.
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Tiền Giang:

"Nóng" vấn đề điện, nước

Cập nhật: 21:17, 07/12/2018 (GMT+7)

Sáng 7-12, Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh giải trình nhiều vấn đề đại biểu và cử tri kiến nghị nhưng qua nhiều kỳ họp vẫn chưa giải quyết triệt để. Trong đó, vấn đề điện và nước được thảo luận sôi nổi.

* Thiếu nước hợp vệ sinh

Thiếu nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn được đại biểu và cử tri phản ánh qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 7, vấn đề này tiếp tục được đại biểu đặt ra.

Mở đầu phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh giải trình về vấn đề người dân thiếu nước hợp vệ sinh sử dụng. Đồng chí nêu rõ: Theo phản ảnh của cử tri, hiện nay, người dân ở nông thôn nhiều nơi chưa có nước sinh hoạt, nhiều khu vực sử dụng giếng tầng sâu chất lượng nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Đề nghị UBND tỉnh cho biết việc thực hiện Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 10-8-2017 của UBND tỉnh về phát triển hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn tỉnh đến năm 2020?

HTX Nông nghiệp Dịch vụ Nông thôn Bình Nhì nâng cấp mở rộng, sửa chữa tuyến ống, đảm bảo đủ nước cung cấp cho các xã viên
Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ nông thôn Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) nâng cấp mở rộng, sửa chữa tuyến ống đảm bảo đủ nước cung cấp cho nhân dân.

Được UBND tỉnh ủy quyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn giải trình: Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện việc cấp nước hợp vệ sinh cho nhân dân. Kết quả đến tháng 11-2018, toàn tỉnh có 389.824/394.189 hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 98,89%, trong đó số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung chiếm tỷ lệ 90,3%; chỉ số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung đã đạt mục tiêu theo Kế hoạch số 218/KH-UBND (mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung).

Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn, UBND tỉnh đã đầu tư, nâng cấp 124 công trình nước sinh hoạt, đạt 32% so mục tiêu Kế hoạch số 218/KH-UBND, với tổng mức đầu tư 107 tỷ đồng/347 tỷ đồng (đạt 31% kế hoạch về vốn). Tỉnh đã triển khai các giải pháp củng cố, nâng chất, chuyển đổi mô hình 35 trạm cấp nước; cải thiện chất lượng nước được 53 trạm đạt Quy chuẩn 02:2009/ BYT của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua rà soát tình hình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy việc cấp nước này còn một số hạn chế. Cụ thể, đến nay còn 78 trạm có chất lượng nước chưa đạt Quy chuẩn 02:2009/ BYT của Bộ Y tế; còn khoảng 9,63% hộ dân nông thôn, khoảng 37.960 hộ chưa tiếp cận nguồn nước trạm cấp nước tập trung.  

Để khắc phục các khó khăn, hạn chế nêu trên, trước mắt để đảm bảo cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành và các đơn vị có liên quan chuẩn bị công tác cấp nước mùa khô năm 2018 - 2019.

HTX Nông nghiệp Dịch vụ Nông thôn Bình Nhì nâng cấp mở rộng, sửa chữa tuyến ống, đảm bảo đủ nước cung cấp cho các xã viên
Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ nông thôn Bình Nhì nâng cấp mở rộng, sửa chữa tuyến ống đảm bảo đủ nước cung cấp cho nhân dân.

Về đầu tư hệ thống chuyển tải nước cho các huyện phía Đông, UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp các sở, ngành lập kế hoạch đầu tư và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Cụ thể là sẽ triển khai tại một số tuyến ở các địa phương như: Huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công và huyện Tân Phú Đông.

Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Điện lực Tiền Giang ưu tiên về nguồn điện cung cấp cho các nhà máy, trạm cấp nước, giếng khoan, trạm tăng áp ở khu vực phía Đông cũng như hệ thống điện của Nhà máy nước Đồng Tâm.

