai đoạn sản xuất kinh doanh.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng khâu yếu nhất trong thoái vốn, cổ phần hóa, đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài.
Công cụ điều tiết nền kinh tế
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang chiếm vị trí rất quan trọng của nền kinh tế, “vừa là công ích, vừa là công cụ điều tiết nền kinh tế.”
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo tiêu chí chỉ giữ lại những loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước cần chi phối như cảng biển, sân bay, điện lực, 4 ngân hàng lớn để điều tiết chính sách tiền tệ, quốc phòng, an ninh, viễn thông, cao su, dầu khí…
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh quản trị để doanh nghiệp phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Chia sẻ với tâm lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo khối doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò người quản lý phải quán triệt tinh thần điều hành doanh nghiệp theo kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, theo quy luật giá trị, từ tiền lương, đến giá cả, chứ không hành chính hóa.
Thủ tướng nhìn nhận, công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật ở 2 điểm: Góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước và giảm số lượng doanh nghiệp Nhà nước (từ trên 12.000 xuống còn dưới 600 doanh nghiệp).
Đề cập đến những tồn tại trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng chỉ rõ khâu hiệu quả, đóng góp của nhiều doanh nghiệp Nhà nước còn thấp. “Nếu quản trị tốt hơn, đầu tư nhất là đầu tư khoa học công nghệ tốt hơn thì đóng góp sẽ tốt hơn nữa,” Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn. Tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề.
Đi sâu vào phân tích những hạn chế, yếu kém trên, Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được nghiêm; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn.
Về vấn đề thời gian qua, có nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực và một số vụ án khởi tố cán bộ, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương liên quan, Thủ tướng cho rằng, việc này có nhiều nguyên nhân, vừa do cơ chế, chính sách, vừa do lỗi buông lỏng quản lý Nhà nước trong thời gian dài, đặc biệt là lỗi chủ quan của cán bộ, tổ chức liên quan, trong đó có việc tham nhũng, tiêu cực.
Nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần chấn chỉnh, đổi mới mọi mặt hoạt động, đặc biệt việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định pháp luật.
Tập trung phát triển sản xuất
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước phải tập trung hơn nữa cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, không để ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ, theo đúng quy định, bình thường mỗi năm một lần để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Thanh tra, kiểm tra là để doanh nghiệp làm đúng hơn, thực hiện tốt hơn các quy định, cơ chế chính sách liên quan,” Thủ tướng nói và lưu ý việc xử lý vi phạm không được kìm hãm sự phát triển mà phải củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, của nhà đầu tư, của thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Định hướng công tác đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng.
Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu…
“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện; trường hợp có vướng mắc thì phải rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay; đồng thời, phải thực thi nghiêm pháp luật; không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước trước ngày 31-12-2018 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31-12-2018.
Đề cập đến tầm quan trọng của công tác nhân sự, bố trí cán bộ tại các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ tinh thần “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”; kiên quyết không để tình trạng "sân trước, sân sau."
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ.
Cùng với đó, định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị hôm nay, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, sớm trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/xac-dinh-ro-trach-nhiem-ca-nhan-to-chuc-cham-tre-trong-co-phan-hoa/536123.vnp)