.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ (3-12-1908 - 3-12-2018)

Người cộng sản kiên trung, bất khuất

Cập nhật: 09:48, 03/12/2018 (GMT+7)

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3-12-1908 -3-12-2018) là dịp chúng ta ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của một thanh niên yêu nước, một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng, đã để lại cho chúng ta những bài học quý về lẽ sống, chí khí người Việt Nam, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa cổ vũ to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Tranh sơn dầu: Phiên tòa Nam án Bắc Ninh xét xử kết án khổ sai chung thân đối với đồng chí Ngô Gia Tự, ngày 27-1-1931.
Tranh sơn dầu: Phiên tòa Nam án Bắc Ninh xét xử kết án khổ sai chung thân đối với đồng chí Ngô Gia Tự, ngày 27-1-1931.

THAM GIA SÁNG LẬP ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, TX. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học, là người chiến sĩ yêu nước thuộc lớp người đầu tiên tiếp cận những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1926, khi đang học năm thứ tư tại Trường Bưởi (Hà Nội), Ngô Gia Tự và một số bạn học bị đuổi học vì tham gia phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Trở về quê hương, Ngô Gia Tự tiếp tục tự học, vừa dạy học, vừa hoạt động cách mạng. Sau những ngày sôi động cùng các tầng lớp nhân dân để tang và truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, tại ngôi nhà số 47, phố Trần Nhân Tông, Thủ đô Hà Nội, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Đồng chí đã tích cực hoạt động, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, gầy dựng được cơ sở phong trào cách mạng tại nhiều nơi; được tổ chức tín nhiệm cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo chương trình và nội dung.

Ngay sau khi kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí được phân công về Bắc Ninh, Bắc Giang tuyên truyền giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng.

Đến giữa năm 1928, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc kỳ.

Tại Đại hội, với những luận giải sắc bén, giàu sức thuyết phục được đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng theo chủ trương, đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đồng chí Ngô Gia Tự đã quy tụ được ý chí chung của Đại hội, tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Đầu tháng 5-1929, tại Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Ngô Gia Tự và đoàn đại biểu Bắc kỳ nêu ý kiến và kiên quyết bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản Việt Nam để đáp ứng phong trào cách mạng đang lên cao của công nhân và nông dân, nhưng chủ trương đó không được chấp nhận

Đánh giá về công lao sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Ngô Gia Tự và nhiều cán bộ khác đã anh dũng hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập…”.

Ngày 28-5-1929, đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 200 công nhân xưởng Avia - hãng sửa chữa ô tô lớn nhất Ðông Dương lúc đó.

Cuộc bãi công đã trở thành ngọn lửa làm bùng cháy phong trào công nhân ở Hải Phòng, Nam Ðịnh, công nhân mỏ than ở Hòn Gai, công nhân Vinh, Bến Thủy; của nông dân các tỉnh xung quanh Hà Nội như: Phúc Yên, Bắc Ninh, Nam Ðịnh, Thái Bình... Ðây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của phong trào công nhân nước ta trong quá trình tiến tới thành lập Ðảng cộng sản. Tên tuổi đồng chí Ngô Gia Tự gắn liền với sự kiện nổi bật đó.

Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) gồm 20 đảng viên đầu tiên. Đồng chí Ngô Gia Tự là Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời (gồm 7 đồng chí).

Cuối tháng 7-1929, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Nam kỳ vận động các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Do sự hoạt động tích cực của đồng chí, các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng phát triển mạnh ở nhiều nơi, từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến Mỹ Tho, từ nhà máy đến các đồn điền ở Nam kỳ đều có Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào phát triển mạnh mẽ; đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp giảng dạy một số lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức chính trị, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng…

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT

Trong giai đoạn đầu thành lập Đảng, giữa lúc phong trào cách mạng cả nước và Nam kỳ phát triển mạnh mẽ, tối 31-5-1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị địch bắt trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú An trên sông Thị Nghè (Sài Gòn). Biết đồng chí là cán bộ cấp cao của Đảng, kẻ địch hết dụ dỗ, mua chuộc lại dùng cực hình tra tấn dã man, nhưng cuối cùng chúng đã phải bất lực trước ý chí sắt đá kiên trung của đồng chí.

Trong chốn lao tù của thực dân Pháp, phẩm chất cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự tiếp tục thể hiện rõ ý chí quật cường của người cộng sản. Thực dân Pháp đưa đồng chí cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương ra phiên tòa “đại hình đặc biệt”. Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã biến phiên tòa thành diễn đàn lên án thực dân Pháp.

3 năm giam giữ, 4 lần xét xử, thực dân Pháp đã khép Ngô Gia Tự 1 bản án tử hình, 3 bản án khổ sai chung thân và bí mật đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo - địa ngục trần gian, người “tù chính trị hạng đặc biệt nguy hiểm” chịu mọi cực hình tra tấn, đày ải dã man của kẻ thù, nhưng đồng chí vẫn kiên cường chiến đấu, tham gia tuyệt thực chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Đồng chí được cử vào Ban Chi ủy chi bộ nhà tù.

Thực hiện “biến nhà tù thành trường học cộng sản”, Ngô Gia Tự đã cùng với Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn sách kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì?… và tổ chức viết báo, nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, rút kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng.

Nhờ được trang bị lý luận đấu tranh cách mạng nên các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản trong tù diễn ra có tổ chức, có phương pháp, có sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động.

Trong lao tù, tấm gương dũng cảm, kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù của đồng chí Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã cảm hóa được một số người ở đảng phái khác nhận ra lý tưởng cộng sản, tự nguyện gia nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuối năm 1934, chi bộ nhà tù Côn Đảo quyết định cử đồng chí Ngô Gia Tự cùng 7 chiến sĩ cộng sản khác vượt biển về đất liền hoạt động.

Nhưng không may, vì sóng to gió lớn, các đồng chí đã hy sinh giữa biển khơi. Năm ấy, đồng chí Ngô Gia Tự mới 26 tuổi - độ tuổi tràn đầy sức lực và đang nở rộ tài năng.

Nhớ về đồng chí Ngô Gia Tự, chúng ta nhớ về một tấm gương của một chiến sĩ cộng sản hết mực trung thành với Ðảng, với dân, một trí tuệ sắc sảo và nhạy bén, một tấm gương đấu tranh kiên trung, bất khuất với kẻ thù và một tấm lòng tràn ngập tình cảm yêu thương đồng chí, đồng bào.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.