Về nguồn vốn, tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan nghiên cứu cơ chế quản lý, nguồn ngân sách để thực hiện đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các huyện phía Đông, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định theo hướng đối với phần đường ống chính thì UBND tỉnh xem xét đầu tư và Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đầu tư; đối với phần đường ống trục chính thì Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đầu tư; đối với phần đường ống rẽ vào khu dân cư thì UBND huyện, nhân dân và vận động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư.

Riêng đối với huyện Tân Phú Đông, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét, ứng từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2019 để đầu tư công trình cấp thiết nâng cấp tuyến ống từ trạm cấp nước Phú Thạnh đến trạm cấp nước Phú Đông nhằm hoàn chỉnh hệ thống tuyến ống tiếp nhận, đấu nối, chuyển tải phân phối nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm đến các trạm cấp nước hiện hữu trên địa bàn…

* Cần giải pháp đột phá cho ngành Điện

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt vấn về với UBND tỉnh và ngành Điện lực tỉnh: Hiện nay nhu cầu sử dụng điện để sản xuất và sinh hoạt của người dân rất lớn, nhất là nhu cầu điện cung cấp cho việc áp dụng công nghệ sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng ngành Điện chưa đáp ứng được nhu cầu trên. Mặt khác, việc thực hiện tiêu chí Điện trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã còn chậm, đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Giải trình về vấn đề này, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trong thời gian qua, định kỳ hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Công ty Điện lực Tiền Giang khảo sát, lập danh mục đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện trên địa bàn các xã, nhất là các xã xây dựng nông thôn mới để cải tạo lưới điện nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2015 - 2018 đã thực hiện đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện trên địa bàn 63 xã được chọn xây dựng nông thôn mới, với khối lượng 236,6 km đường dây trung áp, 782 máy biến áp với tổng dung lượng trên 33.004 kVA; trên 2.072 km đường dây hạ áp, tổng vốn khoảng 500 tỷ đồng.

Đồng chí Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương, giải trình tại hội trường
Đồng chí Đoàn Văn Phương giải trình tại hội trường.

Các công trình điện đầu tư cho các xã nông thôn mới năm 2018 do Công ty Điện lực Tiền Giang thực hiện đầu tư bằng vốn ngành Điện (tỉnh tạm ứng vốn cho ngành Điện 50% để thực hiện đầu tư), tiến độ thực hiện chậm so với yêu cầu do theo quy định Công ty Điện lực Tiền Giang phải thực hiện công tác đấu thầu qua mạng như: Đấu thầu tư vấn thiết kế, đấu thầu thi công, đấu thầu giám sát, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác (công tác lập hồ sơ còn sai sót phải điều chỉnh lại...).

Về giải pháp thời gian tới, đồng chí Đoàn Văn Phương cho biết: “Sở Công thương cùng với ngành Điện lực tỉnh sẽ tập trung thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035. 

Đối với việc đầu tư cho các xã nông thôn mới: Giai đoạn 2019 - 2020, kế hoạch đầu tư, cải tạo, phát triển lưới điện trên địa bàn 45 xã nông thôn mới là 389,8 km đường dây trung áp, 765 trạm biến áp với tổng dung lượng 32.965 kVA; 1.547,6 km đường dây hạ áp, ước tổng vốn đầu tư khoảng 385 tỷ đồng.

Các lưới điện này, ngoài cấp điện phục vụ sinh hoạt còn kết hợp cấp điện phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp. Hiện nay, UBND tỉnh và Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang xem xét dự thảo Biên bản thỏa thuận về việc tỉnh cho ngành Điện ứng vốn 50% để thực hiện đầu tư, không tính lãi.

Rút kinh nghiệm của năm 2018, ngay từ tháng 12-2018 UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình điện cho các xã nông thôn mới năm 2019, để có thể triển khai thi công trong đầu năm 2019; trong đó, ưu tiên cho 2 huyện xây dựng huyện nông thôn mới để ra mắt vào năm 2020.

HOÀI THU - PHƯƠNG MAI

.
.
.